Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Không gian Lào giữa lòng Sài Gòn


Ngôi nhà ấy là điểm hẹn của bao thế hệ du học sinh Lào tại TP.HCM, được các bạn nhắc đến như nói về mái nhà chung nhiều kỷ niệm.
Không gian Lào giữa lòng Sài Gòn
Ký túc xá sinh viên Lào trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Tôi từng học tập tại Việt Nam, luôn trân trọng tình cảm mà các bạn dành cho đất nước chúng tôi. Những người trẻ của hai nước hôm nay phải có trách nhiệm lưu truyền, làm phong phú hơn tình cảm sâu sắc
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào Sonthanou Thammavong
12 năm hình thành và hoạt động, ký túc xá sinh viên Lào trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM) vừa là cộng đồng riêng của các du học sinh Lào nhưng cũng vừa là nơi giao thoa, tìm hiểu những nét văn hóa tiêu biểu của mỗi quốc gia giữa các bạn trẻ hai nước Lào - Việt.
Như giữa quê mình
Dù là cộng đồng riêng, sống cùng nhau nhưng các bạn du học sinh Lào đã hòa vào dòng chảy chung của sinh viên thành phố mang tên Bác. Nhận thức rõ trách nhiệm của một du học sinh được cử đi học song ngoài nhiệm vụ học hành, các bạn vẫn luôn sắp xếp thời gian để tham gia những chuyến khám phá, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Chị Trương Thị Xuân Hoàn - phó giám đốc ký túc xá Lào từ những ngày mới thành lập đến nay - cho biết định kỳ hằng quý đều có những chuyến đi như vậy. Có khi tìm về Đồng Tháp, viếng mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.
“Hầu như các địa điểm du lịch, di tích lịch sử của TP.HCM các bạn đều đã đi đủ cả. Chúng tôi cố gắng thiết kế để giúp các bạn thư giãn sau giờ học, vừa tranh thủ giới thiệu về TP với các bạn” - chị Xuân Hoàn chia sẻ.
Những chuyến đi về miền Tây sông nước giúp các bạn hiểu hơn về đời sống người nông dân Việt Nam, hiểu thêm môi trường học tập, nghiên cứu khi đến giao lưu với một số trường ĐH tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Phouang Sak - trưởng ban tự quản sinh viên Lào tại TP.HCM - hào hứng: “Đến ngày tết Bun Pi May của các dân tộc Lào, chúng tôi có năm ngày để cùng đón xuân, được té nước như phong tục truyền thống, nấu các món ăn rồi mời các thầy cô, bạn bè người Việt đến ăn tết chung, cảm giác rất gần gũi”.
Bạn Thammaphou Oneauma cho biết rất tiếc khi phải rời ký túc xá Lào để chuyển về khu vực Thủ Đức. Hiện đang là sinh viên năm nhất của Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), bạn cho biết hơn nửa năm sống tại ký túc xá Lào là khoảng thời gian khó quên vì nhiều lý do, trong đó có không gian sống chan hòa như một gia đình.
“Ký túc xá Lào rất thoải mái, tôi có thể sử dụng Internet miễn phí vừa tìm kiếm thông tin phục vụ việc học, vừa có thể liên lạc với bạn bè và gia đình ở quê thường xuyên hơn” - Thammaphou khoe.
Cảm giác như đang được sống giữa quê nhà cũng là cảm nhận chung mà nhiều du học sinh Lào nhắc đến.
