Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Hội Việt kiều Campuchia thành lập Hội thầy thuốc Việt Nam

Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Campuchia tổ chức liên hoan ra mắt Ban chấp hành lâm thời Hội thầy thuốc Việt Nam tại Campuchia.
Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2017) chiều nay, tại Thủ đô Phnompenh, Vương quốc Campuchia, Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Campuchia tổ chức liên hoan, đồng thời ra mắt Ban chấp hành lâm thời Hội thầy thuốc Việt Nam tại Campuchia. 
Ông Thạch Dư, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cùng đông đảo bà con Việt Kiều và các y, bác sỹ người Việt tại Campuchia đến dự. 
hoi viet kieu campuchia thanh lap hoi thay thuoc viet nam hinh 1
Ông Thạch Dư đại sứ Việt Nam tại Campuchia phát biểu.
Phát biểu tại buổi ra mắt Đại sứ Thạch Dư cho biết: các y, bác sỹ là người Việt đang sinh sống và làm việc tại Campuchia rất đông nhưng chưa có tiếng nói chung, chưa có phương án hỗ trợ giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Nay có Ban chấp hành lâm thời, tiến tới thành hội thầy thuốc Việt Nam tại Campuchia trong thời gian tới là cơ hội để những người thầy thuốc Việt Nam  có cơ hội phát triển cao hơn.
Theo thống kê hiện nay, người Việt tại Campuchia có khoảng 300 người sống bằng nghề y. Đây là cơ sở để thành lập hội để các y, bác sỹ sinh hoạt và phát triển trong thời gian tới. Ban chấp hành lâm thời gồm có 9 người do bác sỹ Hoàn Hoa, giám đốc một bệnh viện của Việt Nam tại Thủ đô Phnompenh làm Chủ tịch.
hoi viet kieu campuchia thanh lap hoi thay thuoc viet nam hinh 2
Ban chấp hành lâm thời gồm 9 người do bà Hoàn Hoa làm Chủ tịch tại lễ ra mắt.
Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Tổng hội Việt kiều tại Canpuchia cho biết: Hội Thầy thuốc Việt Nam tại Campuchia không chỉ có nhiệm vụ đơn thuần  là gắn kết các thầy thuốc người Việt, mà đây là một tổ chức tình nguyện hoạt động từ thiện vì cộng đồng người Việt ở Campuchia, tự nguyện đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động miễn phí như: Tuyên truyền giáo dục y học thường thức; Khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc, tiêm vacxin cơ bản; Giúp đỡ, hỗ trợ bà con người Việt gặp khó khăn, hoạn nạn. 
Ông Châu Văn Chi cho biết thêm: “Tôn chỉ mục đích là làm sao tập hợp được những thầy thuốc ở Campuchia, thứ hai nữa là để hỗ trợ giúp đỡ cho bà con người Việt ở Campuchia. Theo quyết định của Ban thường vụ Tổng hội là 6 tháng sau sẽ tiến hành đại hội bầu ban chấp hành hội thầy thuốc chính thức để đi vào hoạt động”./.
Nguồn: VOV

Chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của hồ Srah Srang

Srah Srang là hồ chứa nước nằm ở khu vực đền Angkor Wat, Campuchia. Nhờ có nét kiến trúc đặc biệt, hồ là nơi thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan.
Hồ được xây dựng vào giữa thế kỷ 10 bởi sáng kiến của Kavindrarimathana - Tướng Phật giáo của Rajendravarman II.

Sau đó nó được sửa đổi vào khoảng năm 1200 bởi Vua Jayavarman VII.

Kiến trúc của hồ được xây dựng theo phong cách Bayon.

Xung quanh hồ được bao phủ bởi cây xanh. Vào mùa khô, đôi lúc hồ sẽ cạn nước.

Hồ là địa điểm ngắm bình minh và hoàng hôn lý tưởng.

Kiến trúc đặc trưng đền gồm 2 phần chính.


Phần trên hồ nằm về một phía có kiến trúc đơn giản chỉ gồm bậc tam cấp đi xuống, xen lẫn là hình tượng rằn thần Naga và các tượng sư tử trấn giữ. Phần công trình này cũng bị hư hại nghiêm trọng do chính con người gây ra.

