Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Tăng cường hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia

Nhằm tăng cường hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia, đoàn công tác của Bộ Công Thương nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Vương quốc Campuchia từ ngày 09 đến ngày 11 tháng 5 năm 2018.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (phải) trao quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak (trái)  
Tại Campuchia, đoàn đã đến chào Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Campuchia. Tại buổi tiếp, Đại sứ Vũ Quang Minh đã thông tin về tình hình kinh kế - xã hội của Campuchia và những nét nổi bật trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã thông báo đến Đại sứ một số kết quả đạt được và phương hướng thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Campuchia. Thứ trưởng bày tỏ cảm ơn Đại sứ đã hỗ trợ các hoạt động của ngành công thương tại Campuchia trong thời gian vừa qua và mong muốn Đại sứ tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Campuchia, đoàn công tác do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đã có buổi hội đàm với đoàn liên Bộ, ngành và địa phương của Campuchia do Bộ trưởng Bộ Thương mại Pan Sorasak làm trưởng đoàn. Cùng dự buổi hội đàm có Đại sứ Vũ Quang Minh. Tại buổi hội đàm, hai Bên đã cùng đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian vừa qua và thống nhất phương hướng hợp tác trong thời gian tới về lĩnh vực thương mại nói chung và thương mại biên giới nói riêng.
Toàn cảnh buổi hội đàm với đoàn liên Bộ, ngành và địa phương của Campuchia do Bộ trưởng Bộ Thương mại Pan Sorasak.
Hai Bên đã đánh giá tiến độ thi công xây dựng Chợ kiểu mẫu biên giới Campuchia, tại xã Đa, huyện Me Mốt, tỉnh Tbaung Khmun, Campuchia (gọi tắt là Chợ Đa), công trình do Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Vương quốc Campuchia. Hai Bên đã cùng nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng nhằm hoàn thành công trình Chợ Đa trong năm 2018 theo chỉ đạo của hai Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Campuchia.
Đồng thời, hai Bên cùng đánh giá thực trạng hoạt động thương mại biên giới, những kết quả đạt được trong thời gian qua, những khó khăn vướng mắc cần phải giải quyết, cùng nhau đề ra những phương hướng, định hướng và giải pháp phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới trong thời gian tới. Hai Bên cũng đã trao đổi dự thảo và các bước tiếp theo để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Từ ngày 10-11/5/2018, Đoàn công tác Bộ Công thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak.
Theo chương trình công tác, đoàn đã phối hợp với phía Campuchia đến kiểm tra tiến độ thi công Chợ Đa. Tại công trường xây dựng Chợ Đa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã hỏi thăm và động viên các công nhân xây dựng, những người Việt Nam và Campuchia phải làm việc trong điều kiện vùng biên giới xa xôi, khó khăn và thiếu thốn mọi mặt.Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu một mặt đẩy nhanh tiến độ thi công, mặt khác phải đảm bảo an toàn lao động và chất lượng công trình./.
Nguồn: Công Thương

Hội nghị cấp cao Tổ chức Năng suất Châu Á - APO lần thứ 60

 Hội nghị cấp cao Tổ chức Năng suất châu Á (APO) lần thứ 60 được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn, Lào từ ngày 08-10/5/2018.
Đây là cuộc họp cấp cao nhất của APO được tổ chức hàng năm với sự tham gia của Tổng thư ký APO và các Giám đốc APO từ các quốc gia thành viên.
Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng  - Bộ KH&CN làm trưởng đoàn tham dự hội nghị.
Hội nghị cấp cao Tổ chức Năng suất Châu Á - APO lần thứ 60 - ảnh 1

Ngài Somchith Inthamith – Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào phát biểu chào mừng tại Hội nghị 

Về phía nước chủ nhà, ngài Somchith Inthamith – Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào đã đến tham dự Hội nghị và có bài phát biểu chào mừng.
Hội nghị đã đề cử Đoàn Chủ tịch nhiệm kỳ 2018-2019 và nhận được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã được tín nhiệm đề cử đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch của APO.  
Hội nghị cấp cao Tổ chức Năng suất Châu Á - APO lần thứ 60 - ảnh 2

