Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017
Khánh thành Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia bên bờ sông Sekong
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 15/11, tại thành phố Steung Treng, thuộc tỉnh cùng tên, Campuchia đã long trọng tổ chức lễ khánh thành sau trùng tu, tôn tạo Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia.
Đây là đài hữu nghị thứ 10 được hoàn thành trùng tu, tôn tạo theo Dự án Trùng tu, tôn tạo 17 đài hữu nghị trên toàn lãnh thổ Campuchia do Bộ Quốc phòng Việt Nam tài trợ.
Tham dự buổi lễ có Đại tá Trịnh Việt Hùng, Phó Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Campuchia. Phía Campuchia có Quốc vụ khanh Bộ Lễ nghi và Tôn giáo, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia mặt trận đoàn kết, phát triển Tổ quốc, ông Nhem Valy; Tỉnh trưởng Steung Treng, ông Mom Saroeun, cùng đông đảo lãnh đạo, cán bộ, các lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh và người dân tỉnh Steung Treng.
Phát biểu tại buổi lễ, Quốc vụ khanh Nhem Valy và Tỉnh trưởng Mom Saroeun khẳng định Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia không chỉ là nơi ghi nhớ công lao của những người con Campuchia yêu nước và Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng Campuchia, mà còn là biểu tượng trường tồn của tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc láng giềng Việt Nam-Campuchia.
Do vậy, việc triển khai dự án này là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia; tiếp tục củng cố và vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Hai quan chức trên nhấn mạnh nhân dân Campuchia nói chung và nhân dân tỉnh Steung Treng nói riêng luôn ghi nhớ rằng nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện, Nhân dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ với chiến thắng ngày 7/1/1979 lịch sử, cũng như sự giúp đỡ trong sáng từ sau giải phóng đến nay, đất nước Campuchia sẽ không có sự hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay.
Thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Phó Tùy viên Quốc phòng Trịnh Việt Hùng đã trao quà của Bộ Quốc phòng tặng chính quyền và nhân dân tỉnh Steung Treng, và cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Đài Hữu nghị.
Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại tỉnh Steng Treng được trùng tu từ năm 2016, nằm trong khuôn viên rộng lớn của công viên thành phố, bên bờ sông Sekong tươi đẹp.
Đây vừa là nơi tưởng nhớ công lao của những người con Campuchia yêu nước và Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng Campuchia, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương, và cũng là một địa điểm du lịch đẹp trên tuyến đường du lịch, kinh tế xuyên Á (AH11), nối liền ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia./.
Nguồn: VN plus
Campuchia: Ông Sam Rainsy tuyên bố trở lại chính trường
Theo Reuters, ngày 15/11, cựu thủ lĩnh đối lập Campuchia Sam Rainsy đã tuyên bố trở lại chính trường sau khi từ chức lãnh đạo đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) hồi đầu năm.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày trước khi tòa án Campuchia phán quyết liệu có giải tán CNRP theo khuyến nghị từ các luật sư của chính phủ hay không.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh dư luận cho rằng đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen đang mở rộng cuộc trấn áp chính trị nhằm vào thành viên của CNRP, các nhóm nhân quyền và truyền thông trung lập.
Hồi tháng Tám, Tòa phúc thẩm Campuchia đã giữ nguyên bản án của một tòa án cấp thấp hơn, theo đó xử vắng mặt cựu lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy 20 tháng tù vì tội phỉ báng Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen.
Ông Rainsy bị kết tội phỉ báng và kích động bất ổn xã hội sau khi ông viết trên trang Facebook của mình hồi tháng Tám năm ngoái rằng vụ việc nhà phân tích chính trị Kem Ley bị bắn là "một hành động khủng bố khác của nhà nước"./.
Nguồn: VN plus
Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017
Campuchia đề nghị Mỹ chuyển đổi nợ thành viện trợ phát triển
Campuchia đã đề nghị phía Mỹ xem xét chuyển các khoản mà nước này nợ Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ trước thành những khoản viện trợ phát triển.
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen (trái) đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển đổi nợ thành viện trợ phát triển. Nguồn: The Cambodia Daily
|
Cũng theo Thủ tướng Hun Sen, trước đó, ông đã nêu đề nghị tương tự với người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống Barack Obama.
Trong giai đoạn 1970 - 1975, Chính phủ Campuchia khi đó đã vay Mỹ khoảng 200 triệu USD. Cộng với lãi suất phải trả, khoản nợ này hiện đã là hơn 500 triệu USD.