Phần thứ hai chính là kiến trúc giữa hồ chính là nơi để cho Vua đi thuyền ra giữa hồ dùng để giải tỏa ưu phiền. Phần hồ cũng chính là nơi các cung nữ tắm.

Hiện nay, rất nhiều người dân ở đây tới câu cá.

Ở giữa hồ là di tích bằng đá nay đã không còn vì bị thiêu rụi bởi quân Xiêm và Chămpa.

Khung cảnh hoàng hôn thơ mộng của hồ Srah Srang.

Bầu trời đêm ở hồ Srah Srang.

Bình minh đang dần ló dạng.

Khi mùa khô, nước rút hết, phần di tích còn sót lại nằm dưới đáy hồ.

Ngoài chức năng chính là nơi của vua chúa thời Angkor, nó là minh chứng của việc cải tạo thủy lợi và trữ nước cho cả vương quốc Angkor vào mùa khô lúc bấy giờ.

Đây còn là hồ bơi miễn phí của lũ trẻ.
Nguồn: Khoa học

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Lao động nước ngoài được lưu trú tại Lào không quá 5 năm

Khi tới Lào, trong thời hạn 30 ngày, người lao động nước ngoài cần đăng ký và xin cấp phép làm việc với cơ quan quản lý lao động ở trung ương hoặc địa phương. Theo quy định mới nhất, người lao động nước ngoài được phép lưu trú tại Lào không quá 5 năm.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Lào đã có quy định về tỷ lệ người lao động nước ngoài làm việc tại Lào. Cụ thể, tỷ lệ lao động nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư tại Lào được giới hạn không quá 15% đối với lao động phổ thông và không quá 25% đối với lao động kỹ thuật trong tổng số lao động của dự án. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lao động nước ngoài quá số % quy định nêu trên, doanh nghiệp có thể xin bổ sung hạn ngạch tại Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào.
lao dong nuoc ngoai duoc luu tru tai lao khong qua 5 nam
Theo quy định mới nhất, lao động nước ngoài được phép lưu trú tại Lào không quá 5 năm
Theo quy định mới nhất, người lao động nước ngoài được phép lưu trú tại Lào không quá 5 năm. Sau khi hết thời hạn làm việc tại Lào, lao động nước ngoài phải nộp lại thẻ lao động cho cơ quan quản lý lao động (trong thời hạn 15 ngày) hoặc nộp cho công an cửa khẩu khi xuất cảnh khỏi nước CHDCND Lào.
Tất cả lao động nước ngoài được phép làm việc ở CHDCND Lào phải nộp thuế thu nhập và lệ phí cho Chính phủ CHDCND Lào theo quy định của pháp luật.
Để được sang Lào làm việc, lao động nước ngoài phải đảm bảo một số điều kiện như: Có tay nghề phù hợp với vị trí yêu cầu; có lý lịch rõ ràng; tuổi đời từ 20 tuổi; không mắc các bệnh truyền nhiễm, có đủ năng lực hành vi dân sự.

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Đảng đối lập Campuchia chuẩn bị bầu lãnh đạo mới

Ngày 24/2, đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập tại Campuchia thông báo sẽ tổ chức đại hội đảng vào ngày 2/3 tới để bầu chọn Chủ tịch mới của đảng này sau khi ông Sam Rainsy từ chức cách đây 2 tuần.

Thông báo của CNRP nêu rõ đại hội sẽ được tổ chức tại trụ sở của đảng này ở ngoại ô phía Nam thủ đô Phnom Penh. Tại đại hội này, CNRP sẽ bầu ra chủ tịch và phó chủ tịch mới.
Trụ sở đảng CNRP. Ảnh: Phan Minh Hưng - Phóng viên TTXVN tại Campuchia
Hiện Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha giữ chức quyền Chủ tịch đảng cho đến khi CNRP tổ chức đại hội bầu chọn Chủ tịch mới. 

Ông Sam Rainsy lưu vong từ tháng 11/2015 nhằm tránh việc phải thi hành bản án tù 2 năm do phạm tội phỉ báng Phó Thủ tướng Hor Namhong từ năm 2008. Ngoài ra, ông Sam Rainsy cũng đang phải chịu một số bản án khác tại Campuchia.