Hiện đang sống và làm việc tại Mỹ, cựu du học sinh Sisouvong Malivankham (từng là sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) gửi những dòng cảm xúc về cho ban giám đốc ký túc xá Lào: “Mình không thể quên những tháng ngày sống ở TP.HCM, không thể quên tình cảm, sự chăm lo của các anh chị quản lý và cả những lễ hội giao lưu văn hóa văn nghệ tại nơi này”.
Một cựu du học sinh khác, bạn Veurnkham Khamphasouk, bày tỏ: “Tôi trưởng thành, tự tin và sống mạnh mẽ hơn. Ký túc xá đã trở thành ngôi nhà thứ hai đối với tôi suốt bốn năm qua”.
Mỗi tháng sẽ có một ngày chủ nhật để các bạn du học sinh Lào tổng vệ sinh ký túc xá. Anh Phouang Sak nói những ngày này là dịp để mọi người cùng nhắc nhở nhau ý thức cùng vun đắp không gian sống chung. Anh Phouang Sak nói vị trí ký túc xá rất tiện lợi, gần trường, gần chợ, cả công viên và nhiều quán ăn nên sinh hoạt hằng ngày thoải mái và rất tiện lợi.
Vun đắp tình hữu nghị
Trong buổi tiếp đoàn đại biểu cấp cao của Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào do Bí thư thứ nhất Sonthanou Thammavong làm trưởng đoàn đến TP.HCM cách đây khoảng 20 ngày, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đề nghị Thành đoàn TP.HCM cần phối hợp nhiều hoạt động gắn kết hơn nữa giữa thanh niên TP.HCM với nước bạn Lào.
Theo ông Cang, ngoài hoạt động tình nguyện đã làm nhiều năm qua, cần có hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nhân trẻ TP.HCM đầu tư, hợp tác phát triển với các doanh nhân Lào, xúc tiến du lịch, phát huy đội ngũ giảng viên trẻ, sinh viên Trường ĐH Nông lâm hỗ trợ nông nghiệp tại một số tỉnh của Lào...
“Tôi mong muốn sự hợp tác thanh niên hai nước ngày càng đa dạng hơn, gắn kết hơn để truyền thống, tinh thần hữu nghị giữa hai đảng, hai nhà nước, tình cảm giữa nhân dân hai nước luôn thân tình, gắn bó đặc biệt” - ông Cang nhấn mạnh.
Chia sẻ điều này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào Sonthanou Thammavong cho rằng phong trào tình nguyện của các bạn trẻ TP.HCM khi đến với Lào đã đem nhiều lợi ích cho bà con, giúp hoạt động thanh niên của Lào thêm khởi sắc.
“Tôi từng học tập tại Việt Nam, luôn trân trọng tình cảm mà các bạn dành cho đất nước chúng tôi. Những người trẻ của hai nước hôm nay phải có trách nhiệm lưu truyền, làm phong phú hơn tình cảm sâu sắc" - anh Sonthanou Thammavong phát biểu.
Khi đại diện Chính phủ Lào trao huy chương hữu nghị cho ban giám đốc ký túc xá sinh viên Lào các thời kỳ năm 2015, Tổng lãnh sự Lào tại TP.HCM Southideth Phommalat cho biết nhiều du học sinh Lào từng học tập tại TP.HCM đã tốt nghiệp trở về và giữ nhiều vị trí lãnh đạo.
“Công này thuộc về các lãnh đạo TP.HCM, các thầy cô giáo và các anh chị trong ban giám đốc các thời kỳ. Các vị luôn dành nhiều ưu ái, quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em người Lào sinh sống, học tập tại TP.HCM. Điều đó đã góp phần hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước chúng tôi nói chung và các địa phương ở Lào nói riêng” - ông Southideth Phommalat nói.