Nguồn: Tin Tức
Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017
Thủ tướng làm việc với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia bên lề ASEAN 31
Ngày 13/11, tại thủ đô Manila của Philippines, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (ASEAN 31).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen (bên phải) và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (bên trái). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
|
Thủ tướng ba nước đã điểm lại tình hình hợp tác ba bên trong triển khai kết quả các thỏa thuận đạt được của Hội nghị Cấp cao Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào -Việt Nam lần thứ 9 (CLV 9) tại Siem Reap (Campuchia) tháng 11/2016; nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương của 3 nước thúc đẩy hợp tác kết nối 3 nền kinh tế, trong đó có kết nối giao thông, năng lượng điện; xúc tiến việc mở thêm hoặc nâng cấp các cặp cửa khẩu; phát triển ngành công nghiệp cao su và du lịch; hợp tác tốt trong bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước; thu hút nguồn lực cho phát triển, trong đó quan tâm trong huy động nguồn vốn đầu tư từ các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp; lồng ghép các dự án CLV vào các chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong và các cơ chế hợp tác Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam (CLMV), Tổ chức hợp tác kinh tế 3 dòng sông Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS)….
Nhân dịp này, ba Thủ tướng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí phối hợp với các nước thành viên khác vì sự thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, vì mục đích chung xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình, ổn định và vững mạnh, tích cực đóng góp vào giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nguồn: Tin Tức
Đề xuất xây dựng khu kí túc xá dành cho sinh viên Lào
Sáng ngày 11/11/2017, Đoàn Công tác liên Bộ bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Hà Tĩnh để thẩm tra đề án xây dựng khu kí túc xá dành cho sinh viên Lào tại Trường.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh báo cáo về tình hình học tập và sinh hoạt của Lưu học sinh Lào tại Trường đồng thời kiến nghị Đoàn công tác có ý kiến đề xuất cho xây dựng khu kí túc xá dành cho gần 2.000 sinh viên Lào tại Trường; hỗ trợ xây dựng chương trình hệ thống bài giảng trực tuyến cho sinh viên Lào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và cấp học bổng hiệp định giữa hai Chính phủ dành cho sinh viên Lào đang theo học tại Trường.
Sau khi nghe ý kiến đề xuất của Trường Đại học Hà Tĩnh, Đoàn Công tác liên Bộ cho biết sẽ báo cáo trình lên Chính phủ và xem xét, cố gắng cân đối ngân sách chung để hỗ trợ nhà trường một phần kinh phí để thực hiện các dự án liên quan dến đào tạo Lưu học sinh Lào.
Nguồn: Giáo DụcThứ Bảy, 11 tháng 11, 2017
Kuang Si - thác nước đẹp nhất đất nước Triệu Voi
Nằm cách cố đô Luang Prabang của Lào 30km, thác Kuang Si là một điểm đến không thể bỏ qua với du khách
Nằm cách thành phố Luang Prabang của Lào khoảng 30km về phía Nam, quần thể thác Kuang Si với nhiều thác nước lớn nhỏ là một trong những danh thắng thiên nhiên hấp dẫn nhất cố đô đất nước Triệu Voi.
Theo tiếng Lào thác được gọi là Tat Kuang Si. Có một câu chuyện thường được kể để lý giải cái tên kỳ lạ này.
Ngày xửa ngày xưa, có một nhà thông thái đã gom nước từ dòng thượng nguồn bằng cách đào sâu xuống đất. Sau khi nước về làm cây cỏ xanh tốt, có một con nai vàng đến làm nhà dưới tảng đá nhô ra từ thác.
Cái tên Tat Kuang Si được ghép từ ba chữ Tat là thác nước, Kuang là con nai và Si nghĩa là đào đất mà thành.
Những con đường rải nhựa đã được xây dựng xuyên suốt và tạo nên mạng lưới giao thông tối ưu cho du khách. Từ Luang Prabang, du khách có hai cách để đến thác Kuang Si: đường bộ và đường thủy.
Từ Luang Prabang, xuôi xuống phía nam bằng xe máy hoặc tuk tuk, du khách sẽ mất khoảng 1 giờ. Bên cạnh đó, một lựa chọn thú vị không kém là đi thuyền xuôi xuống hạ lưu sông Mê Kông đến động Ban Ou rồi đi tiếp khoảng 5km là tới.
Nước ở đây rất xanh, xuất phát từ thượng nguồn và mang theo một lượng tảo khổng lồ. Thác có màu xanh quanh năm chính là do loại tảo này.
