Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Việt Nam - Campuchia trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo

Sáng 14/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tôn giáo Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo Việt Nam - Campuchia.

Bà Touch Sarom, Quốc vụ khanh Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia tặng quà lưu niệm cho Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. 
Hội nghị diễn ra trong 1 tuần, từ ngày 13 đến ngày 20/12, với sự tham gia của 30 đại biểu làm công tác quản lý tôn giáo ở các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố của Vương quốc Campuchia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết đây là dịp để hai bên chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo của mỗi nước, qua đó nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong lĩnh vực tôn giáo, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định xã hội, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh ở hai quốc gia.

Ông Vũ Chiến Thắng cũng cho biết, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức mình để chủ động, tích cực thực hiện Thỏa thuận hợp tác với Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực tôn giáo, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên trao đổi về các chuyên đề do Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam triển khai có hiệu quả, giúp Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia thực hiện các công tác đảm bảo đoàn kết các tôn giáo, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị của hai nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị trong khu vực. 

Các báo cáo viên có kinh nghiệm của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam trình bày các chuyên đề về các tôn giáo, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo mà phía bạn quan tâm. Nội dung đi sâu vào những kinh nghiệm quản lý Nhà nước để các tôn giáo hoạt động, đồng hành cùng dân tộc, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhân dịp này, các đại biểu sẽ tham quan thực tế một số cơ sở tôn giáo và danh lam thắng cảnh tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng để hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Nguồn: Tin Tức

Campuchia: Kết quả bầu cử năm 2018 không cần quốc tế công nhận

Ngày 13-12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố, kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2018 tại nước này không cần phải được cộng đồng quốc tế công nhận thì mới có tính hợp lệ.
Theo Tân Hoa Xã, trong bài phát biểu ở vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Phnom Penh, ông Hun Sen nhấn mạnh: “Theo Hiến pháp Campuchia, kết quả bầu cử không cần phải được nguyên thủ các quốc gia khác hay Tổng Thư ký LHQ công nhận thì mới có tính hợp lệ”. Theo ông Hun Sen, kết quả bầu cử sẽ hợp lệ nếu được Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Hội đồng Hiến pháp và Quốc vương Norodom Sihamoni công nhận. Bên cạnh đó, ông Hun Sen khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức theo đúng kế hoạch vào ngày 29-7-2018.
Nguồn: CA Đà Nẵng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith sắp thăm Việt Nam

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ 19-21/12
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith sẽ thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ ngày 19 đến 21/12/2017./.
Nguồn: VOV

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Hội nghị Ủy ban Điều phối chung Khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam

Chiều ngày 13-12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Sở TT-TT tỉnh Bình Phước chủ trì họp báo cung cấp thông tin về Hội nghị Ủy ban Điều phối chung Khu vực tam giác phát triển (TGPT) Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 11.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phối hợp với Sở TT-TT chủ trì họp báo
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phối hợp với Sở TT-TT chủ trì họp báo
Đại biểu 3 nước sẽ tham dự Hội nghị 4 tiểu ban gồm: Hội nghị Tiểu ban Địa phương, Hội nghị Tiểu ban Môi trường – Xã hội, Hội nghị Tiểu ban An ninh – Đối ngoại và Hội nghị Tiểu ban Kinh tế. 

Đặc biệt là Hội nghị quan chức cấp cao (cấp Bộ trưởng) do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Lào, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia cùng chủ trì.  

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ tham gia góp ý cho Kế hoạch thực hiện Hiệp định xúc tiến và tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại trong khu vực TGPT và Hội chợ triển lãm thương mại du lịch khu vực TGPT Campuchia – Lào – Việt Nam với 100 gian hàng, trong đó tỉnh Bình Phước có 40 gian hàng.
Nguồn: Sài Gòn

Tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hải quân Việt Nam-Campuchia

Chiều 13/12, tại Hà Nội, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Đại tướng Tea Vinh, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia, Tổng Thư ký Ủy ban An ninh Hàng hải quốc gia đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. 

Chào mừng chuyến thăm của Đại tướng Tea Vinh, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh quan hệ quốc phòng giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Hoàng gia Campuchia, trong đó có lĩnh vực Hải quân đã có những bước phát triển tốt đẹp; tin tưởng, quan hệ quốc phòng hai nước nói chung và quan hệ giữa lực lượng Hải quân hai nước nói riêng tiếp tục được củng cố, phát triển. 

Tại buổi tiếp, Đại tướng Tea Vinh thông báo với Thượng tướng Phan Văn Giang kết quả cuộc hội đàm giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Campuchia, bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa lực lượng Hải quân hai bên, góp phần xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa Quân đội hai nước, đóng góp tích cực vào mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia. 

Đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm, Thượng tướng Phan Văn Giang mong muốn lực lượng Hải quân hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác ngày càng có hiệu quả; khẳng định lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để Hải quân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Campuchia tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới./. 
Nguồn: VN plus

55 năm quan hệ Việt Nam - Lào: Khởi công trường Phổ thông Sithanaxay

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 13/12 tại thị xã Paksan, tỉnh Bolykhamxay của Lào, đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng Trường Phổ thông trung học Sithanaxay, quà tặng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm chính thức hữu nghị nước CHDCND Lào tháng 11/2016.

Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nguyễn Huy Tăng phát biểu tại Lễ động thổ. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào
Tham dự buổi lễ về phía Việt Nam có đồng chí Nguyễn Huy Tăng, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; đồng chí Trần Văn Khang, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng của Đảng ở trung ương; đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hợp tác kinh tế quân khu 4 (COECO), nhà thầu xây dựng công trình.
 
Về phía Lào có đồng chí Khamkeut Vonkham, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; đồng chí Kongkeo Saysongkham, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Bolikhamxay, cùng đông đảo thầy cô giáo và học sinh của Trường Phổ thông trung học Sithanaxay.
 