Bà Chew Mok Lee - Chủ tịch APO phát biểu khai mạc Hội nghị 

Với định hướng đổi mới nhằm đáp ứng những thay đổi của môi trường kinh doanh toàn cầu, các vấn đề quan trọng của Tổ chức Năng suất Châu Á đã được đặt ra và thảo luận tại hội nghị như: Cách thức tiếp cận mới và lộ trình thực hiện Chiến lược của APO trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Vai trò của APO trong việc nâng cao hiệu quả hỗ trợ các vấn đề về năng suất đối với các quốc gia thành viên; Thông qua các đề xuất, nhiệm vụ về năng suất của các nước thành viên giai đoạn 2018-2020; Chia sẻ định hướng chính sách về năng suất của các quốc gia thành viên… Đây cũng là nội dung chính của Hội nghị với mục tiêu xây dựng APO trở thành một tổ chức quốc tế hàng đầu về năng suất.
Hội nghị cấp cao Tổ chức Năng suất Châu Á - APO lần thứ 60 - ảnh 3

Đoàn Chủ tịch điều hành cuộc họp

 
Tại Hội nghị này, APO đã trao chứng chỉ cho 4 Trung tâm trí thức (Center of Excelence) bao gồm Trung tâm trí thức về Kinh doanh Xuất sắc (BE) cho Enterprise, Singapore; Trung tâm trí thức về Năng suất xanh (GP) cho Trung tâm Năng suất Đài Loan (Trung Quốc); Trung tâm trí thức về Năng suất trong khu vực công (PSP) cho Học viện Phát triển Phillipines; và Trung tâm trí thức về Công nghệ Thông tin đáp ứng Công nghiệp 4.0 cho Trung tâm Năng suất Quốc gia Ấn Độ. Đây là các trung tâm được thành lập trên cơ sở sử dụng các thế mạnh của các quốc gia trên trong việc chia sẻ tri thức và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị sản xuất cũng như góp phần nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh cho các nước thành viên.  
Hội nghị cấp cao Tổ chức Năng suất Châu Á - APO lần thứ 60 - ảnh 4

 Toàn cảnh hội nghị

 Các đại biểu tham dự Hội nghị 


 APO là tổ chức liên chính phủ, phi lợi nhuận quốc tế được thành lập vào ngày 11/5/1961 với vai trò hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng suất, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Nguồn: Vietq

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Campuchia đề nghị LHQ giám sát cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới

Ngày 13/3, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) đã đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) cử quan sát viên hoặc mở văn phòng đại diện tại NEC để giám sát công tác bầu cử Quốc hội ở nước này vào cuối tháng 7 tới.

Người dân Campuchia xếp hàng chờ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện tại một điểm bầu cử ở tỉnh Kandal ngày 25/2. Ảnh: THX/TTXVN
Đề nghị trên đã được Chủ tịch NEC, ông Sik Bunhok, đưa ra tại buổi làm việc giữa NEC với Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền LHQ tại Campuchia, bà Rhona Smith.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, người phát ngôn NEC Hang Puthea cho biết tại buổi làm việc, bà Rhona Smith đã đề nghị NEC đảm bảo tính công bằng, minh bạch và trung thực đối với phiếu bầu của cử tri trong cuộc bầu cử tới. Về phần mình, Chủ tịch NEC Sik Bunhok đã đề nghị LHQ bố trí quan sát viên hoặc mở văn phòng đại diện tại NEC để kiểm tra tính minh bạch của NEC đối với công tác bầu cử. Tuy nhiên, bà Rona Smith vẫn chưa có câu trả lời đối với đề nghị này của NEC. 
Bà Rhona Smith có chuyến công tác tại Campuchia từ ngày 5-14/3. Trong chuyến công tác lần này, bà Rhona Smith đã có nhiều cuộc gặp, làm việc với lãnh đạo cấp cao của Campuchia.
Nguồn: Tin Tức

EU khẳng định tiếp tục ủng hộ và củng cố hợp tác với Campuchia

(Nguồn: 123rf.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tại Hội nghị Ủy ban hỗn hợp Liên minh châu Âu (EU)-Campuchia lần thứ 10 đang diễn ra, EU đã bày tỏ quyết tâm tiếp tục ủng hộ và củng cố quan hệ hợp tác với Campuchia. 

Fresh News, trang tin điện tử có số lượng người truy cập lớn nhất tại Campuchia ngày 13/3 cho biết, Hội nghị Ủy ban hỗn hợp EU- Campuchia diễn ra từ ngày 12-14/3 nhằm đánh giá quá trình hợp tác giữa hai bên trong 2 năm qua. 

Thời gian qua, quan hệ hợp tác Campuchia-EU chủ yếu trên các lĩnh vực như nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, thương mại, đầu tư, xây dựng, cải cách hành chính, cải cách luật, tòa án, công tác quản lý và nhân quyền, bao gồm cả việc ủng hộ bầu cử, quản lý tài chính công và phân quyền. 