Nguồn: Eva
Khánh thành Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam
NDĐT - Ngày 9-11, Ban công tác đặc biệt Chính phủ CHDCND Lào phối hợp Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và chính quyền tỉnh Xaysomboun tổ chức khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam, tại thị xã Anouvong, tỉnh Xaysomboun.
|
Tham dự buổi lễ có Thượng tướng Vilay Lakhamphong, Bí thư T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào, đồng chí Thongloy Silivong, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Xaysomboun, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào Tào Văn Thái, cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Xaysomboun, đại diện các ban ngành và học sinh một số trường học của tỉnh Xaysombun.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Vilay Lakhamphong khẳng định, trong thời kỳ nhân dân các dân tộc Lào đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em đã ra sức giúp đỡ, ủng hộ về vật chất và tinh thần, kể cả sức người, đã gửi những người con yêu dấu của mình đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, là lực lượng quân tình nguyện liên minh chiến đấu với Quân đội và nhân dân Lào, cùng kề vai sát cánh anh dũng chiến đấu.
Thượng tướng Vilay Lakhamphong cho rằng, ngày nay “ở tất cả các ngọn núi, cánh rừng, các con sông, con suối đều có dấu chân, mồ hôi và sự hy sinh xương máu của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thấm đượm các mảnh đất đấu tranh trong thời kỳ chiến tranh. Sự hy sinh không hề tiếc nuối, chỉ mong cho đất nước và nhân dân được giải phóng, có độc lập, tự do, hạnh phúc. Vì vậy, có thể nói rằng, sự hy sinh của các đồng chí quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam là sự hy sinh cao cả, thiêng liêng không gì có thể sánh được, dành cho đất nước và nhân dân Lào cũng như đất nước và nhân dân Việt Nam anh em. Nhân dân các dân tộc Lào luôn ghi nhớ và biết ơn trước sự giúp đỡ quý giá không có gì có thể so sánh được sự hy sinh mồ hôi xương máu, vật chất và tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vì độc lập, tự do cho nhân dân Lào trước đây, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Lào luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ hết lòng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam trong suốt thời gian qua”.
Thượng tướng Vilay Lakhamphong cho biết, để ghi nhận công ơn, sự anh dũng của các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam sang thực hiện nhiệm vụ quốc tế vô sản ở Lào, Đảng, Nhà nước hai nước Lào-Việt Nam đã nhất trí xây dựng Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam ở tỉnh Xaysomboun.
Tại buổi lễ trang nghiêm, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng xúc động tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn vô hạn tới các Anh hùng liệt sĩ Việt Nam và Lào đã cùng nhau sát cánh chiến đấu vì độc lập, tự do và vì sự nghiệp cách mạng cao cả của hai dân tộc Việt Nam và Lào; khẳng định, tinh thần bất diệt của các anh là nguồn cổ vũ và là sức mạnh lớn lao để hai nước tiếp tục đoàn kết xây dựng tỉnh Xaysomboun ngày càng tươi đẹp.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ Lào, đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Xaysomboun đã quan tâm chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng và hoàn thành Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam; đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công nhân viên Công ty Hữu nghị 206, Quân khu 5, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, vất vả, làm việc với tất cả tình cảm thiêng liêng của mình đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống và để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam giao cho, qua đó góp phần vào việc vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Công ty Hữu nghị 206 Phạm Anh Tuấn cho biết, công trình Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam được xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam trị giá 4.478.691.000 kíp Lào (tương đương 12 tỷ đồng) dành tặng Chính phủ Lào, sau 5 tháng triển khai, công ty đã hoàn thành theo tiến độ, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.
Trao đổi với báo chí Việt Nam tại buổi lễ, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào Tào Văn Thái cho biết, địa điểm xây dựng Đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Lào-Việt trước đây là nghĩa trang của bộ đội sư đoàn 324. Nơi đây quân dân tỉnh Xaysomboun đã sát cánh cùng bộ đội sư đoàn 324 của Việt Nam chiến đấu vẻ vang và giành nhiều thắng lợi trước đây.
Tại buổi lễ, Đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Xaysomboun đã trao Bằng khen cho 10 cá nhân là cán bộ chiến sĩ Công ty Hữu nghị 206, đơn vị thi công xây dựng công trình vì những đóng góp tích cực để Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam được đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam nằm ở trung tâm thị xã Anuvong, tỉnh Xaysomboun, có tổng diện tích 4.300 m2, gồm khu trung tâm tượng đài có diện tích 2.600 m2, bãi đỗ xe và nhà điều hành có diện tích 1.700 m2 và các công trình phụ trợ chiếu sáng, cấp thoát nước khác. Trong đó, khu trung tâm tượng đài gồm nhiều hạng mục như: tượng đài chính cao 11 m; hai tượng chiến sĩ cao 3,2 m nằm ở giữa sân trung tâm; hai bức phù điêu đặt ở hai bên tượng đài chính, thể hiện liên minh của giai cấp công nông trong đấu tranh kháng chiến giành độc lập dân tộc, cùng với bộ đội chủ lực tổng tiến công giành chiến thắng... .