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Huy Tăng cho biết công trình Trường Phổ thông trung học Sithanaxay là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, đồng thời là sự quan tâm của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của đất nước Lào nói chung và tỉnh Bolikhamxay nói riêng.
 
Đồng chí Nguyễn Huy Tăng khẳng định món quà tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa sâu sắc, gửi gắm niềm tin và hy vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thế hệ trẻ của Lào trong việc tiếp nối truyền thống cha anh, không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào; nhấn mạnh đây là một trong những công trình trọng điểm trong Năm Đoàn kết – hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2017 nhằm thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào.
Quang cảnh Lễ động thổ. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Huy Tăng đã yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và COECO phối hợp chặt chẽ để thực hiện dự án, đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công, xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Bolykhamxay Bounma Bouchaleuan nhấn mạnh Lễ động thổ xây dựng Trường Phổ thông trung học Sithanaxay diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hai nước Lào và Việt Nam anh em đang nô nức tổ chức các sự kiện kỷ niệm Năm Đoàn kết - hữu nghị Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào 2017, đặc biệt buổi lễ càng trở nên có ý nghĩa khi diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm 97 năm ngày sinh của Chủ tịch Kaysone Phomvihane, người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Suphanouvong kính yêu và các đồng chí tiền bối, lão thành cách mạng, các anh hùng liệt sĩ của hai dân tộc Việt – Lào anh em đã trọn đời hy sinh vì nền độc lập, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước và xây đắp nên tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào.
 
Đồng chí Bounma Bouchaleuan cho biết việc xây dựng Trường Phổ thông trung học Sithanaxa sẽ giúp tỉnh có thêm cơ sở hạ tầng giáo dục chất lượng cao, tạo thuận lợi cho việc đào tạo nguồn nhân lực kế tục có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Bolykhamxay nói riêng và của Lào nói chung, đồng thời góp phần vào việc gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam; cam kết sẽ sử dụng ngôi trường một cách bền vững và hiệu quả nhất, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
 
Dự án Trường Phổ thông trung học Sithanaxa có tổng vốn đầu tư là 30 tỷ đồng, có diện tích sàn xây dựng là 2.126m, gồm 1 tòa nhà 4 tầng với 8 phòng học, hai phòng thí nghiệm, 1 phòng hội trường, 8 phòng giám hiệu, giáo viên và các trang thiết bị kèm theo. Công trình sử dụng hệ kết cấu khung bê tông cốt thép, 3 cầu thang bộ. Giảng đường được trang bị đầy đủ bàn ghế, tủ đựng tài liệu cho các phòng học, phòng giáo viên, hội trường, cùng các thiết bị phục vụ cho công tác thí nghiệm học tập và giảng dạy. Công trình được lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, vệ sinh đồng bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy đúng quy định…
 
Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và bàn giao trước đầu năm học mới 2018-2019 của Lào, tức là vào khoảng cuối tháng 8/2018.
Nguồn: Tin Tức

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị

Từ ngày 22/11 – 10/12, Ban phân giới cắm mốc Việt Nam – Campuchia tỉnh Đắk Nông tổ chức đợt tuyên truyền vấn đề biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia cho nhân dân các xã thuộc 4 huyện biên giới là Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Tuy Đức.

Lễ khánh thành cột mốc biên giới quốc gia vị trí số 54. Ảnh tư liệu: Trần Hữu Hiếu/TTXVN
Đây là hoạt động giúp cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vùng biên giới tỉnh Đắk Nông hiểu rõ hơn các vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, cùng chung sức xây dựng, bảo vệ đường biên giới với nước bạn, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa chính quyền, nhân dân hai tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) và Mundulkiri (Vương quốc Campuchia).

Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ thuộc Ban phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Nông đã thông tin đến người dân về: Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia; thông tin về kết quả phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia… Đây sẽ là cơ sở để người dân các dân tộc vùng biên giới tỉnh Đắk Nông phối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng bảo vệ đường biên, cột mốc, chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Anh Điểu Toàn (dân tộc M’Nông), Bon Bu Prăng II, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chia sẻ: "Qua buổi tuyên truyền, tôi biết được nhiều thông tin về cột mốc, đường biên của đất nước, mối quan hệ với nước bạn Campuchia… Tôi sẽ tuyên truyền cho cho gia đình và bà con khu vực biên giới mình sinh sống."

Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đắk Nông, Ủy viên thường trực Ban phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Nông cho biết: Qua các buổi tuyên truyền, chúng tôi muốn truyền tải đến người dân, các tầng lớp trong xã hội nhận thức đúng đắn việc quản lý biên giới và ý nghĩa của việc phân giới cắm mốc. Từ đó, động viên nhân dân các dân tộc vùng biên giới yên tâm làm ăn, sinh sống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, cùng tham gia với các lực lượng chức năng bảo vệ, quản lý an toàn đường biên, cột mốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Qua các buổi tuyên truyền, nhận thức của người dân khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt. Người dân đã có ý thức cùng với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương bảo vệ đường biên giới. Nhiều người tự nguyện tham gia vào các đội tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc vùng biên giới.

Thời gian tới, Ban phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Nông đang cùng với lực lượng chức năng nước bạn Campuchia tiếp tục tổ chức phân giới cắm mốc một số vị trí trên đất liền khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông và Mundulkiri (Vương quốc Campuchia).

