Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Khởi công xây dựng chợ biên giới kiểu mẫu Việt Nam - Campuchia

Chợ biên giới kiểu mẫu Campuchia – Việt Nam được xây dựng trên diện tích hơn 20.000 m2, kinh phí xây dựng khoảng 2 triệu USD.

Sáng 16/1, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak và Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh đồng chủ trì lễ khởi công xây dựng chợ biên giới kiểu mẫu đầu tiên tại cửa khẩu Đa, huyện Me Mot, tỉnh Tbung Khmum, Campuchia, giáp cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh của Việt Nam. ​
Chợ biên giới kiểu mẫu Campuchia – Việt Nam được xây dựng trên diện tích hơn 20.000 m2, kinh phí xây dựng khoảng 2 triệu USD, do Chính phủ Việt Nam viện trợ không hoàn lại. Đây là chủ trương của Chính phủ hai nước Việt Nam – Campuchia để thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, nâng cao đời sống cư dân biên giới giữa hai nước. ​
Việt Nam – Campuchia có đường biên giới chung hơn 1.000 km, có 10 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương chính thức và 36 cửa khẩu song phương bổ sung cùng hàng trăm đường mòn, lối mở.
Việc xây dựng chợ biên giới sẽ giúp cho trao đổi, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia được hiệu quả cao hơn. ​Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 28% so năm 2016. Hai nước đang hướng đến kim ngạch thương mại 5 tỷ USD trong thời gian ngắn sắp tới.
Nguồn: VTV

Campuchia lo sợ trước dòng tiền Trung Quốc?

Campuchia ngày càng xa rời nguồn viện trợ từ các nước phương Tây, thay vào đó dần chuyển hướng mạnh mẽ sang nguồn viện trợ từ Trung Quốc.

Hậu quả tiêu cực
Ngày 11/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia. Nhân chuyến thăm, Campuchia và Trung Quốc đã ký 19 thỏa thuận hợp tác song phương.
Ngay sau chuyến thăm, tờ Phnom Penh Post đã có bài phân tích bày tỏ hoài nghi về các khoản viện trợ của Trung Quốc.
Bài viết có tựa đề: “Các nhà phân tích cho rằng viện trợ của Trung Quốc vẫn có những hậu quả tiêu cực”.
Campuchia lo so truoc dong tien Trung Quoc?
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Theo đó, trong những năm gần đây, Campuchia ngày càng xa rời nguồn viện trợ từ các nước phương Tây, thay vào đó dần chuyển hướng mạnh mẽ sang nguồn viện trợ từ Trung Quốc bởi viện trợ của Bắc Kinh không đi kèm điều kiện.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cắt nguồn viện trợ dành cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) để phản ứng lại việc bắt giữ lãnh đạo đảng đối lập và giải thể đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP), chính đảng đối lập lớn nhất tại Campuchia.
Mỹ cũng đã ra quy định cấm cấp thị thực đối với gia đình và các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Campuchia.
Trong khi đó, Trung Quốc đã ủng hộ cho những “nỗ lực của Campuchia để bảo vệ sự ổn định chính trị” và công khai tuyên bố về việc cung cấp viện trợ cho NEC và Trung tâm Rà phá Bom mìn Campuchia (CMAC).
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhanh chóng bày tỏ sự vui mừng và cho rằng Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đã để lại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng viện trợ của Trung Quốc có thể là con dao hai lưỡi.
Campuchia lo so truoc dong tien Trung Quoc?
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến thăm một nhà máy mía đường do Trung Quốc đầu tư xây dựng tại Preah Vihear
Theo giới quan sát, cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương có thể sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ các dự án thủy điện trong khu vực, trong khi từ chối tham gia Ủy hội sông Mekong.
Tiến sỹ Bill Laurance, một nhà sinh thái có uy tín làm việc tại trường Đại học James Cook (Australia), từng viết trong một bài báo hồi tháng 3/2017 rằng “sự phát triển quốc gia tất nhiên là gắn với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, và nhiều quốc gia thực sự đang hưởng lợi từ sự đầu tư của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đáng tiếc là hiếm có công ty và nhà đầu tư nào của Trung Quốc thực sự đóng góp vào việc phát triển kinh tế, xã hội, công nghệ song hành với bảo vệ môi trường bền vững, cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế ổn định và lâu dài”.
Ông Laurance và một nhóm nhà khoa học đang tiến hành các nghiên cứu tại hơn 20 quốc gia ở Châu Á, châu Mỹ Latinh và Châu Phi, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại và tác động to lớn cho môi trường khu vực.
Theo ông Laurance, “hầu hết các doanh nhân Trung Quốc chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của họ. Họ sống và làm việc cùng nhau, và đa phần là họ thuê chính nhân viên người Trung Quốc của họ chứ ít khi thuê người dân địa phương”.
Nguồn: Đất Việt