Ngày 11/2 vừa qua, ông Sam Rainsy đăng tải trên trang facebook cá nhân thư tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng và rời khỏi CNRP vì lý do cá nhân.
Tuyên bố của ông Sam Rainsy được đưa ra ngay sau khi 60 nghị sỹ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền ngày 10/2 trình Quốc hội nước này đề nghị sửa đổi Luật về Các chính đảng, theo đó không cho phép người phạm tội giữ chức Chủ tịch đảng.

Ngày 20/2 vừa qua, Quốc hội Campuchia đã thông qua luật sửa đổi trên, theo đó những người phạm tội đã bị kết án không được giữ các chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch đảng; trường hợp phạm tội nghiêm trọng có thể giải tán đảng và ban lãnh đạo đảng đó bị cấm hoạt động chính trị.
Nguồn: Tin Tức

Chùm ảnh thăm thú chợ quê độc đáo ở Campuchia

Thăm thú chợ quê độc đáo ở Campuchia là một trong những việc mà du khách nước ngoài không bỏ lỡ khi có dịp du lịch quốc gia Đông Nam Á này.
Các du khách nước ngoài thích thú đi chợ quê độc đảo ở Campuchia. Trong ảnh là bên ngoài khu chợ chính ở Siem Reap. Ảnh Sina
Dãy hàng quán san sát nhau trên con đường dẫn tới chợ ở Campuchia. Ảnh Sina
Các sạp hàng, xe máy của người dân ở phía ngoài chợ chính ở Siem Reap. Ảnh Sina
Khoai nướng - một món ăn vặt phổ biến tại các khu chợ ở Campuchia - cũng thấy bán tại chợ này. Ảnh Sina
Du khách không khỏi choáng ngợp trước hàng trăm nghìn mặt hàng đặc sản địa phương khi tới chợ ở Siem Reap. Ảnh Sina
Sạp hàng hoa quả ở sát dãy hàng ăn trong chợ Campuchia này. Ảnh Sina
Những quầy bán thịt san sát nhau ở chợ quê Campuchia. Ảnh Sina
Dãy bán hàng hải sản luôn tập nập người mua, kẻ bán. Ảnh Sina
Một hàng bán rau củ trong khu chợ trung tâm ở thành phố Siem Reap. Ảnh Sina
Một quán bán hàng ăn tại chợ. Ảnh Sina
Các chồng bánh địa phương được sắp trong các túi bóng. Ảnh Sina
Bạn sẽ phát thèm khi nhìn thấy mâm hoa quả dầm này. Ảnh Sina
Bánh được chiên trong chảo dầu nóng. Ảnh Sina
Cửa hàng bán đồ khô trong chợ. Ảnh Sina
Khu bán hàng quần áo. Ảnh Sina
Một góc cảnh quan thành phố Siem Reap. Ảnh Sina
Những đồ thủ công mỹ nghệ được bày bán trong một cửa hàng lưu niệm. Ảnh Sina
Nguồn: Sưu tầm

Tuổi trẻ Cảng Vũng Áng Việt-Lào xung kích, đi đầu trong SX-KD

Chiều 24/2, Đoàn cơ sở Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào (thuộc Mitraco Hà Tĩnh) tổ chức thành công Đại hội đoàn nhiệm kỳ 2017-2019.tuoi tre cang vung ang viet lao xung kich di dau trong sx kd
Nhiệm kỳ qua, Đoàn cơ sở Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào luôn đi đầu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, đề xuất tham mưu các giải pháp cải tiến, hợp lý hóa trong SX-KD. Với đặc thù là đơn vị kinh doanh và khai thác cảng biển, đoàn cũng đã chủ động phối hợp với các bộ phận để xây dựng quy trình kiểm soát tải trọng và đảm bảo vệ sinh môi trường.
tuoi tre cang vung ang viet lao xung kich di dau trong sx kd
Đoàn thanh niên luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong việc hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua. Xác định nghề nghiệp gắn liền với cuộc sống của bản thân và gia đình, tất cả đoàn viên luôn trau dồi kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng trong thao tác lao động nhằm đưa công việc được thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả, an toàn.
Nhiệm kỳ qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn và các hoạt động từ thiện, nhân đạo được tổ chức theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với thực tế, thu hút được đông đảo ĐVTN.
tuoi tre cang vung ang viet lao xung kich di dau trong sx kd
Với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào không ngừng học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, xung kích, sáng tạo góp phần tích cực xây dựng công ty phát triển bền vững”, Đoàn Công ty xác định mục tiêu tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật cho ĐVNT; tạo bước chuyển biến mới và chú trọng nội dung trong sinh hoạt đoàn; nâng cao vai trò tổ chức đoàn đối với công tác đồng hành với thanh niên trong học tập nâng cao trình độ, nghề nghiệp; xung kích tham gia phát triển kinh tế, xã hội; tích cực tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…
Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Bộ Ngoại giao thông tin vụ công dân Việt bị sát hại tại Lào

Tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã đề nghị các cơ quan chức năng của Lào tiến hành điều tra ngay, sớm truy bắt hung thủ gây án.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, ngày 18/2, công dân Việt Nam tên là Huỳnh Thị Thanh Tuyền đã bị kẻ gian sát hại tại nơi cư trú ở thủ đô Viêng Chăn, Lào.
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã đề nghị các cơ quan chức năng của Lào tiến hành điều tra ngay, sớm truy bắt hung thủ gây án. Đại sứ quán cũng đã hỗ trợ gia đình nạn nhân nhanh chóng giải quyết các thủ tục để đưa thi hài chị Huỳnh Thị Thanh Tuyền về nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đang theo dõi chặt chẽ vụ việc và tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng của Lào khẩn trương truy bắt hung thủ gây án để xử lý theo quy định pháp luật.
Nguồn: VNN

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Việt Nam và Campuchia tăng cường hợp tác song phương

Quang cảnh lễ ký kết Biên ban cuộc họp. (Ảnh: Phan Minh Hưng-Danh Chanh Đa/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Campuchia Chhay Than​ đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 8 cấp Bộ trưởng giữa hai bộ tại thủ đô Phnom Penh. 

Mục đích nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa hai bộ và triển khai có hiệu quả các cam kết và chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2016, hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia trong năm 2017. 

Trong cuộc họp, hai bên đã tập trung đánh giá và bày tỏ vui mừng trước kết quả hợp tác trên lĩnh vực kế hoạch giữa hai Bộ đạt được trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2016, đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước; đánh giá cao kết quả công tác hỗ trợ đào tạo của Việt Nam dành cho cán bộ kế hoạch, tính GDP tại một số tỉnh của Campuchia. 

Hai bên nhất trí đánh giá, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, song với nỗ lực của hai bên, các Thỏa thuận giữa hai Chính phủ đã được phối hợp thực hiện tích cực và cơ bản đạt được những kết quả quan trọng như chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ; năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD; khách du lịch hai bên ước đạt gần 1 triệu lượt người; Việt Nam tiếp tục dành viện trợ cho Campuchia 290 tỷ đồng, trong đó dành cho giáo dục, đào tạo 1.090 suất học bổng dài hạn và ngắn hạn trị giá 171 tỷ đồng… 

Về phương hướng hợp tác năm 2017, hai bên đã trao đổi và thống nhất cần tăng cường hợp tác hơn nữa trên lĩnh vực kế hoạch giữa hai nước. 

Theo đó, phía Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Campuchia trong công tác đào tạo và khảo sát, thu thập số liệu để tính GDP cho một số tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển CLV của Campuchia. 

Hai bên nhất trí đẩy nhanh việc dự thảo Khung thỏa thuận chung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam​-Campuchia để trình Chính phủ hai nước thông qua; nhất trí kể từ năm 2017 trở đi, hai bộ sẽ tổ chức cuộc họp cấp Thứ trưởng/Quốc vụ khanh luân phiên mỗi năm một lần, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ thuật. Kết thúc cuộc họp, hai Bộ trưởng đã ký Biên bản cuộc họp. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Campuchia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn có cuộc gặp và chào xã giao phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong./. 
Nguồn: VN plus

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Lào bảo đảm trách nhiệm với các nước láng giềng về thủy điện Pak Beng

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Sáng 22/2 tại cố đô Luang Prangbang, Bắc Lào, đã khai mạc Diễn đàn các bên lên quan khu vực về Hội đồng nghiên cứu và dự án thủy điện Pak Beng với chủ đề “Chia sẻ, lắng nghe và hành động.”

Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lào Sommath Pholsena; Giám đốc Ủy hội sông Mekong (MRC) Phạm Tuấn Phan; đại diện các Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan; các đối tác phát triển; đại diện các quốc gia hạ lưu sông Mekong; các tổ chức phi chính phủ (NGOs); Các viện nghiên cứu khu vực và quốc tế và đông đảo giới báo chí truyền thông.

Đây là một diễn đàn mở, nằm trong khuôn khổ Quy trình Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) diễn ra trong hai ngày 22-23/2 với mục đích phổ biến thông tin về quá trình tham vấn trước của dự án thủy điện Pak Beng.

Tại diễn đàn, các bên sẽ tập trung thảo luận vào hai nội dung chính là phổ biến các khái niệm, luận cứ, luận chứng liên quan đến việc nghiên cứu đánh giá về tác động của dự án thủy điện nói chung để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá đối với dự án thủy điện Pak Beng; trao đổi và thảo luận sâu về dự án thủy điện Pak Beng.

Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ nghe các bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện quá trình tham vấn của dự án Xayaboury và Don Sahong; các mục tiêu của việc tham vấn thủy điện Pak Beng; chiến lược phát triển thủy điện bền vững của Lào nói chung và của dự án thủy điện Pak Beng nói riêng; đánh giá kỹ thuật theo kế hoạch của dự án thủy điện Pak Beng liên quan đến các vấn đề an toàn đập, dòng chảy, thủy văn, tác động kinh tế-xã hội và môi trường; đưa ra các đề xuất và các kiến nghị liên quan đến tiến trình tham vấn, đánh giá dự án thủy điện Pak Beng và Quy trình Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của dự án thủy điện Pak Beng.

MRC sẽ giới thiệu những nét khái quát về thủy văn, nguồn nước (bao gồm tác động của biến đổi khí hậu), hệ sinh thái, tài nguyên sinh học; phương pháp đánh giá tác động kinh tế, xã hội; giới thiệu tổng quan về quy trình tham vấn trước; mục tiêu và lộ trình thực hiện quy trình tham vấn trước của Thủy điện Pak Beng, cũng như các công việc sau quy trình tham vấn trước.

Đại diện Nhà đầu tư phát triển dự án-công ty Datang Internationl Power Generation của Trung Quốc trình bày tổng quan về dự án thủy điện Pak Beng.

Bên cạnh đó, MRC cũng sẽ giới thiệu về cách tiếp cận, phạm vi và phương pháp luận để xem xét, đánh giá kỹ thuật đối với Dự án thủy điện Pak Beng trên các góc độ: thủy văn/trầm tích, hệ sinh thái, tài nguyên sinh học, an toàn đập, dòng chảy, các tác động về mặt kinh tế, xã hội và các vấn đề xuyên biên giới.

Bộ trưởng Sommath Pholsena cho biết: “Đây là một cơ hội để trao đổi tham vấn với các nước thành viên MCR cũng như các đối tác phát triển, để đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân Lào cũng như người dân các nước lưu vực sông Mekong. Để đảm bảo dự án đập thủy điện Pak Beng đúng theo tiêu chuẩn về môi trường cũng như nhiều vấn đề khác giống như đập thủy điện Xayaboury “chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ về thiết kế kỹ thuật và lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng như các nước bạn là thành viên MCR.”

Ông Sommath Pholsena khẳng định: “Dư luận không nên quá lo lắng về các tác động từ dự án đập thủy điện Pak Beng, chúng tôi sẽ phải đảm bảo và phải chịu trách nhiệm đối với người dân Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Đây là nhiệm vụ của chính phủ Lào cũng như của Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào.”

Nằm tại huyện Pak Beng, tỉnh Oudomsay (Bắc Lào), thủy điện Pak Beng có công suất lắp đặt là 912MW, sản xuất điện trung bình/năm là 4,775 GWh. Đây là thủy điện thứ 3 nằm trên dòng chính sông Mekong sau thủy điện Sayabouly và Don Sahong. Tháng 11/2016, Chính phủ Lào đã chính thức nộp hồ sơ thủy điện Pak Beng lên Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) để tiến hành thủ tục tham vấn trước và đến 20/12/2016, quy trình tham vấn kéo dài 6 tháng này đã chính thức bắt đầu./. 
Nguồn: Vn plus

Campuchia, Lào tăng cường quan hệ hợp tác song phương

Chủ tịch nước Lào tại buổi hội đàm với Thủ tướng Campuchia. (Nguồn: Cơ quan thường trú TTXVN tại Campuchia)

Campuchia và Lào cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. 