Trong hội nghị tại Brussels (Bỉ) này, ngoài việc trao đổi các vấn đề trong quan hệ song phương, bao gồm cả diễn biến tình hình chính trị hiện nay ở Campuchia và ở EU, hai bên còn trao đổi các vấn đề khu vực và đa phương như tiểu vùng sông Mekong, quan hệ ASEAN-EU, biến đổi khí hậu, hợp tác nhân quyền trong diễn đàn của Liên hợp quốc. 

EU đã đánh giá cao và hoan nghênh những thành tựu hợp tác song phương trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ khâm phục và chúc mừng Campuchia đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, đặc biệt EU một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ và củng cố hợp tác với Campuchia trong thời gian tới./. 
Nguồn: VN plus

Xe Việt Nam qua Lào, Trung Quốc, Campuchia sẽ dễ dàng hơn?

Sáng nay, tại Hà Nội, các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng đã họp bàn tạo điều kiện thuận lợi cho xe lại qua biên giới.


15

Các nước thành viên đã thống nhất triển khai mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại 7 cặp cửa khẩu, trong đó có cặp cửa khẩu Lao Bảo (VN) - Dansavanh (Lào)

Sáng nay (14/3), tại Hà Nội diễn ra cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA).
Cuộc họp do Bộ GTVT và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chủ trì diễn ra trong hai ngày 14, 15/3 nhằm kiểm điểm triển khai kết quả của Hội nghị Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 5 ngày 14-15/12/2016 tại Chiang Mai, Thái Lan và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định GMS-CBTA/Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA (MOU).
Tại cuộc họp, hai bên sẽ trao đổi về sửa đổi, bổ sung Nghị định thư số 1 (hành lang, tuyến đường, các điểm xuất nhập cảnh) của Hiệp định GMS-CBTA và các nội dung liên quan chuẩn bị cho tiến hành ký Bản ghi nhớ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Thuyên, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT cho biết, trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), bắt nguồn từ Hiệp định ba bên Việt Nam - Lào - Thái Lan về tạo thuận lợi cho vận tải bằng đường bộ giữa ba nước, Hiệp định CBTA đã dần được mở rộng với sự tham gia của các thành viên GMS còn lại gồm: Campuchia, Trung Quốc và Myanmar lần lượt gia nhập vào các năm 2001, 2002 và 2003.
Hiệp định gồm 20 phụ lục và nghị định thư; trong đó Campuchia, Trung Quốc, Lào và Việt Nam đã phê chuẩn toàn bộ 20 phụ lục và nghị định thư lần lượt vào các năm 2008, 2009. Hai nước còn lại là Thái Lan và Myanmar hoàn thành việc phê chuẩn vào cuối năm 2015.
Mục tiêu của Hiệp định CBTA nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và người qua lại biên giới giữa các bên; Đơn giản hóa và hài hòa luật pháp, qui định, thủ tục và các yêu cầu liên quan tới vận tải hàng hóa và người qua lại biên giới; thúc đẩy vận tải đa phương thức.
Trong khuôn khổ Hiệp định CBTA, các nước thành viên đã thống nhất triển khai mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” - SWI/SSI tại 7 cặp cửa khẩu giữa các nước GMS; trong đó Việt Nam có các cửa khẩu: Lao Bảo (VN) - Dansavanh (Lào); Lào Cai (VN) - Hà Khẩu (Trung Quốc); Mộc Bài (VN) - Bavet (Campuchia).
Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế tại các cửa khẩu theo Hiệp định CBTA cùng với việc hoàn thiện thủ tục nội bộ mỗi bên, thống nhất thủ tục chung còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Vì vậy, trong các năm 2016 và 2017, được sự hỗ trợ từ ADB, các nước GMS đã tích cực phối hợp, tổ chức đàm phán, hoàn thành thủ tục ký kết Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA (MOU), làm cơ sở thực hiện hiệp định trên thực tế.
“Vì vậy, việc ký kết được Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm” (MOU) rất quan trọng, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước GMS, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại. MOU cho phép mỗi nước thành viên GMS được phát hành tối đa 500 Giấy phép vận tải đường bộ khu vực GMS và Tờ khai tạm nhập tái xuất đối với phương tiện vận tải người và hàng hóa (TAD) có đăng ký, sở hữu và (hoặc) hoạt động tại quốc gia đó; quy định phương tiện có thể vận chuyển trên tất cả các tuyến đường và qua tất cả các cửa khẩu được nêu trong Nghị định thư 1 của hiệp định”, ông Thuyên cho biết.
Nguồn: Giao Thông