Việt Nam - Lào cùng xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, phát triển

Ngày 16/1, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư quân Uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã đến chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith tiếp Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: Phạm Kiên (P/v TTXVN tại Lào)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith chào mừng Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đến thăm chính thức Lào; đánh giá chuyến thăm của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
   
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào đánh giá cao kết quả hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng, nhấn mạnh rằng hợp tác quốc phòng giữa hai nước là mối quan hệ đặc biệt của đặc biệt, chỉ có quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam mới làm được như vậy; khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Quốc phòng Lào thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nội dung hợp tác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith nhấn mạnh, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng đường biên giới hoà bình hữu nghị, phát triển đồng thời phối hợp, hợp tác tốt để cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực biên giới.
  
Nhắc lại chuyến thăm chính thức Việt Nam và tổng kết lại các hoạt động của Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam hồi tháng 12-2017 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam anh em đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các dân tộc Lào trước đây cũng như trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay.
    
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và tình cảm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith dành cho Đoàn, đồng thời chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Lào, coi việc giúp bạn là tự giúp mình.
     
Báo cáo về hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong năm 2017, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết hai bên đã đạt được nhiều kết quả vượt ngoài mong đợi, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống; hợp tác đào tạo, trao đổi đoàn; tăng cường giao lưu biên giới, quản lý biên giới…
    
Trước đó, vào chiều 15/1, lễ đón Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cùng đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Chansamone Chanyalath chủ trì đã diễn ra trọng thể tại Bộ Quốc phòng Lào. Ngay sau lễ đón, hai Bộ trưởng đã tiến hành hội đàm.       
Quang cảnh lễ đón Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: Phạm Kiên (P/v TTXVN tại Lào)
Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath hoan nghênh chuyến thăm của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam và cho rằng chuyến thăm sẽ tiếp thêm động lực mới, tạo sự đột phá trong quan hệ quốc phòng, góp phần củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào; đồng thời khẳng định Lào hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam.
     
Về phần mình, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh chuyến thăm của đoàn diễn ra vào những ngày đầu năm mới ngay sau khi hai nước vừa kết thúc nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm "Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017", vì vậy có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới đưa quan hệ quốc phòng hai nước ngày càng đi vào chiều sâu.
      
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Chansamone Chanyalath đánh giá, trong năm 2017, các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng hai nước đã phối hợp nhịp nhàng, nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc và hoàn thành các nội dung kế hoạch đề ra.
     
Hai bên đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Đặc biệt, “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào-Việt Nam 2017” đã thực sự tạo sức lan toả rộng lớn trong các cơ quan, đơn vị quân đội cũng như nhân dân hai nước với những hoạt động kỷ niệm, các cuộc gặp mặt, cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào.

Việc tổ chức tuyên truyền và giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, về mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, hiếm có Việt Nam – Lào.
   
Cùng với đó, công tác đào tạo và tập huấn cán bộ giữa quân đội hai nước ngày càng có hiệu quả. Quan hệ phối hợp, hợp tác giữa các đơn vị giáp biên tiếp tục được củng cố và tăng cường, theo đó hợp tác quản lý, bảo vệ biên giới có bước phát triển mới về nội dung và hình thức hợp tác, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ.
   
Về phương hướng hợp tác năm 2018, hai bên khẳng định, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào luôn được xác định là một trong những trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước.

Để hợp tác có hiệu quả và đi vào chiều sâu hơn nữa, nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội hai nước, hai Bộ trưởng thống nhất việc tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đôn đốc, giám sát trong việc triển khai các nội dung Kế hoạch hợp tác năm 2018 và các thỏa thuận cấp cao, chú trọng tới hiệu quả thực chất, nhất là trong đào tạo, huấn luyện, coi đây là vấn đề có lợi ích chiến lược lâu dài của hai nước.
   
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Chansamone Chanyalath cũng nhất trí cho rằng, hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm về công tác Đảng, công tác chính trị; chú trọng công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền về tình hữu nghị giữa hai nước, hai Quân đội.