Song song với việc phân giới, cắm mốc, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông tiếp tục tuyên truyền đến các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là người dân các dân tộc vùng biên giới về các vấn đề biên giới, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về giải quyết các vấn đề biên giới.
Nguồn: Tin Tức

Quan hệ Việt Nam-Campuchia mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Campuchia được định hình và phát triển không ngừng, từ quan hệ truyền thống, láng giềng thân thiện trở thành quan hệ hữu nghị, đoàn kết gắn bó với nhau trong trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Quang cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Hải Minh
Đây là phát biểu Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Lễ kỷ niệm 64 năm Quốc khánh Vương quốc Campuchia (9/1/1953-9/1/2017) và 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2017), do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tối ngày 11/12.
Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời Việt Nam-Campuchia được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ.
Trong 50 năm qua, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ to lớn, sự giúp đỡ quý báu vì sự nghiệp độc lập dân tộc, vì quyền được sống trong tự do, hạnh phúc và xây dựng đất nước phồn vinh.
Phó Thủ tướng cho rằng đó chính là tài sản vô giá của hai dân tộc mà các thế hệ hôm nay và mai sau phải gìn giữ và vun đắp.
Theo Phó Thủ tướng, những năm gần dây, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển vững chắc theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, mang lại lợi ích thiết thực cho nhan dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên thăm viếng lẫn nhau và khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hợp tác trên các lĩnh vực được triển khai hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Hải Minh
Hai bên đã hoàn thành trên 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền và quyết tâm sớm hoàn thành công tác này nhằm xây dựng biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.
Hai nước cũng đang cùng các thành viên khác trong Ngôi nhà chung ASEAN nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, ổn định và phồn vinh.
Với truyền thống gắn bó 50 năm qua, Phó Thủ tướng tin tưởng dù tình hình thế giới và khu vực có diễn biến phức tạp như thế nào, nhưng với nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia sẽ không ngừng đơm hoa kết trái, mang lại lợi ích cho nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam khẳng định “nhân dân Campuhia luôn ghi nhớ và cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam dành cho Campuchia trong quá khứ cũng như trong hiện tại, nhất là sự nghiệp giải phóng đất nước Campuchia khỏi những hố tử thần của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979”.
“Thực tế cho thấy trong 50 năm qua, mối quan hệ gắn bó lịch sử giữa hai nước chúng ta đã thực sự phát triển hết sức vững chắc”, vị Đại sứ Campuchia nhận định.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, quan hệ thương mại song phương đạt gần 2,3 tỷ USD và có thể đạt 5 tỷ USD vào năm 2020, trong khi Việt Nam tiếp tục đứng đầu trong danh sách các nước đến du lịch tại Campuchia trong suốt 8 năm liên tiếp.
Đại sứ cũng chúc mừng Việt Nam, với vai trò là chủ nhà, đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017 với những kết quả ấn tượng./.
Nguồn: Chính Phủ

Nỗ lực đem lại bình yên cho vùng biên giới Việt – Lào

Thực hiện kế hoạch triển khai Hiệp định hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh CHDCND Lào, thời gian qua, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực, tăng cường phối hợp với Sở An ninh các tỉnh nước bạn Lào trên nhiều lĩnh vực để góp phần giữ gìn ANTT, giúp đồng bào ở vùng biên giới Việt-Lào có cuộc sống bình yên.
Giữ vững biên cương từ thôn, bản
Huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế có chung đường biên giới với 2 tỉnh Salavan và Sê Kông, Lào, với chiều dài 85km.
Nhiều năm qua, tình hình ANTT tuyến biên giới Việt-Lào được đảm bảo ổn định, người dân sinh sống dọc tuyến biên giới chấp hành tốt chủ trương, đường lối, pháp luật của hai Đảng, Nhà nước và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, không xảy ra di cư, xâm canh, xâm cư bất hợp pháp.
Để đạt những kết quả này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế, Công an huyện A Lưới đã nỗ lực không mệt mỏi trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật cho nhân dân sinh sống dọc tuyến biên giới Việt-Lào.
Xã Nhâm, huyện A Lưới là một trong số xã miền núi có địa bàn giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Nếu như trước đây, người dân ở vùng biên này thường xâm canh, xâm cư các vùng đồi núi dọc biên giới để phát, cốt, đốt, trỉa sản xuất lương thực thì hiện nay bà con được lực lượng Công an và chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp xây dựng nhà cửa định cư và cấp đất sản xuất để ổn định cuộc sống.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế ký biên bản ghi nhớ hợp tác bảo vệ an ninh biên giới với Sở An ninh tỉnh Salavan, Lào.