Tính từ thời điểm thành lập vào năm 2004 đến nay, ký túc xá sinh viên Lào đã đón trên 500 du học sinh đến học tập tại TP.HCM. Ngoài du học sinh Lào, năm 2010 ký túc xá chính thức đón thêm một số du học sinh Campuchia.  
Ngoài ký túc xá sinh viên Lào tại Q.3, nhiều du học sinh Lào khác hiện đang ở tại nhiều ký túc xá các trường khác nhau của TP.HCM.
Hiện có 169 du học sinh Lào trong tổng số 210 du học sinh đang sống trong ký túc xá. Các bạn đang theo học tại 14 trường đại học, học viện trên địa bàn TP.HCM bằng nguồn hỗ trợ học bổng, phí sinh hoạt của TP.HCM.  
Hằng năm, ký túc xá phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM và Tổng lãnh sự Lào tại TP.HCM tuyên dương những du học sinh tiêu biểu. Đến nay, hơn 300 du học sinh Lào tiêu biểu đã được tuyên dương.
Chuyển giao quy trình đào tạo cho các trường ĐH - CĐ của Lào
Năm 2012, sau thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam - Lào cũng như giữa Bộ Tài chính hai nước, một số trường ĐH thuộc Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp cùng một số trường, viện tại ba trường ĐH - CĐ ở Lào triển khai đào tạo. Các chương trình này bao gồm đào tạo ĐH, sau ĐH, chuyển giao quy trình đào tạo cho các trường ĐH Lào.
ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết trường được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ phối hợp cùng Trường CĐ Tài chính Nam Lào đào tạo bậc ĐH và sau ĐH. Đến nay, đã có 250 sinh viên tốt nghiệp liên thông từ CĐ lên ĐH. Bên cạnh đó, 70 học viên đang theo học chương trình sau ĐH tại Trường CĐ Tài chính Nam Lào.
“Toàn bộ chương trình, giảng viên đều đưa từ Trường ĐH Tài chính - marketing qua để tổ chức lớp, quản lý đào tạo cũng như giảng dạy. Chương trình không chỉ đào tạo đội ngũ nhân lực ngành tài chính cho sáu tỉnh phía nam Lào mà còn hỗ trợ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngành tài chính cho các tỉnh này. Phía đối tác đánh giá chương trình này khá tốt” - ông Tuấn cho biết.
Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, theo ông Tuấn, việc hợp tác này còn hỗ trợ Trường CĐ Tài chính Nam Lào hoàn thiện quy trình đào tạo, chuyển giao giáo trình, giúp trường đào tạo giảng viên bởi phần lớn giáo viên ở đây mới có trình độ ĐH.
Việc hoàn thiện, chuyển giao quy trình và giáo trình đào tạo đã giúp Trường CĐ Tài chính Nam Lào tự mở một khóa liên thông từ CĐ lên ĐH để có thể tự đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Nam Lào.
“Hiện nay giai đoạn một của chương trình đã kết thúc. Nếu hai chính phủ, hai bộ của Việt Nam và Lào tiếp tục giao nhiệm vụ, trường sẵn sàng triển khai tiếp chương trình đào tạo tại Nam Lào” - ông Tuấn nói.
Bên cạnh việc triển khai đào tạo tại Lào, Trường ĐH Tài chính - marketing cũng như nhiều trường ĐH khác tại Việt Nam đã dành nhiều học bổng đào tạo ĐH, sau ĐH cho học sinh, sinh viên và cán bộ công chức Lào. Ông Tuấn cho hay hiện có 39 sinh viên ĐH, 12 học viên cao học và một nghiên cứu sinh đang học tập tại trường.
Nguồn: Giáo dục