Đây là tuyên bố được các nhà lãnh đạo hai nước đưa ra nhân chuyến thăm cấp nhà nước Campuchia từ ngày 22​-23/2 của Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith​ theo lời mời của Quốc vương nước chủ nhà Samdech Norodom Sihamoni. 

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trợ lý kiêm người phát ngôn của Thủ tướng Campuchia, ông Eang Sophalet​ cho biết, tại cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen cùng ngày, Chủ tịch nước Lào Volachith đã bày tỏ vui mừng trước sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu và sự phát triển của đất nước Campuchia. 

Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua và quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Tam giác phát triển. 

Chủ tịch nước Lào mong muốn Campuchia tăng cường hợp tác với Lào trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại và công nghiệp. 

Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen mong muốn Lào đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực thủy điện, đường sắt và phát triển kinh tế, thương mại tại khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. 

Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh, đây là điểm mấu chốt để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng sâu rộng. 

Trong chuyến thăm này, sau lễ đón chính thức và được Quốc vương Samdech N.Sihamoni đón tiếp tại Hoàng cung Campuchia, Chủ tịch nước Lào đã đến đặt vòng hoa tại Đài Độc lập và Đài tưởng niệm cố Quốc vương Samdech N.Sihnaouk. 

Sau đó, Chủ tịch nước Volachith đã có cuộc gặp với người đứng đầu các cơ quan lập pháp và Chính phủ Hoàng gia Campuchia gồm Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chum, Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin và Thủ tướng Samdech Hun Sen. 

Chiều 23/2, Chủ tịch nước Lào sẽ kết thúc chuyến thăm chính thức Campuchia. Đây là chuyến thăm Campuchia đầu tiên của Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 4/2016./. 
Nguồn: VN plus

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Campuchia hạ nhiệt xung đột biên giới với Lào

Giới hữu trách Campuchia đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng trong xung đột đối với Lào, sau khi hai bên dồn quân đến biên giới.
Cảnh binh sĩ Lào và Campuchia nói chuyện gần biên giới
Trong 2 tuần qua, giới chức Campuchia tuyên bố đã có hơn 400 binh lính Lào được vũ trang đã vượt qua biên giới ở địa phận tỉnh Stung Treng (miền bắc Campuchia) với mục đích ngăn chặn công binh Campuchia làm đường.
Tuyến đường kéo dài 257 km từ thành phố Stung Treng đến huyện Siem Pang (đều thuộc tỉnh Stung Treng), theo the Cambodia Daily ngày 21.2.
Để đáp trả động thái trên của nước láng giềng, các lực lượng Campuchia đã nhận lệnh dàn quân “bảo vệ biên giới”, theo tuyên bố trên website của Lực lượng cảnh sát quốc gia Campuchia vào cuối tuần qua.
Ngày 20.2, khi báo giới trong nước liên lạc, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat khăng khăng cho rằng Campuchia không hề vi phạm bất cứ thỏa thuận biên giới với Lào.
“Chúng tôi làm đường trên địa phận Campuchia dựa trên bản đồ của Pháp”, theo tướng Socheat, nhưng ông cho hay phía Lào cáo buộc Campuchia đang làm đường trên biên giới, dẫn đến căng thẳng song phương.
Ông Var Kimhong, quan chức chịu trách nhiệm sự vụ biên giới, chỉ cho biết hai nước đã lên kế hoạch hội đàm trong nay mai.
Nguồn: Cambodia Daily