Dẫn chúng tôi đến nhà một hộ dân là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế và giữ gìn ANTT địa phương, Trưởng Công an xã Nhâm Hồ Văn Tiêu không giấu được niềm vui trước cuộc sống của người dân ở vùng biên giới đã và đang được khởi sắc từng ngày.
Anh hồ hởi nói: “Do địa bàn giáp với tỉnh Sê Kông nước bạn Lào nên từ những năm đầu 1990, có rất nhiều người Lào sang A Lưới mưu sinh và sau đó ở lại lập gia đình với người Việt. Có thời điểm xã có gần 30 trường hợp lấy chồng hoặc vợ người Lào nhưng các cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn, gây khó khăn trong việc quản lý. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí còn hạn chế nên tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, thanh niên vi phạm pháp luật, vượt biên sang Lào lao động trái phép tái diễn phức tạp.
Trước thực trạng này, ngoài sự nỗ lực của Công an địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, một số thôn của xã như thôn A Bả đã tổ chức kết nghĩa với bản A Róc, khu vực I Reo, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông. Qua đó 2 địa phương cam kết cùng thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp đảm bảo ANTT khu vực biên giới giữa 2 nước Việt- Lào”.
Hiệu quả từ công tác phối hợp
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Cao Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT vùng biên, trong năm 2017, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ an ninh biên giới với Sở An ninh 2 tỉnh Salavan và Sê Kông.
Đồng thời giữa tháng 5 và tháng 6-2017, Sở An ninh 2 tỉnh Chăm Pa Sắc và Savannakhẹt, Lào cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về ANTT với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế. Qua đó nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ an toàn hệ thống mốc quốc giới; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ trái phép qua biên giới; tội phạm ma túy, truy nã, gây án tại Lào sang Việt Nam lẩn trốn hoặc ngược lại.
Một trong những vụ án điển hình thể hiện sự hiệu quả trong công tác phối hợp giữ gìn ANTT vùng biên giới Việt-Lào đó là việc bắt giữ thành công đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Lê Xuân Hiền (49 tuổi, trú phường Đúc, TP Huế).
Theo đó, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 đến ngày 11-8-2016, qua công tác theo dõi, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế phát hiện Hiền thuê người vận chuyển 40 bánh cần sa với tổng trọng lượng hơn 38kg từ Savannakhẹt, Lào về Việt Nam giao cho vợ là Lê Thị Kim Oanh (42 tuổi, trú 54/1 Bùi Thị Xuân, TP Huế) tiêu thụ.
Sau khi Oanh bị bắt, Hiền thuê nhà tại chợ thuộc tỉnh Savannakhẹt để lẩn trốn nên cơ quan Công an đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với Hiền. Cuối tháng 2-2017, Bộ Công an cử đoàn công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát truy nã, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế lên đường sang Lào và nhờ sự giúp đỡ của lực lượng An ninh địa phương bắt giữ thành công, dẫn độ đối tượng Hiền về Việt Nam.
Với thành tích xuất sắc này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong chuyên án này. Hay vụ án đối tượng Võ Sỹ Trung (43 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Bình) bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế truy nã về tội “Giết người” sau nhiều năm lẩn trốn tại Lào đã ra đầu thú vào giữa tháng 7-2017 qua công tác phối hợp vận động của lực lượng Công an Việt-Lào.
Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn cho hay, nhiều năm qua, ngoài công tác phối hợp giữ gìn ANTT vùng biên giới, lực lượng Công an tỉnh và Sở An ninh các tỉnh Salavan, Sê Kông, Chăm Pa Sắc và Savannakhẹt, Lào còn đẩy mạnh quan hệ đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao tặng 2 công trình xây dựng gồm một nhà ăn tập thể, bể nước sinh hoạt tổng trị giá hàng trăm triệu đồng cho Đồn Công an Cửa khẩu Cô Tài (tỉnh Salavan) và nhiều bộ máy tính, đồ dùng văn phòng phẩm cho Sở An ninh các tỉnh nước bạn Lào để phục vụ trong sinh hoạt lẫn công tác.
“Không những trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng lực lượng, hậu cần kỹ thuật, đơn vị còn nỗ lực giúp đỡ CBCS Sở An ninh các tỉnh nước bạn Lào sang Huế khám chữa bệnh, thăm thân, tham quan. Trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, chính quyền các huyện cũng đã tạo điều kiện cho bà con thăm thân, vui Tết an toàn.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, Công an tỉnh đã tổ chức đoàn công tác sang thăm, chúc mừng Sở An ninh các tỉnh nước bạn Lào. Qua đó thể hiện mối quan hệ gắn bó keo sơn, hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Việt-Lào nói chung, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở An ninh các tỉnh của Lào nói riêng”, Đại tá Nguyễn Văn Thanh khẳng định.
Với những kết quả đạt được, những năm qua, Bộ An ninh Lào đã trao tặng Kỷ niệm chương cho một số CBCS thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tặng giấy khen cho nhiều CBCS thuộc lực lượng An ninh huyện Sa Muội, tỉnh Salavan và huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông khi đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp đảm bảo ANTT vùng biên giới Việt - Lào.
Nguồn: CAND