Nữ sinh Lào tại ĐH FPT: ‘Hãy mạnh dạn bước ra thế giới’


Sang Việt Nam học theo chương trình dài hạn của Đại học FPT, quãng thời gian 3 năm qua đã chứng kiến từng bước đổi thay của Pany Chanvongnaraz – nữ sinh lớp quốc tế ngành Marketing – Trường Đại học FPT trong suy nghĩ, quan hệ xã hội và đặc biệt là trình độ chuyên môn, ngoại ngữ.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập, ngay từ nhỏ Pany Chanvongnaraz đã thấm nhuần tư tưởng của cha mẹ: bước ra thế giới trải nghiệm và phát triển. Lần lượt, 4 anh chị em của Pany đều lựa chọn Việt Nam, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc cho những năm tháng sinh viên, học sinh để theo đuổi giấc mơ của mình.

Pany Chanvongnaraz – nữ sinh lớp quốc tế ngành Marketing – Trường Đại học FPT – cho biết, môi trường học tập quốc tế của FPT đã mang lại nhiều giá trị tuyệt vời cho bản thân bạn. Ảnh: NVCC.

Là người độc lập, ưa hoạt động và việc “dấn thân” học tập ở một quốc gia khác Lào là xuất phát tự bản thân Pany Chanvongnaraz, nhưng nhớ lại khoảng thời gian đầu trong hành trình dài đến với Việt Nam học tập theo chương trình dài hạn tại Đại học FPT, Pany vẫn cho biết mình đã có những ngày đẫm trong nước mắt nhớ nhà, nhớ quê hương. Tuy nhiên, giai đoạn đó trôi qua rất nhanh. Chính các hoạt động mới mẻ và những người bạn tốt bụng, cởi mở ở Đại học FPT đã dần khiến cuộc sống sinh viên và môi trường mới của cô bạn trẻ trở nên sôi nổi và thú vị.
Sang môi trường mới, ngôn ngữ là chìa khóa để bắt đầu tất cả. Được học và tham gia hoạt động thậm chí sống và sinh hoạt cùng các sinh viên quốc tế khác tại Đại học FPT, chỉ chưa đầy 4 tháng sau khi đến học tại Việt Nam, từ một người khá rụt rè trong giao tiếp do tiếng Anh hạn chế, Pany đã trở nên chủ động và hoàn toàn tự tin trong các cuộc trò chuyện và hoạt động học tập hằng ngày. “Nếu học ở Lào, tiếng Anh của mình chắc chắn không thể cải thiện nhanh và chuẩn được như thế”, Pany thú nhận.

Pany (người đứng thứ hai từ phải sang) trong một hoạt động tình nguyện với sinh viên Đại học FPT. Ảnh: NVCC.

Giải thích thêm, Pany cho biết, Đại học FPT là môi trường quốc tế, ở đây bạn được giao lưu và học tập với các sinh viên đến từ Cameroon, Brunei, Nigeria, Nhật Bản, Pháp… Khả năng nghe, nói tốt là một chuyện, điều khiến Pany hài lòng hơn là những điều cô có được khi “nhúng” mình trong không gian thấm đẫm sắc màu của các quốc gia khác. “Mình học được một số điệu hát của các bạn Brunei, cách làm việc nhiệt tình và nghiêm túc của sinh viên Nhật, sự tự nhiên trong giao tiếp hay những điệu nhảy nồng nhiệt của sinh viên Nigeria…”, Pany hào hứng.
Nói về kết quả học tập trong 3 năm học tại Đại học FPT, Pany nở một nụ cười. Trong các cuộc điện thoại với bố mẹ và các em mỗi tuần, Pany thường chia sẻ về cuộc sống, về học tập của cô tại Việt Nam. Mỗi kỳ Đại học FPT tổ chức Lễ Tôn vinh, niềm tự hào khi tên Pany Chanvongnaraz nằm trong top đầu danh sách các sinh viên quốc tế được tôn vinh về kết quả học tập, lại được cô bạn xinh xắn này chia sẻ rộng rãi từ Việt Nam, sang Lào, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc – nơi các thành viên trong gia đình Pany đang sinh sống, làm việc và học tập.

Pany cùng các sinh viên quốc tế trong khuôn viên của Đại học FPT. Ảnh: Vân Anh.

Khẳng định mình không phải tuýp chăm chỉ, cô nữ sinh người Lào có khuôn mặt khả ái chia sẻ: “Bí quyết học tập của mình đơn giản là sự chuẩn bị. Trước mỗi buổi học, mình thường dành thời gian đọc và tra cứu tài liệu trước để tốc độ tiếp thu được nhanh hơn, ít nhất là 1 giờ. Sau buổi học, mình cũng dành thời gian để review để nắm được nội dung chính và khai thác sâu các phần quan trọng của môn học”.
Nếu nhiều người thường đặt mục tiêu thật cao để làm đích phấn đấu cho lộ trình học tập hoặc công việc thì Pany Chanvongnaraz lại khác. Cô bạn luôn tự lượng sức và đặt mục tiêu ở mức độ vừa phải với bản thân. “Mình không muốn tạo áp lực quá lớn và nhiều khi là quá sức. Bởi nếu nỗ lực lớn mà không đạt được, bản thân rất dễ xuống tinh thần. Nhiều khi cảm xúc lại chi phối chính chúng ta trong khoảng thời gian kế tiếp – giai đoạn cũng rất cần sự nỗ lực”, Pany thẳng thắn. Cô bạn đến từ Lào cũng rất tự tin nhìn người đối diện khi cho biết, 8,5 là điểm trung bình tốt nghiệp mà Pany đặt mục tiêu có được cho lộ trình học tập tại Đại học FPT.
Tính đến đầu năm 2015, Trường Đại học FPT đã có trên 6.000 sinh viên hiện đang theo học và gần 2.500 sinh viên đã tốt nghiệp. Trường có các cơ sở đào tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, campus chính của trường có diện tích 30ha được đặt tại Khu CNC Hòa Lạc.Tính đến đầu năm 2015, Đại học FPT đã xây dựng được mạng lưới hợp tác liên kết đào tạo với trên 60 đối tác hiện diện tại hơn 20 nước thuộc châu Âu, châu Á, châu Mỹ… Hằng năm, hàng trăm sinh viên quốc tế từ Nhật, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Myanmar, Brunei… đến học tập tại Đại học FPT theo các chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa và theo học các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Nguồn: FPT