Sau lễ khánh thành và bàn giao Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam tại tỉnh Xaysomboun cho chính quyền tỉnh Xaysomboun, Thượng tướng Vilay Lakhamphong, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào Tào Văn Thái cùng các đại biểu đã viếng, đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam tỉnh Xaysomboun.
Nguồn: Nhân Dân
|
Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017
Khai mạc triển lãm “Campuchia-Vương quốc văn hóa” tại Hà Nội
Các sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của Vương quốc Campuchia được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Triển lãm “Campuchia-Vương quốc văn hóa” đã được khai mạc vào chiều 8/11, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam-Hà Nội.Đây là hoạt động nằm trong Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam năm 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (1967-2017), góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Đến dự và cắt băng khai mạc triển lãm có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên; Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia Khim Sarith, Đại sứ Đặc mệnh toàn quốc Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Prak Nguon Hong...
Triển lãm “Campuchia-Vương quốc văn hóa” giới thiệu đến nhân dân Việt Nam sự đa dạng của văn hóa Campuchia qua những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vẻ đẹp thiên nhiên và sự ấm áp của người dân Campuchia.
Thông qua triển lãm, công chúng Việt Nam biết thêm về những nét đặc trưng văn hóa đã nổi tiếng trên toàn thế giới của Campuchia như đền Angkor Wat, đền Preah Vihear, Sambo Prei Kok, điệu múa Khmer…
Những di sản này hầu như đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng một số hiện vật văn hóa, nghệ thuật như nhạc cụ (trống, các loại sáo), mặt nạ...
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phương Hòa nêu rõ: Với nền tảng quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời giữa Việt Nam-Campuchia, các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa là nền tảng thúc đẩy sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước.
Các chương trình văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam-Campuchia trong đó có Tuần văn hóa đã trở thành hoạt động truyền thống của hai nước, làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt quan hệ tình cảm giữa nhân dân hai nước.
Ông Hap Touch, Tổng cục trưởng kỹ thuật văn hóa, Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia tin tưởng rằng: Triển lãm “Campuchia-Vương quốc văn hóa” không chỉ giới thiệu về vẻ đẹp, con người của Campuchia mà còn góp phần chia sẻ sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Việc tổ chức triển lãm cũng góp phần quan trọng phát triển quan hệ hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia giai đoạn 2018-2023 vừa được ký kết.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam sẽ có 32 nghệ sỹ của Đoàn nghệ thuật Vương quốc Campuchia biểu diễn tại Hà Nội vào tối 8/11 và Quảng Ninh vào tối 10/11 tới.
Trong chương trình nghệ thuật này, công chúng Việt Nam sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục múa, hát đặc sắc. Trong đó có múa "Robam Phlethay Makara Dance" là một trong những điệu múa truyền thống nổi tiếng của Campuchia.
Điệu múa mang tính tín ngưỡng, biểu tượng của nước, lửa và gió, gợi nhớ về chiến thắng của hải quân Khmer trong thời kỳ Angkor.
Hàng năm, điệu múa này được biểu diễn cho hoàng gia, hoàng hậu và nữ hoàng tại các bữa tiệc trong hoàng cung, cung điện chùa Chàm, hoặc trong ngày cuối của lễ hội nước.
Đặc biệt, tiết mục kết thúc chương trình nghệ thuật sẽ là “Múa cờ hữu nghị,” thể hiện tình hữu nghị giữa Campuchia và Việt Nam./.
Nguon: VN plus
Campuchia mít tinh chào mừng 64 năm ngày độc lập
Sáng nay, Campuchia tổ chức lễ mít tinh chào mừng 64 năm ngày giành được độc lập từ thực dân Pháp (9/11/1953 - 9/11/2017).
Lễ mít tinh có sự tham dự của Quốc vương Sihamoni cùng các cán bộ cấp cao trong Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ.
Campuchia là quốc gia bị thực dân Pháp đô hộ 90 năm, đến năm 1953, Campuchia mới được độc lập. Người dân Campuchia luôn ghi nhớ công ơn to lớn của cố Quốc vương Sihanouk, người đã có nhiều công lao trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giành được độc lập cho đất nước. Trong lúc đang hàn gắn lại vết thương chiến tranh, Campuchia lại tiếp tục cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot. Ở thời điểm đó, 100% người dân Campuchia sống ở mức nghèo.