“Nắn gân” để mua được điện tái tạo

Việt Nam là quốc gia duy nhất trở thành thị trường lớn trong tương lai cho điện sản xuất tại Lào. Bằng cách gây sức ép để Lào hạn chế các dự án thuỷ điện, tăng các dự án năng lượng tái tạo, bền vững hơn, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á , trung tâm Stimson, định vị lợi thế của người mua.
Chương trình Kết nối lưu vực Mekong bao gồm Stimson phối hợp tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), The Nature Conservation (TNC), đại học California Berkeley, học viện Ngoại giao tổ chức buổi toạ đàm “Vai trò tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc giữ gìn đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL” tại TP Cần Thơ ngày 2.12.2017, muốn gỡ rối việc mua điện, nhưng khó thành công.
 “nan gan” de mua duoc dien tai tao hinh anh 1
Thủy điện Xayaburi của Lào chặn dòng chính trên sông Mekong.
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam tiếp tục tăng trung bình từ 7,5 – 11% mỗi năm, phải tăng công suất hơn ba lần từ 33.964MW năm 2014 đến 129.500MW năm 2030. Theo bà Courtney Weatherby, đại diện Stimson, quy hoạch nhiệt điện than ở Việt Nam đang chiếm gần một nửa, quá dày đặc. 14 nhà máy than ở ĐBSCL phụ thuộc than nhập khẩu, tốn nhiều chi phí vận chuyển, phải giải quyết những tác động môi trường nghiêm trọng  và cần phải có công nghệ hiện đại để xử lý tro xỉ.
Cần mua năng lượng sạch
Không có đủ tài nguyên để đáp ứng được nhu cầu này, Việt Nam phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Lào và Campuchia. Việc này chỉ giải quyết bằng cách tìm nguồn thay thế bền vững hơn.
Ấn Độ, Thái Lan đang có chương trình cắt giảm nhiệt điện. Đặc biệt, tại Ấn Độ giá điện mặt trời thấp hơn điện than. Giá tấm pin năng lượng mặt trời đang thấp dần và dễ lắp đặt hơn. Trong tương lai, năng lượng mặt trời và gió sẽ cạnh tranh hơn trong khi than ngày càng đắt đỏ. Giá thành năng lượng tái tạo trên toàn cầu sụt giảm – giá điện mặt trời giảm 13%, gió 10,75%. Năm 2016, giá thành điện mặt trời giảm ở mức kỷ lục: 3 cent/kWh.
Đặt ra mục tiêu Lào trở thành “bình ắquy của Đông Nam Á”, Chính phủ Lào đang lên kế hoạch xây dựng hai đập lớn trên dòng chính sông Mekong và tiến hành tham vấn để xây dựng đập thứ ba.
Lào, Campuchia sẽ xây dựng hơn 130 đập lớn (công suất trên 50MW) trên các dòng nhánh của sông Mekong vào năm 2030.
Việt Nam sẽ mua 1.000MW năm 2020, 3.000MW năm 2025 và 5.000MW năm 2030. Các thoả thuận mua điện đóng vai trò quyết định trong việc dự án nào được triển khai, theo các chuyên gia quốc tế. “Việt Nam cần phải đầu tư vào Lào và Campuchia với tỷ trọng tương đương với Thái Lan và Trung Quốc. Tận dụng cơ hội này để đi lên như quốc gia tiên phong trong phát triển năng lượng bền vững”, bà Courtney Weatherby nhấn mạnh.
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, băn khoăn về việc khó phân loại điện từ nguồn thuỷ điện, mặt trời, gió, khi Lào hoà các nguồn vào lưới quốc gia. Liệu Việt Nam có đủ cứng rắn để thực hiện gợi ý mà nhóm chuyên gia từ chương trình Kết nối lưu vực Mekong đưa ra hay không? Theo ThS Thiện, thời gian qua, một số ngành công nghiệp Việt Nam phát triển theo kinh tế xám, sử dụng nhiều năng lượng. Việt Nam nên tăng cường xây dựng, đầu tư vào năng lượng tái tạo khi tăng cường áp lực với người bán.
Giá bán điện tại Lào đối với các nước trên dưới 10 cent/kWh; cao điểm lên tới 15 cent/kWh; trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo chỉ hơn 9 cent/kWh. Nếu tính phí truyền tải nữa, Việt Nam sẽ mua điện từ Lào với giá rất cao. PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (trường ĐH Cần Thơ), lưu ý việc mua – bán này sẽ trực tiếp phủ nhận các quan ngại cũng như những tuyên bố trước đó của Việt Nam đối với các kế hoạch phát triển thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong, ảnh hưởng tới vùng hạ lưu, trong đó có ĐBSCL.
Có thuỷ điện, mất tất cả
Để trở thành bình ắc  quy của Đông Nam Á, các nhà hoạch định chính sách ở Lào xây dựng nhiều dự án thuỷ điện mới, nhưng lại thiếu quy hoạch chiến lược cấp lưu vực. Điều này khiến Lào không đạt được mục tiêu doanh thu như mong muốn, mà còn gây ra các tác hại nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống vùng hạ lưu tại Việt Nam và Campuchia. TS Tuấn và các chuyên gia quốc tế  nhấn mạnh: ngoài việc mất nguồn đạm do giảm lượng cá di cư vướng các đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong, Campuchia sẽ bị thiệt hại nguồn lợi này tới 63%.
“Theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA – International Energy Agency), xây các đập thuỷ điện lớn rất tốn kém – chi phí phát sinh vượt quá 40%, và mất rất nhiều thời gian để sinh lợi. Nên lựa chọn các phương án năng lượng thay thế để có thể xây dựng khung thời gian ngắn hơn. Kỷ nguyên năng lượng thay thế giá thành cao đã qua rồi”, TS Nikky Avila, trường ĐH California nói. Theo ông, Lào có thể thay thế các dự án thuỷ điện bằng chương trình năng lượng đa dạng hơn, tiết kiệm tới 2 tỉ USD.
“Đối với Việt Nam, tôi cảm thấy lo lắng khi chương trình phát triển nhiệt điện than, trong đó ĐBSCL có tới 14 nhà máy. Điều này thật kinh khủng”, ông Brian Eyler nói.         
Nguồn: Dân Việt

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Chuẩn bị diễn ra Hội chợ triển lãm thương mại-du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam

Ngày 16/12 tới sẽ diễn ra Hội chợ triển lãm thương mại-du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam,  tại Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh (quốc lộ 14, phường Tân Bình, TX. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước).

Họp Ban tổ chức hội chợ triển lãm thương mại và du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam năm 2017 (ảnh báo Bình Phước)
Theo dự kiến, Hội chợ triển lãm sẽ có sự tham gia của 100 gian hàng của các doanh nghiệp (DN) đến từ nước bạn Lào, Campuchia và khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên.
Được biết, tại Hội chợ sẽ Trưng bày các gian hàng nên phân loại theo lĩnh vực viễn thông, du lịch, nông sản, thủ công mỹ nghệ… Cần làm nổi bật thế mạnh Bình Phước là thủ phủ của điều, cao su, hồ tiêu. Để thu hút nhiều đơn vị tham gia nên miễn phí tất cả cho các gian hàng.
Hội chợ sẽ kéo dài đến hết ngày 19/12.
Nguồn: Môi trường

Triển lãm ảnh kỷ niệm quan hệ Việt Nam – Lào

Hình ảnh tại triển lãm. (Ảnh: VOV)

Sáng nay (6/12), tại thủ đô Vientiane của Lào, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề "Quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông".