Đại học Tân Tạo giao lưu với sinh viên Campuchia


Sinh viên Long An, Svayriêng, Prayveng đã cùng giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm học tập.

Đây là nội dung diễn ra trong khuôn khổ chương trình Giao lưu hữu nghị của sinh viên 3 tỉnh trong dịp đoàn đại biểu thanh niên Campuchia đến thăm và giao lưu văn hóa với Đại học Tân Tạo (TTU) mới đây.
Tại Đại học Tân Tạo, sinh viên của 2 nước giới thiệu trang phục truyền thống của đất nước mình nhằm giúp bạn bè hai bên hiểu hơn về tinh thần dân tộc thông qua các hành động thiết thực.
Đoàn sinh viên Campuchia thăm Đại học Tân Tạo.
Đoàn sinh viên Campuchia thăm Đại học Tân Tạo.
Đại diện sinh viên TTU, Nguyễn Thị Hoàng Hương, sinh viên khoa Kinh tế - Thương mại cho biết, sinh viên hai nước đã có dịp trò chuyện, trao đổi về quan hệ thân thiết của hai bên nhiều thời kỳ lịch sử. "Trong chương trình giao lưu, bọn em cũng có dịp trao đổi những kinh nghiệm học tập cũng như các hoạt động xã hội khác", Hoàng Hương cho biết.
Ngoài ra, Hội sinh viên TTU cũng chia sẻ thêm về môi trường học tập cũng như phương pháp đào tạo theo mô hình “Giáo dục khai phong” của Mỹ được áp dụng tại trường.
Văn nghệ giao lưu hữu nghị giữa sinh viên Campuchia - Việt Nam.
Văn nghệ giao lưu hữu nghị giữa sinh viên Campuchia - Việt Nam.
Theo đại diện TTU, chương trình giao lưu sinh viên 3 tỉnh nhằm đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia; những nỗ lực của chính quyền và nhân dân 3 tỉnh: Long An - Svayriêng - Prayveng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Nguồn: Vnxpress

Giao lưu hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại Đà Nẵng


Hội thao sinh viên Việt Nam - Lào - Campuchia


TTO - Sáng 15-4, gần 100 sinh viên Việt Nam, Lào và Campuchia đang học tập tại TP.HCM đã tham gia Hội thao giao lưu sinh viên Việt Nam - Lào - Campuchia tại Nhà văn hóa Thanh niên.
​Hội thao sinh viên Việt Nam -  Lào - Campuchia
Các đội tham gia các phần thi vận động
Hội thao nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu sinh viên chào mừng Tết cổ truyền Bunpimay của Lào, Tết Chol Chnam Thmey của Campuchia diễn ra từ ngày 15 đến 17-4.
Chị Trần Hoàng Khánh Vân - ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban Quốc tế Thành đoàn TP.HCM - cho biết: “Đây là cơ hội để thắt chặt tình đoàn kết giữa ba nước, trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt để tiếp tục xây dựng mối quan hệ “mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững”".
​Hội thao sinh viên Việt Nam -  Lào - Campuchia
Các đội tham gia những phần thi vận động
​Hội thao sinh viên Việt Nam -  Lào - Campuchia
Các đội tham gia các phần thi vận động
​Hội thao sinh viên Việt Nam -  Lào - Campuchia
Các đội tham gia các phần thi vận động
​Hội thao sinh viên Việt Nam -  Lào - Campuchia
Lắp ghép hình ảnh biểu tượng của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia
​Hội thao sinh viên Việt Nam -  Lào - Campuchia
Lắp ghép hình ảnh biểu tượng của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia
​Hội thao sinh viên Việt Nam -  Lào - Campuchia
Tranh ghép hoàn thành sau phần thi vận độngNguồn: Tuổi Trẻ