Đến nay nhờ có sự lãnh đạo của Chính phủ, Campuchia đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều trên thế giới. Các công trình cơ sở hạ tầng như điện thắp sáng, giao thông, trường học và bệnh viện đã và đang đua nhau mọc lên. Từ nhiều năm qua, Campuchia đạt mức tăng trưởng 7%. Ðến nay, Campuchia có quan hệ thương mại với hơn 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời tiếp tục thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với các nước lớn, các đối tác phát triển, tăng cường hợp tác với các nước láng giềng./.
Nguon: VOV
Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachit gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Được tin cơn bão số 12 (Damrey) vừa qua, gây lũ quét, ngập lụt, làm thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản cho nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachit đã gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bức điện có đoạn viết: “Tôi rất đau buồn và lo lắng khi biết tin cơn bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào Việt Nam hồi đầu tháng 11/2017 vừa qua gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân Việt Nam, nhất là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Thay mặt Đảng, Chính phủ, nhân dân Lào và nhân danh cá nhân, tôi xin bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc tới đồng chí và qua đồng chí tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em, đặc biệt là chính quyền các địa phương và các hộ gia đình bị thiệt hại lần này.
Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ Việt Nam từ Trung ương tới địa phương, nhân dân Việt Nam anh em sẽ vượt qua khó khăn và sớm ổn định cuộc sống của người dân tại vùng bị ảnh hưởng thiên tai”.
Nguon: Chinh Phu
Tăng cường tuyên truyền kiến thức về biên giới Việt - Lào
Đó là chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Linh - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác biên giới Việt Nam - Lào được tổ chức vào sáng 8/11 tại tỉnh Hà Tĩnh.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, các sở, ban, ngành liên quan, các huyện biên giới Việt-Lào. Đoàn Nghệ An do đồng chí Kha Văn Tám - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. |
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin về tình hình biên giới, tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên giới, nội dung chính của hai văn kiện pháp lý rất quan trọng, đó là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào vừa có hiệu lực cũng như các hiệp định, thỏa thuận liên quan biên giới của hai nước.
Hàng chục người gánh cột mốc lên vị trí cắm mốc tại Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có đường biên dài 2.337,459 km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Cộng hòa DCND Lào.
Từ tháng 5/2008, Việt Nam - Lào triển khai kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới theo hướng chính xác, hiện đại, bền vững và thống nhất trên toàn tuyến. Qua đó, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
Với sự nỗ lực của 2 nước, đến 9/2013, công tác tăng dày, tôn tạo hoàn thành. Toàn tuyến hiện có tổng số 792 vị trí tương đương với 834 cột mốc, ngoài ra hai bên cắm bổ sung 29 cọc dấu tương đương với 27 vị trí cọc dấu.
Hoàn thành tăng dày tôn tạo mốc quốc giới đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Lào vì một đường biên giới chung giữa 2 nước hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; là tiền đề để hai nước ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác biên giới trong tình hình mới; ngăn ngừa có hiệu quả hiện tượng xâm nhập canh, xâm nhập cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới và cũng là cơ hội để mỗi nước phát triển kinh tế - xã hội vùng biên...
Đồng chí Phạm Văn Linh - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cảnh Nam |
Trong phần tham luận tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn trong việc hoàn thành việc phân mốc quốc giới. Vì thế, để nâng cao nhận thức của người dân đối với chủ trương của Trung ương; tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân khu vực biên giới, làm hạt nhân để tạo sự đồng thuận trong xã hội, thống nhất cao trong công tác bảo vệ và quản lý biên giới...
Muốn vậy, đồng chí Phạm Văn Linh yêu cầu các tỉnh có chung đường biên giới nói riêng, các tỉnh lân cận và cả nước phải chủ động định hướng, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phải dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Làm sao để người dân hiểu được tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, có một không hai đó bắt nguồn từ sự gần gũi về địa lý, sự sẻ chia về lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung, sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay. Cùng đó, có thêm những chính sách ưu tiên cho vùng biên, cụ thể là ưu tiên về dự án dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội...