Triển lãm do Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Lào phối hợp tổ chức nhân năm Đoàn kết hữu nghị 2017, 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Lào.
Hơn 100 bức ảnh tiêu biểu để trưng bày tại triển lãm lần này đã được các nhà nhiếp ảnh của hai nước thực hiện trong nhiều năm. Triển lãm không chỉ phản ánh những sự kiện quan trọng, những thành tựu nổi bật mà nhân dân hai nước đã đạt được trong suốt 55 năm qua, mà còn giới thiệu những nét đẹp của đất nước, văn hóa và con người xứ sở hoa Champa tươi đẹp.
Kết thúc triển lãm, Thông tấn xã Việt Nam sẽ trao tặng toàn bộ ảnh choThông tấn xã Lào để làm tư liệu tuyên truyền quảng bá về quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào.
Nguồn: VOV

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Thêm hãng hàng không Malaysia mở đường bay tới Campuchia


Hãng Malindo Air khai trương đường bay thẳng tới Campuchia. (Ảnh: Thời báo Khmer)
Chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Malindo Air từ Malaysia chở hơn 120 hành khách đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phnom Penh, ngày 1-12.
Thời báo Khmer dẫn lời Giám đốc quan hệ công chúng của Hãng hàng không Malindo Air, ông Raja Sa’adi cho biết, hãng này sẽ vận hành chuyến bay thẳng hai chiều mỗi ngày trên tuyến Kuala Lumpur - Phnom Penh, bằng máy bay Boeing 737. Như vậy, hiện nay có ba hãng hàng không của Malaysia mở đường bay tới Campuchia, gồm: Malaysia Airlines, AirAsia và Malindo Air.
Ông Sa’adi cho biết, Hãng hàng không Malindo Air đang cân nhắc mở đường bay tới những điểm đến khác ở Campuchia, chẳng hạn Siem Reap, nhưng hãng còn đợi xem hiệu quả kinh tế của tuyến bay Kuala Lumpur - Phnom Penh như thế nào.
Theo Tổng Giám đốc Công ty phụ trách điều hành các sân bay của Campuchia, ông Eric Delobel, Malaysia nằm trong tốp năm nước có lượng hành khách tới sân bay quốc tế Phnom Penh nhiều nhất với khoảng 150.000 người trong năm 2016.
Ông Delobel cho biết, hiện có hơn 40 hãng hàng không quốc tế có đường bay tới Campuchia và năm hãng hàng không đang vận hành các tuyến bay nội địa tại Campuchia.
Việc khuyến khích mở các đường bay thẳng đến Campuchia, nâng cấp, mở rộng sân bay, cải thiện chất lượng dịch vụ hàng không nằm trong kế hoạch tổng thể phát triển du lịch của Campuchia, với mục tiêu đón khoảng 7,5 - 8 triệu lượt du khách nước ngoài vào năm 2020, kỳ vọng tạo ra 5 tỷ USD doanh thu cho ngành du lịch và khoảng một triệu việc làm cho người dân Campuchia.
Hiện, du lịch là một trong bốn trụ cột của nền kinh tế Campuchia (cùng lĩnh vực may mặc, xây dựng và nông nghiệp). Năm 2016, quốc gia Đông - Nam Á này đã đón năm triệu lượt du khách nước ngoài, mang lại thu nhập 3,4 tỷ USD.
Nguồn: Nhân Dân

Tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Lào


Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (phải) tiếp GS, VS Châu Văn Minh tại Phủ Thủ tướng Lào, sáng 5-12.
Sáng 5-12, tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith tiếp thân mật Đoàn đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do GS, VS Châu Văn Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dẫn đầu đang có chuyến làm việc tại Lào từ ngày 4 đến ngày 8-12.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao chuyến công tác, làm việc tại Lào của Đoàn đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong Năm Đoàn kết hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào 2017; cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã luôn dành cho Bộ Khoa học và Công nghệ Lào và Viện Khoa học quốc gia Lào sự ủng hộ, giúp đỡ về nhiều mặt.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, sự phát triển của Viện Khoa học quốc gia Lào đóng vai trò quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thủ tướng Chính phủ Lào đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tăng cường trao đổi kinh nghiệm với Viện Khoa học quốc gia Lào để sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách vào việc thực hiện các công trình nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, nhất là việc ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế; giúp đỡ đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao.
Báo cáo Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith kết quả hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học quốc gia Lào, GS, VS Châu Văn Minh cho biết, quan hệ hợp tác giữa hai Viện thời gian qua đã đạt nhiều thành quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành các nhiệm vụ mà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước giao cho, góp phần củng cố và vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, vì sự phát triển chung của hai nước.
* Trước đó cùng ngày, GS, VS Châu Văn Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu hội đàm Đoàn đại biểu Viện Khoa học quốc gia Lào do GS, TS Boviengkham Vongdara, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Lào, Chủ tịch Viện Khoa học quốc gia Lào dẫn đầu.
Tại hội đàm, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ Lào nói chung và Viện Khoa học quốc gia Lào nói riêng, nhất là hợp tác triển khai dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ cho Viện Khoa học quốc gia Lào” giai đoạn 2016-2018. Dự án mang tính đặc thù vừa đầu tư trang thiết bị khoa học, vừa thực hiện công tác đào tạo trong khoảng thời gian ngắn. Dự án có tổng mức đầu tư 69 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ ODA của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào là 66 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Lào là ba tỷ đồng. Hai bên cho rằng, thông qua dự án này, các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ ngày càng phát triển và đạt nhiều kết quả khoa học quan trọng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước Việt Nam và Lào.
Về quan hệ hợp tác thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp; trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học và công nghệ như nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực, triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trên thực tiễn; phối hợp triển khai có hiệu quả dự án hợp tác đã ký kết. Phía Việt Nam cũng cam kết tiếp tục giúp đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ cho Bộ Khoa học và Công nghệ Lào cũng như Viện Khoa học quốc gia Lào.
* Chiều 5-12, GS, VS Châu Văn Minh và cùng GS, TS Boviengkham Vongdara và Đoàn đại biểu hai Viện tham dự lễ khai trương hai phòng thí nghiệm thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ cho Viện Khoa học quốc gia Lào”.
Đến nay, dự án đã đầu tư sáu hạng mục thiết bị chính, 33 hạng mục thiết bị phụ trợ và 11 hạng mục thiết bị văn phòng cho phòng thí nghiệm các khoa học về sự sống; bốn hạng mục thiết bị phân tích chính, 24 hạng mục thiết bị phụ trợ và 14 hạng mục thiết bị văn phòng cho phòng thí nghiệm các khoa học về trái đất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã giúp đào tạo 10 cán bộ Viện Khoa học quốc gia Lào về các lĩnh vực sinh thái, hóa sinh, địa chất và địa lý.
* Tối 5-12, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Lào, Bộ Khoa học và Công nghệ Lào long trọng tổ chức lễ trao tặng Huân chương, Huy chương Hữu nghị cho GS, VS Châu Văn Minh và một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vì đã có những thành tích đóng góp cho sự nghiệp khoa học và phát triển của nước CHDCND Lào.
Nguồn: Nhân Dân