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào


Những năm qua, nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực đã được triển khai hiệu quả giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đánh giá cao, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Hội thi giao lưu tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt Nam cho lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Tây Bắc.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, Trường Đại học Tây Bắc đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào trong các trường chuyên nghiệp tỉnh Sơn La”. Đề tài do Tiến sỹ Nguyễn Văn Bao làm chủ nhiệm, nghiên cứu thực trạng và nguyên nhân chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có 3 trường chuyên nghiệp tham gia đào tạo lưu học sinh Lào là: Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La và Trường Cao đẳng Y tế Sơn La. Theo thống kê, từ 2006 đến nay, mỗi năm số lượng lưu học sinh Lào được gửi sang đào tạo tại Việt Nam duy trì từ 550 đến 650 lưu học sinh. Ngoài ra, hằng năm còn có hàng trăm cán bộ thuộc các bộ, ngành Trung ương và địa phương nước CHDCND Lào sang tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn tại các trung tâm, học viện cao cấp của Việt Nam. Riêng tại tỉnh ta, lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào đang học tập tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh là 451, trong đó 204 lưu học sinh học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sơn La, 247 lưu học sinh học các chuyên ngành khác nhau tại các trường chuyên nghiệp của tỉnh.

Qua trao đổi với các lưu học sinh Lào được biết: trước khi sang Việt Nam học tập, các em chưa được học tiếng Việt. Với thời lượng khoảng 7 - 8 tháng học tiếng Việt rồi chuyển tiếp lưu học sinh Lào vào học chương trình đại học, cao đẳng bằng tiếng Việt thì những hạn chế trong học tập, trong chất lượng đào tạo sẽ không tránh khỏi. Em Pheng - si Xinh - lương - tha, sinh viên khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Tây Bắc, cho biết: Khi sang Việt Nam, em học tiếng Việt một năm trước khi theo học chuyên ngành Giáo dục chính trị. Tiếng Việt phát âm khó, từ tiếng Việt phong phú và đa nghĩa. Trước đó, em đã từng theo học tiếng Anh, em thấy học tiếng Việt khó hơn rất nhiều so với học tiếng Anh. Không chỉ với Pheng - si Xinh - lương - tha mà hầu hết các lưu học sinh Lào sang Việt Nam học tập đều gặp phải khó khăn với tiếng Việt.

Thực tế cho thấy, dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào phải cần tới nhiều tri thức chuyên sâu về ngôn ngữ học hơn là dạy tiếng Việt với tư cách tiếng mẹ đẻ, bởi vì giáo viên khi đó cần có những hiểu biết về tiếng Lào của học viên. Các giáo viên dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào cần các mô tả ngữ âm như giáo viên dạy tiếng Lào cho học viên. Các miêu tả này phải liên quan với nhau, không chỉ trong nội bộ chúng mà còn phải liên quan đến các mô tả về tiếng Lào của người học, sao cho tất cả các mô tả này phải kết hợp với nhau tạo nên một lối nhìn nhận mạch lạc về ngôn ngữ. Cách học này đã củng cố thêm những hiểu biết quan trọng ban đầu của lưu học sinh Lào.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào, đề tài đã đề xuất bốn nhóm giải pháp, đó là: Nhóm giải pháp về nhận thức, nhóm giải pháp về đào tạo, nhóm giải pháp về dạy, học tiếng Việt và nhóm giải pháp về quản lý. Các nhóm giải pháp này đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, đặc biệt là nhóm giải pháp về dạy và học tiếng Việt đã được áp dụng tại Trường Đại học Tây Bắc. Bên cạnh đó, đề tài đánh giá được thực trạng phương pháp dạy và học tiếng Việt của lưu học sinh Lào trong các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó đưa ra giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về công tác đào tạo; nâng cao ý thức học tập của lưu học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của các em lưu học sinh Lào. Quá trình thực hiện đề tài đã soạn và ban hành chương trình dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Tây Bắc, ứng dụng vào quản lý, giảng dạy, sinh hoạt, vui chơi giải trí và rèn luyện kỹ năng cho lưu học sinh Lào.