Nghệ An có chung đường biên giới chiều dài 419,5 km với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay, Lào. Tuyến biên giới này được tăng dày, tôn tạo 105 vị trí với 116 mốc giới, 44 cọc dấu; trong đó tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Xiêng Khoảng tăng dày, tôn tạo 27 vị trí với 36 mốc; tuyến Bôlykhămxay 39 vị trí, 39 mốc và tuyến Hủa Phăn 39 vị trí, 41 mốc. Đến năm 2013, công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới trên địa bàn tỉnh hoàn thành cơ bản kế hoạch đề ra.
|
Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017
Tuần tra song phương trên biên giới Việt Nam - Campuchia
Ngày 6-11, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Sông Tiền, BĐBP An Giang và Đại đội 3, Trung đoàn 601, BĐBP Campuchia đã phối hợp tổ chức tuần tra chung từ mốc 241 đến mốc 86 trên biên giới Việt Nam - Campuchia.
Hai bên đã tiến hành kiểm tra đường biên, cột mốc, tổ chức vệ sinh, phát quang xung quang khu vực mốc biên giới 241 và trao đổi về tình hình địa bàn biên giới, thống nhất đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm các hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới.
Hai cũng thống nhất sẽ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ hơn trong ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm qua biên giới. Trước mắt, đẩy nhanh việc tổ chức ký kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị”.
Qua kiểm tra, ác mốc giới, cọc dấu và đường biên giới còn nguyên hiện trạng, đúng vị trí. Kết thúc tuần tra, hai bên tổ chức rút kinh nghiệm, ký biên bản chung và bàn giao công tác chủ trì, thời gian, quân số cho lần tuần tra song phương tiếp theo.
Nguồn: Biên Phòng
Campuchia áp dụng công nghệ nano siêu hiện đại vào nông nghiệp
GroGenesis - công ty công nghệ nông nghiệp toàn cầu, tuần trước đã công bố việc ký kết chính thức một thoả thuận phân phối với công ty Curewel International tại Phnom Penh.
Thoả thuận sẽ cho phép Curewel International phân phối sản phẩm AgraBurst PRO-một công nghệ nano siêu hiện đại ở Campuchia, Lào, Sri Lanka và Việt Nam.
Sandeep Majumdar, chủ tịch và giám đốc điều hành Curewel International, cho biết công ty ông hài lòng đối tác với GroGenesis phân phối AgraBurst PRO trong vùng. “Tôi có một niềm đam mê thực sự trong việc tạo ra sự khác biệt đáng kể cho đất nước tôi và cho vùng Đông Nam Á, nơi mà nhiều người dân đeo đuổi nghề nông để mưu sinh, có mức thu nhập đủ mua nhu yếu phẩm cũng như các sản phẩm tiêu dùng theo ý thích”, ông nói. “Bất kỳ sự cải thiện nào về lợi tức đầu tư đều chảy vào nền kinh tế quốc gia. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tạo ra một tác động quan trọng về nông nghiệp khi đưa AgraBurst PRO đến nông dân và công ty trong vùng”.
AgraBurst PRO là chất gì?
AgraBurst PRO là một chất hoạt động bề mặt dạng nano, phổ rộng, không GMO, hữu cơ, giúp tăng cường khả năng cây trồng sử dụng các dưỡng chất trong phân bón; giảm sử dụng phân. Sản phẩm cải thiện sức sống tự nhiên của các loại cây trồng. Sản phẩm kích thích mạnh mẽ dưỡng chất và nước cây trồng hấp thu.
Giải pháp là một chiết xuất từ thực vật hữu cơ, không độc, không chứa chất gây ung thư, dễ phân huỷ về mặt sinh học và an toàn khi sử dụng. Ứng dụng của sản phẩm này là làm tăng khả năng tự nhiên để cây trồng hấp thu dưỡng chất qua tán lá và phát triển bộ rễ để hấp thu từ đất. AgraBurst PRO tạo điều kiện vận chuyển nhanh chất dinh dưỡng ở cấp độ tế bào, bằng cách cải thiện quang hợp và tăng cường hấp thu các chất chính từ đất để tăng trưởng: nước, carbohydrate các loại, và khoáng.
Sản phẩm này là một dẫn xuất tăng cường hoàn toàn tự nhiên giúp cho cây thẩm thấu trực tiếp nước và dưỡng chất qua bộ lá. Cơ chế hoạt động này tiết kiệm chi phí từ việc ít dùng phân bón hơn. AgraBurst PRO là một công thức tạo ra sự trao đổi ion chuyển các dưỡng chất của NPK và các nguyên tố vi lượng, bằng cách làm giảm độ căng và độ nhớt bề mặt trong chất carbohydrate thực vật, tạo ra một con đường tự nhiên để tiếp dẫn dưỡng chất các carbohydrate qua bộ lá, cành và rễ với năng lượng tối thiểu.