Dạy tiếng Việt cho người Lào

Thượng úy Nguyễn Văn Trinh và em Thào May Sì (một trong nhiều học sinh được dạy tiếng Việt) /// Ảnh: Phan Hậu
Thượng úy Nguyễn Văn Trinh và em Thào May Sì (một trong nhiều học sinh được dạy tiếng Việt)ẢNH: PHAN HẬU
Thượng úy Nguyễn Văn Trinh cho biết, lớp học tiếng Việt của Bộ đội biên phòng VN mở trên đất Lào ra đời từ năm 2015, do anh trực tiếp tham mưu với chỉ huy Đồn biên phòng Thông Thụ.
Thượng úy Nguyễn Văn Trinh, thông dịch viên tiếng Lào, Đồn biên phòng Thông Thụ (Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An) là 1 trong 60 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017 với chủ đề “Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em đến trường” do T.Ư Hội LHTN VN, Bộ GD-ĐT, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Ban Thanh niên quân đội và Tập đoàn Thiên Long vừa tổ chức.
Thượng úy Trinh cho biết, lớp học tiếng Việt của Bộ đội biên phòng VN mở trên đất Lào ra đời từ năm 2015, do anh trực tiếp tham mưu với chỉ huy Đồn biên phòng Thông Thụ, khi đồn nhận lời giúp đỡ người dân bên kia biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và mở mang tri thức. Nhưng công việc đầu tiên, theo thượng úy Trinh, là cần dạy tiếng Việt để người dân Lào có thể giao tiếp, lắng nghe những chia sẻ, hướng dẫn từ Bộ đội biên phòng VN. Để duy trì lớp học trong suốt 3 năm qua với 105 học viên đã tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn “nói thông, viết thạo tiếng Việt”, thượng úy Trinh là người trực tiếp biên soạn giáo án và đứng lớp giảng dạy.
Theo thượng úy Trinh, lớp học mở trong dịp hè hằng năm. Mỗi khóa học kéo dài 3 tháng. Thời gian đó, thượng úy Trinh khoác ba lô sang nước bạn Lào dạy tiếng Việt, đường đi lại khó khăn, có khi phải ăn ngủ ngay lớp học hằng tuần, hằng tháng mới có dịp về thăm đồn. Ở các lớp học tiếng Việt trong bản Nậm Táy, đông nhất vẫn là học sinh, thanh niên. Tại địa bàn công tác, thượng úy Trinh còn mở thêm các khóa học dành cho cán bộ là người địa phương.
“Ngày đầu mở lớp, tôi không nghĩ sẽ duy trì được đến bây giờ. Người dân Lào rất thích và chịu khó học tiếng Việt, nhờ đó mà các thông tin quy định pháp luật bảo vệ biên giới của Bộ đội biên phòng VN tuyên truyền đến với họ dễ dàng hơn. Người dân hai nước cùng gìn giữ, bảo vệ đường biên giới chung”, thượng úy Trinh nói.
Bằng sự đam mê và nhiệt huyết với các lớp học, thượng úy Trinh đang góp phần gây dựng tinh thần đoàn kết, tình cảm hữu nghị gắn bó keo sơn giữa người dân hai bên biên giới.
Nguồn: Thanh Niên

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Họp rút kinh nghiệm tuần tra chung Việt Nam - Campuchia lần thứ 24

Ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra chung trên biển năm 2018.
Ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra chung trên biển năm 2018.
Chiều ngày 4.12, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Chuẩn Đô đốc Phạm Mạnh Hùng - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân Nhân dân Việt Nam (HQNDVN) và Đại tướng Ouk SeyHa - Chỉ huy trưởng Căn cứ biển Hải quân Hoàng gia Campuchia (CCBHQHG) đã chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm tuần tra chung lần thứ 24.

Hội nghị đánh giá kết quả công tác tuần chung lần thứ 47 và 48 giữa Vùng 5 HQNDVN và CCBHQHG; trao đổi phương án duy trì an ninh trật tự trên “Vùng nước lịch sử” (hải phận đang trong quá trình xem xét giữa hai quốc gia) và vùng biển giáp ranh của 2 nước Việt Nam - Campuchia; đánh giá kết quả các hoạt động phối hợp, kết nghĩa giữa Vùng 5 HQNDVN và CCBHQHG, đồng thời ký kết chương trình phối hợp tuần tra chung lần thứ 49, 50...
Qua 48 chuyến phối hợp tuần tra chung và 23 lần tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuần tra chung, việc phối hợp giữa CCBHQHG và Vùng 5 HQNDVN với lực lượng chức năng của 2 nước Việt Nam - Campuchia ngày càng củng cố và phát triển trên tinh thần đoàn kết, tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, góp phần tích cực bảo đảm an ninh trật tự trên “Vùng nước lịch sử” và vùng biển giáp ranh giữa 2 nước.
Tại hội nghị lần thứ 24 này, Vùng 5 HQNDVN và CCB HQHG cũng đã thống nhất những nội dung phối hợp cần thực hiện trong thời gian tới.
Nguồn: Lao Động

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Khánh thành Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia bên bờ sông Sekong

Cắt băng khánh thành công trình. (Nguồn: nhandan.com.vn)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 15/11, tại thành phố Steung Treng, thuộc tỉnh cùng tên, Campuchia đã long trọng tổ chức lễ khánh thành sau trùng tu, tôn tạo Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Đây là đài hữu nghị thứ 10 được hoàn thành trùng tu, tôn tạo theo Dự án Trùng tu, tôn tạo 17 đài hữu nghị trên toàn lãnh thổ Campuchia do Bộ Quốc phòng Việt Nam tài trợ. 