Xây dựng thành công làng thanh niên hữu nghị Lào - Việt

Thực hiện chương trình Ký kết hoạt động thường niên giữa thanh niên Nghệ An  và thanh niên 3 tỉnh có chung đường biên giới của nước bạn Lào, chiều 21/2, Đoàn đại biểu thanh niên Tỉnh đoàn Bôlykhămxay Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào sang thăm và làm việc với Tỉnh đoàn Nghệ An 
Dự buổi làm việc có các đồng chí Quan Phết Phoang Mala, Bí thư Tỉnh đoàn Bôlykhămxay, Phạm Tuấn Vinh, Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, cán bộ hai cơ quan Tỉnh đoàn, cùng Đoàn viên, thanh niên hai tỉnh.
Những năm qua, hoạt động của tuổi trẻ hai tỉnh Nghệ An - Bôlykhămxay diễn ra thường xuyên với những việc làm cụ thể, qua đó khẳng định cho những nỗ lực của tuổi trẻ hai tỉnh trong việc vun đắp tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc.
Thanh niên tình nguyện Nghệ An dạy tiếng Việt cho học sinh Xiêng Khoảng (Lào).
Thanh niên tình nguyện Nghệ An dạy tiếng Việt cho học sinh Xiêng Khoảng (Lào).
Tỉnh đoàn Nghệ An được Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ xây dựng làng thanh niên hữu nghị Lào - Việt tại tỉnh Bôlykhămxay, đến nay mô hình đã đi vào hoạt động hiệu quả.
"Năm 2017, đánh dấu mốc kỷ niệm 55 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, Tỉnh đoàn Nghệ An hy vọng đoàn thanh niên hai tỉnh sẽ có thêm nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả", đồng chí Phạm Tuấn Vinh nhấn mạnh.
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí thân mật, đoàn kết. Ảnh: Mỹ Nga
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí thân mật, đoàn kết. Ảnh: Mỹ Nga
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Quan Phết Phoang Mala - Bí thư Tỉnh đoàn Bôlykhămxay cảm ơn những tình cảm và sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Tỉnh đoàn Nghệ An trong quá trình hoạt động của Tỉnh đoàn Bôlykhămxay cũng như quan tâm tạo môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh cho các lưu học sinh của Lào đang tham gia học tập tại Nghệ An.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Nghệ An, Đoàn sẽ có buổi giao lưu, kết nối với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Nghệ An.
Nguồn: Báo Nghệ An

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Vietcombank lập ngân hàng con tại Lào và Campuchia trong năm 2017

Giao dịch tại Vietcombank. (Nguồn: Vietcombank)

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, nếu các thủ tục được hoàn tất thì trong năm nay ngân hàng này sẽ thành lập ngân hàng con tại Lào và Campuchia.

Đây là ý kiến được lãnh đạo Vietcombank đề xuất tại Hội nghị song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Lào và Campuchia cuối tuần qua.

Ông Thành chia sẻ, thực hiện theo định hướng của Chính phủ, Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để hội nhập với các ngân hàng khu vực và quốc tế trong thời gian tới, Vietcombank đã đề ra chiến lược cũng như lộ trình mở rộng sự hiện diện của mình mà trước hết là trong khu vực.

Hiện Vietcombank chiếm 20% thị phần thanh toán xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam, có quan hệ ngân hàng đại lý và hợp tác hỗ trợ kỹ thuật với gần 10 ngân hàng hàng đầu của Lào. Qua nghiên cứu thị trường, Vietcombank nhận thấy những tiềm năng lớn cho hoạt động của ngân hàng tại thị trường Lào. Theo đó, Vietcombank đã xây dựng đề án thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Lào đệ trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Với Campuchia, Vietcombank hiện đã có quan hệ đại lý với các ngân hàng lớn, tổng giá trị thanh toán xuất nhập khẩu của ngân hàng này qua thị trường Campuchia đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm./.
Nguồn: VN plus