Kết quả của đề tài được ứng dụng rộng rãi đến các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Nguồn: báo sơn la

Một số văn bản pháp luật

nguồn: hệ thống pháp luật tham khảo

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Đại hội sinh viên Campuchia miền Bắc Việt Nam lần thứ 24


Cũng như hàng năm, Đại hội sinh viên Miền Bắc Việt Nam là dịp để tổng kết, kết quả học tập, sinh hoạt và lắng nghe báo cáo về các hoạt động của sinh viên Campuchia cũng như việc trao đổi kinh nghiệm trong năm cũ làm cơ sở để các sinh viên học tập được tốt hơn trong năm học mới.
Về dự với đại hội có Ngài HUL PHANY – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.
Đại diện Ban Đối ngoại TW, Bộ ngoại giao Việt Nam
Ông Lê Minh Điển – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại – Bộ kế hoạch và đầu tư.
Về phía trường Hữu Nghị 80 có Cô giáo Vũ Thị Ánh - Hiệu trưởng, Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng.

Đ/c Vũ Thị Ánh, Hiệu trưởng nhà trường trong Đoàn chủ tịch ĐH
(thứ 4 từ phải sang)
Đại hội đã diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. Ban chấp hành nhiệm kì mới sẽ là cầu nối trong tất cả các công tác, sẽ là nơi nhận và truyền tải thông tin về các công việc cũng như các vấn đề liên quan đến sinh viên Campuchia…

Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng (giữa) tham dự ĐH


Cô giáo Vũ Thị Ánh trao phần thưởng cho LHS có thành tích xuất sắc
Lời phát biểu của Ngài HUL PHANY – Đại sự đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam: “Trên cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam ví như người cha thứ hai của tất cả các cháu sinh viên, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến ý kiến đóng góp của các Giáo sư, thầy cô giáo và tất cả các vị khách quý… và tin tưởng chắc chắn rằng trên tinh thần đại đoàn kết và hợp tác truyền thống giữa hai nước Campuchia – Việt Nam, các thầy cô giáo, lãnh đạo lãnh đạo sẽ kế tục và thực hiện nghĩa vụ cao cả giúp đỡ các cháu sinh viên Campuchiađật được thành công như mong đợi của bản thân cũng như qêu hương đất nước”, lời phát biểu của Ngài Đại sứ đã đem lại sự khích lệ động viên cho các sinh viên học tập tốt hơn khi sống và học tập tại Việt Nam.
Ban chấp hành sinh viên mới vừa được tín nhiệm, sẽ là điểm tựa vững chắc cho các sinh viên Campuchia phấn đấu – học tập thật tốt và luôn thể hiện tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia ngày một bền vững.