Tham dự buổi lễ có Đại tá Trịnh Việt Hùng, Phó Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Campuchia. Phía Campuchia có Quốc vụ khanh Bộ Lễ nghi và Tôn giáo, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia mặt trận đoàn kết, phát triển Tổ quốc, ông Nhem Valy; Tỉnh trưởng Steung Treng, ông Mom Saroeun, cùng đông đảo lãnh đạo, cán bộ, các lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh và người dân tỉnh Steung Treng. 

Phát biểu tại buổi lễ, Quốc vụ khanh Nhem Valy và Tỉnh trưởng Mom Saroeun khẳng định Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia không chỉ là nơi ghi nhớ công lao của những người con Campuchia yêu nước và Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng Campuchia, mà còn là biểu tượng trường tồn của tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc láng giềng Việt Nam-Campuchia. 

Do vậy, việc triển khai dự án này là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia; tiếp tục củng cố và vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. 

Hai quan chức trên nhấn mạnh nhân dân Campuchia nói chung và nhân dân tỉnh Steung Treng nói riêng luôn ghi nhớ rằng nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện, Nhân dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ với chiến thắng ngày 7/1/1979 lịch sử, cũng như sự giúp đỡ trong sáng từ sau giải phóng đến nay, đất nước Campuchia sẽ không có sự hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay. 

Thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Phó Tùy viên Quốc phòng Trịnh Việt Hùng đã trao quà của Bộ Quốc phòng tặng chính quyền và nhân dân tỉnh Steung Treng, và cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Đài Hữu nghị. 

Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại tỉnh Steng Treng được trùng tu từ năm 2016, nằm trong khuôn viên rộng lớn của công viên thành phố, bên bờ sông Sekong tươi đẹp. 

Đây vừa là nơi tưởng nhớ công lao của những người con Campuchia yêu nước và Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng Campuchia, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương, và cũng là một địa điểm du lịch đẹp trên tuyến đường du lịch, kinh tế xuyên Á (AH11), nối liền ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia./. 
Nguồn: VN plus

Campuchia: Ông Sam Rainsy tuyên bố trở lại chính trường

Ông Sam Rainsy trả lời phỏng vấn tại Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, ngày 15/11, cựu thủ lĩnh đối lập Campuchia Sam Rainsy đã tuyên bố trở lại chính trường sau khi từ chức lãnh đạo đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) hồi đầu năm.

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày trước khi tòa án Campuchia phán quyết liệu có giải tán CNRP theo khuyến nghị từ các luật sư của chính phủ hay không.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh dư luận cho rằng đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen đang mở rộng cuộc trấn áp chính trị nhằm vào thành viên của CNRP, các nhóm nhân quyền và truyền thông trung lập.


Hồi tháng Tám, Tòa phúc thẩm Campuchia đã giữ nguyên bản án của một tòa án cấp thấp hơn, theo đó xử vắng mặt cựu lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy 20 tháng tù vì tội phỉ báng Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen. 

Ông Rainsy bị kết tội phỉ báng và kích động bất ổn xã hội sau khi ông viết trên trang Facebook của mình hồi tháng Tám năm ngoái rằng vụ việc nhà phân tích chính trị Kem Ley bị bắn là "một hành động khủng bố khác của nhà nước"./. 
Nguồn: VN plus

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Campuchia đề nghị Mỹ chuyển đổi nợ thành viện trợ phát triển

Campuchia đã đề nghị phía Mỹ xem xét chuyển các khoản mà nước này nợ Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ trước thành những khoản viện trợ phát triển.

Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen (trái) đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển đổi nợ thành viện trợ phát triển. Nguồn: The Cambodia Daily
Phát biểu ngày 13/11 trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, diễn ra bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 và các hội nghị liên quan tại Manila, Philippines, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen cho biết ông đã nêu đề nghị này với nhà lãnh đạo Mỹ.

Cũng theo Thủ tướng Hun Sen, trước đó, ông đã nêu đề nghị tương tự với người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống Barack Obama.

Trong giai đoạn 1970 - 1975, Chính phủ Campuchia khi đó đã vay Mỹ khoảng 200 triệu USD. Cộng với lãi suất phải trả, khoản nợ này hiện đã là hơn 500 triệu USD.
Nguồn: Tin Tức

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Thủ tướng làm việc với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia bên lề ASEAN 31

Ngày 13/11, tại thủ đô Manila của Philippines, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (ASEAN 31).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen (bên phải) và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (bên trái). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tại cuộc gặp, ba Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những thành quả đạt được của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam-Campuchia-Lào đang ngày càng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân ba nước. 

Thủ tướng ba nước đã điểm lại tình hình hợp tác ba bên trong triển khai kết quả các thỏa thuận đạt được của Hội nghị Cấp cao Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào -Việt Nam lần thứ 9 (CLV 9) tại Siem Reap (Campuchia) tháng 11/2016; nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương của 3 nước thúc đẩy hợp tác kết nối 3 nền kinh tế, trong đó có kết nối giao thông, năng lượng điện; xúc tiến việc mở thêm hoặc nâng cấp các cặp cửa khẩu; phát triển ngành công nghiệp cao su và du lịch; hợp tác tốt trong bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước; thu hút nguồn lực cho phát triển, trong đó quan tâm trong huy động nguồn vốn đầu tư từ các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp; lồng ghép các dự án CLV vào các chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong và các cơ chế hợp tác Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam (CLMV), Tổ chức hợp tác kinh tế 3 dòng sông Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS)…. 

Nhân dịp này, ba Thủ tướng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí phối hợp với các nước thành viên khác vì sự thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, vì mục đích chung xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình, ổn định và vững mạnh, tích cực đóng góp vào giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nguồn: Tin Tức