Quốc hội Campuchia thông qua dự luật các chính đảng

Sáng 20/2, Quốc hội Campuchia đã thông qua Dự thảo sửa đổi luật Các chính đảng.
Luật Các chính đảng được Campuchia xây dựng và thông qua năm 1997 có 11 chương và 45 điều quy định các điều khoản để các chính trị gia ở Campuchia thành lập các đảng phái chính trị tham gia các cuộc bầu cử trong cả nước.
quoc hoi campuchia thong qua du luat cac chinh dang hinh 1
Phiên họp sáng 20/2 của Quốc hội Campuchia.
Đến nay, cả nước Campuchia đã có hơn 60 đảng được thành lập dưới sự bảo hộ của Luật này. Tuy nhiên sau thời gian thực hiện, Luật các chính đảng bộc lộ nhược điểm cần phải sửa đổi.
Ông Sok Y San, Nghị sỹ Đảng Nhân dân Campuchia cho biết, sửa đổi lần  này có nhiều điểm mới như: Luật sẽ cấm phạm nhân tham gia vào Ban chấp hành Trung ương đảng; nếu đảng nào huy động nhân dân thực hiện những hành động phạm pháp thì đảng đó sẽ bị giải thể; cá nhân nào vi phạm pháp luật sau khi mãn án tù sẽ bị cấm hoạt động chính trị ít nhất 5 năm. Các chính trị gia có nhu cầu thành lập đảng phải có ít nhất 4.000 người ủng hộ.
Việc sửa đổi, bổ sung luật Các chính đảng lần này được các chính đảng trong cả nước ủng hộ. Ông Sok Y San, nghị sỹ của Đảng Nhân dân Campuchia nói: “Việc sửa đổi bổ sung Luật các chính đảng là nhu cầu của xã hội vì luật này đã có từ năm 1997.
Sau 20 năm thực hiện đã phát sinh ra nhiều nhược điểm. Để đáp ứng theo tình hình mới Campuchia phải sửa đổi luật để xã hội Campuchia  thực sự là một xã hội công băng và dân chủ”./.
Nguồn: VOV

Việt Nam hỗ trợ Lào gần 2 triệu USD phát triển nông lâm nghiệp

Quang cảnh lễ khởi công. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Sáng 18/2 tại tỉnh Huaphanh, Bắc Lào, đã diễn ra lễ khởi công Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Huaphanh, đây là dự án có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực hợp tác về nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam và Lào tại tỉnh Huaphanh. 

Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tại kỳ họp lần thứ 36 của Phân ban Hợp tác Lào-Việt tổ chức năm 2013 ở thủ đô Vientiane, chính phủ hai nước đã thống nhất chủ trương đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Huaphanh, Bắc Lào" nhằm tăng cường công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, cải thiện đời sống người dân ở tỉnh Huaphanh, cái nôi của cách mạng Lào và các tỉnh lân cận. 

Nằm trên diện tích 12ha tại bản Ông, huyện Sầm Nửa, Trung tâm dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp tỉnh Huaphanh có tổng vốn đầu tư 43,6 tỷ đồng (gần 2 triệu USD), trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào là 39,4 tỷ đồng; vốn đối ứng của Chính phủ Lào là 4,2 tỷ đồng. 

Dự án gồm 2 hợp phần là xây dựng công trình Trụ sở Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Huaphanh và Tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông và nông dân địa phương. 

Hợp phần Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Huaphanh gồm 1 nhà làm việc hai tầng, trong đó có 1 hội trường 100 chỗ ngồi và 6 phòng làm việc cho khoảng 10-15 cán bộ làm việc; 1 nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm để giới thiệu và trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của địa phương; 1 nhà lưu trú 2 tầng; 1 Kho vật tư nông nghiệp; 01 chuồng nuôi gà có khả năng nuôi 800-1000 con gà; 1 chuồng bò và các hạng mục phụ trợ như hệ thống điện, nước, hàng rào bảo vệ… cùng các thiết bị văn phòng, đồ gỗ đầy đủ đi kèm để phục vụ hoạt động của Trung tâm. 

Đối với hợp phần tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông và nông dân địa phương, khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến sẽ tổ chức 8 lớp đào tạo khuyến nông cho 200 lượt cán bộ khuyến nông, cán bộ nông nghiệp và nông dân nòng cốt của tỉnh Huaphanh; xây dựng các mô hình về cây ăn quả, chăn nuôi bò, gà tại Trung tâm dịch vụ kỹ thuật tỉnh để trình diễn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tỉnh; tổ chức 2 đoàn tham quan cho cán bộ Lào sang tham quan học tập về kinh nghiệm khuyến nông và sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. 

Dự kiến, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018, dự án sẽ góp phần thúc đẩy ngàng nông lâm tại tỉnh Huaphanh nói riêng và cho khu vực Bắc Lào nói chung./. 
Nguồn: VN plus