Sản phẩm làm cho những đặc tính hoạt động bề mặt tự nhiên của bộ lá tăng lên, cho phép hấp thụ nhanh hơn và hiệu quả hơn ánh sáng, nước và dưỡng chất ở cấp độ tế bào. Trong hợp chất cũng có một chất diệt cỏ tự nhiên.
Việc tối ưu hoá độ hấp thụ của cây trồng còn giúp kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại, nông dân có thể tối thiểu hoá chi phí đầu vào, giảm nguy cơ độc hại cho nhân công và cung cấp thực phẩm lành mạnh cho các gia đình nông dân và người tiêu dùng.
Đẩy nhanh tăng trưởng bằng nông nghiệp
Tại một hội nghị về phân phối toàn cầu ở Phnom Penh, Campuchia, Richard Kamolvathin, CEO của GroGenesis, đã có bài phát biểu “Đẩy nhanh tăng trưởng GDP qua nông nghiệp” trước 150 cử toạ. Đó là những nhà phân phối, tiểu phân phối từ chín nước Nam Á – Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Sri Lanka, và Việt Nam, hai nước Nam Mỹ – Colombia và Peru, và một nhà phân phối từ Thuỵ Sĩ tham gia diễn đàn.
Theo ông, những nước nông nghiệp có thể tạo ra sự đóng góp đáng kể cho GDP, khi có khả năng tối ưu hoá hiệu quả và khuyến khích trồng trọt hữu cơ.
Kamolvathin nói: “Tất cả các nước đều có các thách thức trong việc tăng GDP. Nhưng những nước trọng nông nghiệp có một cơ hội duy nhất để đẩy mạnh đáng kể tốc độ tăng GDP, bằng cách giúp cho các nông dân trở thành những nhà quản lý đất đai giỏi, đồng thời tăng năng suất cây trồng của họ với chi phí đầu vào hiệu quả. Cải thiện đời sống của nông dân bằng cách ứng dụng việc sử dụng các chất bón cây trồng an toàn, giúp tăng thu nhập cho các nông hộ là một nhiệm vụ lõi của GroGenesis”.
GroGenesis là một công ty Mỹ tại Sioux Falls, bang Dakota Nam. Sản phẩm lõi của công ty là AgraBurst PRO.
Nguồn: Kiến Thức
Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017
Rong chơi ở Vang Viêng
Sau một hành trình dài gần 30 tiếng trên xe từ Siem Riep, Campuchia, tôi cũng đến được Vang Vieng, Lào. Vang Vieng là một thị trấn nhỏ xinh xắn và là một điểm dừng chân đầy thú vị trong hành trình khám phá nước Lào của tôi.
Ở bến xe Viêng Chăn
Sau khi xe đưa tôi đến Bến xe Viêng Chăn của Lào, tôi phải tiếp tục mua vé xe đi Vang Vieng ở đây. Một số tài xế xe minibus ra mời chào tôi mua vé đi Vang Vieng với giá 150 kip. Tôi im lặng rồi đi thẳng vào trong nhà ga tìm những văn phòng bán vé để hỏi mua vé. Họ nói với tôi “Phòng vé trong bến xe không bán vé đi Vang Vieng. Muốn đi Vang Vieng bạn có thể mua trực tiếp ở tài xế bên ngoài với giá 50 kip”.
Sau khi đã nắm được giá đúng, tôi tự tin đi ra ngoài trả giá để mua vé đi Vang Vieng. Những tài xế vẫn ra giá 150 kip. Tôi nói “50 kip”, và họ gật đầu trong vòng một nốt nhạc.
Vẻ đẹp yên bình của Vang Vieng
Chúng tôi lên đến Vang Viêng thì cũng đã 2 giờ chiều. Lúc mới xuống xe đi trên con đường chính, tôi không có ấn tượng nhiều với Vang Vieng. Lúc đó những gì hiện ra trước mắt tôi chỉ là nhà cửa lộn xộn, đường sá bụi bặm, trời nắng gắt cùng không khí oi bức khó chịu... Thế nhưng, sau khi nhận phòng cất đồ đạc xong, đi ra thuê xe đạp khám phá Vang Vieng thì tôi mới bắt đầu dần dần nhận ra vẻ đẹp và sự thú vị ở đây.
Vang Vieng có một địa hình rất lý tưởng đó là “lưng tựa núi mặt nhìn sông”. Những đám mây trắng sà xuống bao phủ những dãy núi chập chùng, nhấp nhô soi mình xuống dòng Nam Song. Phía xa xa là những cánh đồng xanh thẳm. Thị trấn nhỏ bé này vừa ẩn chứa trong mình nét hoang sơ lại vừa là một thị trấn vô cùng yên bình.