LHS nhà trường dự ĐH

Các sinh viên trong nhiệm kì mới

Du học sinh Lào nói tiếng Việt

Không biết câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” có từ bao giờ và đó là câu nói của người đã từng dạy hay từng học tiếng Việt, là người Việt Nam nói hay người nước ngoài nhận xét về tiếng Việt. Nếu bạn tra Google hoặc bỏ thời gian nghiên cứu thì chắc bạn cũng tìm ra thôi. Với tôi, trải qua 5 năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để tôi “thấm thía” câu nói đó.
Du học sinh Lào nói tiếng Việt
Đối với người nước ngoài, cái khó nhất của việc học nói tiếng Việt là học phát âm đúng thanh điệu với 6 loại khác nhau. Ngay cả đối với người nói tiếng có thanh điệu như tiếng Lào hay tiếng Trung thì việc phát âm đúng tiếng Việt cũng không dễ dàng. Như các cụ ta đã nói “ngã đau nhớ lâu”, vấp váp trong giao tiếp thực tế là một cách để người học hiểu và nhớ đặc điểm ngôn ngữ tiếng Việt. Có một lần tôi đến thăm các em lưu học sinh ở ký túc xá, chỉ thấy một em đang thu dọn giá giầy ở cửa phòng, tôi hỏi: “Các bạn đi đâu cả rồi?”. Nữ sinh Lào lễ phép trả lời “Các bạn ngu hết rồi ạ” (Các bạn ngủ hết rồi ạ). Hay một lần khác có em hỏi “Cô ơi, ngày mai có đi học bú không ạ?”. Lúc đầu, tôi cũng hơi “hoảng” nhưng may quá cũng kịp hiểu ra là “học bù”. Buồn cười nhất là khi sinh viên hỏi tôi về một món ăn “Cô ơi mua món xà phòng ở đâu, em muốn ăn?” – “Chết, sao lại ăn xà phòng, xà phòng không ăn được, chỉ để giặt quần áo thôi.” – “Không phải để giặt quần áo, món ăn ạ …”. Em sinh viên cố gắng hết sức để giải thích, nào là món đó hình tròn, cho vào rán, v.v … . Sáng hôm sau tìm ra “món ăn” yêu thích chiều hôm trước, tôi kể lại cho cả lớp. Cả lớp được một trận cười không dứt và kết quả là một chầu “xôi phồng” cô chiêu đãi cuối tuần. Chắc chắn các em sẽ không quên và mãi yêu món “xà phòng” này. Thanh điệu thật là quan trọng phải không các bạn!​
Du học sinh Lào nói tiếng Việt
Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập, nên người học cũng gặp không ít khó khăn khi học. Không ít lần chấm, sửa các bài viết của sinh viên tôi phải cười đến “đau bụng”. Trong tiếng Anh, coffee (từ 2 âm tiết) mới có nghĩa là cà phê. Nếu bạn chỉ nói co- hay –ffee thì đều không có nghĩa. Tuy nhiên, trong tiếng Việt từ “cà” và “phê”, nếu được tách riêng thì vẫn có nghĩa. Vì vậy, nếu bạn viết thiếu một từ là nghĩa sẽ khác ngay. Với chủ đề “Sinh hoạt hàng ngày”, một viết sinh viên của tôi viết thế này: “Cà sinh viên ở ký túc xá rất ngon và rẻ” (Tức là “Cà phê sinh viên ở ký túc xá rất ngon và rẻ”). Có lần, sinh viên hỏi tôi: “Cô ơi, cối là gì ạ?”, “Cô ơi, búa là gì ạ?”. Tôi nghĩ “quái, bài học hôm nay có phải về mấy thứ đấy đâu mà sao mấy đứa hỏi vậy nhỉ?”. Tôi bảo các em chỉ rõ các từ vừa hỏi. Hoá ra là “cây cối” và “chợ búa”. Các từ “cây” và “chợ” thì học rồi, chỉ có “cối” và “búa” là chưa biết. Cuốn từ điển mà các em đang dùng lại không có hai từ này. Đây chính là phương thức ghép để cấu tạo từ của tiếng Việt. ​
Du học sinh Lào nói tiếng Việt
Cũng có lần, do sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa âm tiếng Việt và tiếng Lào, mà cả cô cả trò được một trận cười sảng khoái. Cô khen sinh viên “tốt”, “tốt lắm”. Nhìn xuống lớp thấy mấy em cười rồi cả lớp cùng cười. Một vài em nữ hơi đỏ mặt. Hoá ra “tốt” trong tiếng Lào là “xì hơi” trong tiếng Việt. Từ đó, mỗi lần cô giáo nói từ “tốt” phải dặn thêm “tốt Việt nhé” không phải “tốt Lào”. Hay hôm cô giáo giảng từ “hôn má”, cả lớp nói “không, em không hôn chó đâu”. Cô giáo ngớ người, tìm hiểu ra “má” trong tiếng Lào có nghĩa là “chó”. Còn từ “khỉ” trong tiếng Lào là gì, các bạn tự tìm hiểu nhé.​
Du học sinh Lào nói tiếng Việt
Thay cho lời kết
Có lần “mắng yêu” sinh viên tôi nói: “sinh viên Lào hư quá”. Ngay lập tức em ấy nói: “Cô nào trò nấy” hay mỗi lần tôi hỏi “Tuần này các em thích đi chơi ở đâu?” là ngay lập tức tôi nhận được câu trả lời “Đi đâu đi hết, đi chết không đi ạ”.
Thật vui, chúng tôi đã làm được, đã truyền được cái hồn ngôn ngữ Việt cho các em, giúp các em vượt qua “phong ba bão táp”.
Nguồn: https://www.haui.edu.vn/vn/page/kdthtqt/detail/57179