Việt Nam - Lào lên kế hoạch tìm hài cốt liệt sỹ

Tháng 5 tới, Việt Nam-Lào sẽ tiến hành làm lễ truy điệu và đưa rước 65 bộ hài cốt về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Ngày 13/3, tại tỉnh Xiangkhuang, Lào, đại diện lãnh đạo tỉnh Xiangkhuang và Ban chỉ đạo 1237 Quân khu 4 cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Việt Nam, phối hợp tổ chức Hội nghị bàn về công tác tổ chức tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt các liệt sỹ và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh. 
viet nam lao len ke hoach tim hai cot liet sy hinh 1
Toàn cảnh Hội nghị tại tỉnh Xiangkhuang ngày 13/3. Ảnh: TTX Lào
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã cùng trao đổi bàn bạc, đánh giá tình hình cũng như kết quả việc triển khai thực hiện việc hợp tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt các chiến sỹ tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trong mùa khô năm 2018 tại địa bàn tỉnh Xiangkhuang.
Các bên đã cũng trao đổi cách thức phối hợp nâng cao hiệu quả việc hợp tác trong thời gian tới. Vào tháng 5 tới, hai bên sẽ tiến hành làm lễ truy điệu và đưa rước 65 bộ hài cốt về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Ông Khamesen Manivonge, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Xiangkhuang cho biết: “Phía Xiangkhuang sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, cung cấp thông tin trong công tác phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ cùng với các đơn vị liên quan của phía Việt Nam”.
“Nhân dân Lào nói chung và nhân dân tỉnh Xiangkhuang nói riêng luôn biết ơn sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam vì sự nghiệp quốc tế cao cả, vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân các dân tộc Lào”, ông Khamesen Manivonge nói thêm./.
Nguồn: VOV

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Con trai cả Thủ tướng Hun Sen thêm chức cao

Trung tướng Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, vừa đảm nhiệm vị trí tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF).

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cho biết ông Manet, hiện là Phó Tư lệnh RCAF, đã thay thế cho tướng Kun Kim do "vấn đề cá nhân" nên rời khỏi chức vụ.
"Vì một vấn đề cá nhân quan trọng, tôi sẽ trao toàn quyền tham mưu trưởng cho trung tướng Hun Manet đảm nhận kể từ ngày ký" – tướng Kim viết trong bức thư ký ngày 21-2. Theo Reuters, ông Kim đang nghỉ bệnh.
Tư lệnh RCAF, tướng Pol Saroeun, đã xác nhận bức thư này vào ngày 23-2.
Con trai cả Thủ tướng Hun Sen thêm chức cao - Ảnh 1.
Trung tướng Hun Manet. Ảnh: Khmer Times
Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh cho rằng việc chuyển giao quyền lực và vai trò trong quân đội không phải là chuyện hiếm. "Đó là một vấn đề bình thường" - ông nói. "Khi họ bận, họ bàn giao nhiệm vụ cho người khác tiếp quản".
Tướng Manet gia nhập quân đội vào năm 1995, cùng thời điểm theo học tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm chống khủng bố Quốc gia Campuchia.
Tướng Manet đóng vai trò nổi bật trong các cuộc đàm phán giữa Campuchia và Thái Lan xoay quanh tranh chấp ngôi đền Preah Vihear hồi năm 2008.
Nhà phân tích chính trị Lao Mong Hay nhận định ông Manet có thể trở thành người đứng đầu toàn bộ lực lượng vũ trang Campuchia trong tương lai.
Con trai cả Thủ tướng Hun Sen thêm chức cao - Ảnh 2.
Ông Manet thay thế vị trí của tướng Kun Kim (giữa). Ảnh: Khmer Times
Hồi tháng 1, Thủ tướng Hun Sen cũng bổ nhiệm con rể làm phó cảnh sát trưởng quốc gia. Trước đó, tháng 12 năm ngoái, con trai út của ông được thăng cấp bậc đại tá trong đội vệ sĩ của cha mình.
Động thái trên của nhà lãnh đạo Campuchia diễn ra trước thời điểm cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 7 tới. Nhiều nhà bình luận cho rằng Thủ tướng Hun Sen sẽ giành chiến thắng dễ dàng sau khi Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) bị Tòa án tối cao giải thể vào tháng 11-2017 theo yêu cầu của chính phủ.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác chỉ trích diễn biến trên. Washington đầu tuần này tuyên bố họ đang đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ dành cho Phnom Penh.