Vang Vieng ngập tràn du khách, nhất là Tây ba lô vì nơi này giá cả rẻ hơn Luang Prabang và có nhiều trò thám hiểm, mạo hiểm cho du khách ba lô thích khám phá. Không có những nhà hàng 5 sao sang trọng, cũng chẳng có những resort đắt tiền. Vang Vieng có nhiều quán ăn nhỏ mang phong cách phương tây phóng khoáng. Những nhà trọ giá rẻ, khách sạn bình dân, quán bar dân dã... có mặt khắp nơi. Chỉ với dòng sông và những ngọn núi ấy mà người Lào đã biết tạo cho Vang Vieng một tên tuổi vững vàng trên các trang web, tạp chí du lịch danh tiếng để rồi du khách khắp nơi ai đến Lào cũng phải ghé qua đây và lắm kẻ trong đó có tôi đã mê mẩn Vang Vieng.
Trải nghiệm “đặc sản” Vang Vieng
Vang Vieng thu hút du khách với những trò chơi trên sông tưởng chừng rất bình thường nhưng lại là đặc sản rất nổi tiếng đầy thú vị.
Có rất nhiều tour một ngày trải nghiệm các trò chơi thú vị ở Vang Vieng cho các bạn lựa chọn như bay cùng khinh khí cầu, chèo kayak, trượt zipline, chơi tubing, blue lagoon... Bạn có thể đi một vòng quanh khu phố Tây sẽ thấy tràn ngập các văn phòng bán tour du lịch một ngày và vé xe. Riêng tôi, tôi chọn cho mình một tour “full day” với 220.000 kip (gần 600.000 đồng, giá đã mặc cả) để trải nghiệm các hoạt động: trượt zipline, chèo kayak, ăn trưa, tubing khám phá hang động và vui chơi ở hồ blue lagoon - một hồ xanh nổi tiếng ở Vang Vieng. Tuy nhiên vì có quá nhiều du khách đến bơi mà giờ blue lagoon được truyền miệng với một cái tên mới khá hay là “brown lagoon”. Ai cũng nói trong tương lai cái hồ xanh xinh xinh này có thể trở thành hồ nâu xinh đẹp và đằm thắm.
Sáng hôm sau, xe tuk tuk bán tải đến đón chúng tôi đi đến điểm tập trung để bắt đầu hành trình chèo kayak trên sông Nam Song. Chèo thuyền kayak thực sự rất vui, nhưng cũng rất mỏi tay. Người nào cao to, tay khỏe, chèo có lực sẽ được ngồi phía sau để tạo lực chèo cho thuyền chạy nhanh chậm; còn người nào nhỏ con, tay yếu thì ngồi đầu thuyền để dẫn dắt con thuyền.
Cảnh vật trên sông cứ thay đổi theo từng đoạn. Có đoạn ngẩng lên chỉ thấy chóp núi chắn mây trời, có đoạn thì cả bụi tre sà sát xuống nước như trong Ngọa Hổ Tàng Long. Đoạn sông này cũng đặc biệt, nước màu nâu đục, có đoạn thì sóng đập dữ dội, có đoạn cuộn xoáy, đoạn êm ru,… nhưng hóa ra rớt xuống mới biết sông chỉ cạn đến đầu gối chứ chẳng nguy hiểm gì.
Sau 7 km chèo kayak mỏi rã rời, chúng tôi cũng đến một bìa rừng có zipline. Tại đây chúng tôi được mặc đầy đủ trang thiết bị với mê hồn trận dây dợ để đảm bảo an toàn. Chơi trò này, bạn sẽ không xuống đất trong vòng 1 tiếng, mà sẽ được bay từ cây này qua cây kia, cảm giác rất giống như tarzan. Trượt tới đường thứ bảy tám gì đó thì bạn sẽ được bay với tốc độ như trong phim kiếm hiệp. Cảm giác lao đi vun vút trong không khí, băng qua những cánh rừng thật sự rất thú vị.
Khi hoàng hôn buông xuống, Vang Vieng nhỏ bé, bình yên trở nên nhộn nhịp, sầm uất với khu phố Tây. Du khách có thể tìm mua đủ thứ hàng hóa, quà lưu niệm, hay bất cứ dịch vụ gì tại đây với mức giá hợp lý và khám phá văn hóa của người dân bản địa qua những món ăn dân dã.
Dẫu mỗi ngày có vô số du khách đến rồi cũng có vô số khách đi… nhưng Vang Vieng không xô bồ lộn xộn mà vẫn cứ yên ả, thanh thản như cuộc sống thường nhật của phố núi quê mùa.
Nguồn: Thanh niên
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)