Đặc biệt, cần phổ biến rộng rãi các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về Tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào nhân “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017”; hoàn thành giai đoạn 2 việc xây dựng Tượng đài “Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt-Lào” tại tỉnh Saysomboun.  
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Chansamone Chanyalath, Bộ trưởng Quốc phòng Lào ký kết hợp tác năm 2018. Ảnh: Phạm Kiên (P/v TTXVN tại Lào)
Hai Bộ trưởng cho rằng, trong năm 2018, quân đội hai nước cũng cần tiếp tục tăng cường công tác trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình, âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực đối lập, thù địch; tăng cường hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới, trong đó chú trọng và mở rộng giao lưu cấp tỉnh.
 
Năm 2019 sẽ là năm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Lào. Hai Bộ trưởng thống nhất hợp tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm và giao cho các cơ quan liên quan của hai bên phối hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động.
  
Sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Chansamone Chanyalath đã ký Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng năm 2018.
 
Cũng trong thời gian ở thăm Lào, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã đến thăm cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 11 Bộ Quốc phòng đang làm nhiệm vụ thi công xây dựng tòa nhà Quốc hội mới của Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em.
Nguồn: Tin Tức

Lào dự định bán thêm điện cho Myanmar

Lào sẽ cung cấp điện cho Myanmar thông qua hệ thống truyền tải điện miền Bắc và kế hoạch này dự định sẽ khởi động vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Theo nhật báo Vientiane Times, Chánh Văn phòng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Daovong Phonekeo cho hay Lào và Myanmar dự kiến sẽ ký một Bản Ghi nhớ (MoU) trong tuần này, việc mở đường cho các quan chức Myanmar khởi động một nghiên cứu tính khả thi về vấn đề liên quan. 

Chánh Văn phòng Daovong cho biết "Myanmar muốn mua khoảng 100-200 MW điện", song con số cụ thể sẽ phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu về tính khả thi của nước láng giềng. Dự kiến, phía Lào sẽ cung cấp điện cho Myanmar thông qua hệ thống truyền tải điện miền Bắc và kế hoạch này dự định sẽ khởi động vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. 

Với tiềm năng lớn về thủy điện, Lào đang sở hữu 46 nhà máy điện với công suất thiết kế 6.757 MW và sản lượng điện đạt 35.608 GWh/năm. Quốc gia này này dự kiến nâng sản lượng điện lên 10.000 MW vào năm 2020 và 20.000 MW vào năm 2030, cao hơn rất nhiều so với nhu cầu trong nước.
Hiện Lào đang bán cho Myanmar khoảng 4-5 MW điện. Hồi tháng Chín, Lào đã ký một thỏa thuận ba bên với Thái Lan và Malaysia để bán cho Malaysia 100 MW điện và sử dụng mạng lưới truyền tải điện của Thái Lan. Thỏa thuận bán điện này sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1/8/2018. 

Tin tức cho hay Lào và Myanmar đã ký kết ba bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong các lĩnh vực điện lực, khoa học công nghệ và phòng chống tham nhũng.
Lễ ký kết diễn ra tối 15/1 trước sự chứng kiến của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, người đã tới Nay Pyi Taw ngày 15/1 bắt đầu chuyến thăm chính thức Myanmar theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà U Htin Kyaw. Đây là chuyến thăm mới nhất của một lãnh đạo cấp cao Lào tới Myanmar trong vòng hơn một năm qua kể từ chuyến thăm của Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachitch vào tháng 8/2016. 

Trong chuyến thăm lần này, ông Sisoulith đã hội đàm với Tổng thống U Htin Kyaw để thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác và quan hệ hữu nghị song phương, hòa bình và an ninh khu vực cũng như quốc tế, hợp tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hợp tác kinh tế và phát triển xã hội.
Thủ tướng Lào cũng có cuộc gặp riêng rẽ với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương, thúc đẩy thương mại và đầu tư, du lịch và giao thông, giáo dục, điện lực và năng lượng cũng như các chiến dịch chống buôn người và chống lạm dụng ma túy tại biên giới hai quốc gia. 

Có chung 230 km đường biên giới, Lào và Myanmar thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 7/1955. Cả hai quốc gia đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 1997. Theo các số liệu chính thức, kim ngạch thương mại giữa Myanmar và Lào vẫn duy trì ở mức thấp so với những quốc gia láng giềng khác.
Nguồn: Bnew

Lào phát triển các đặc khu kinh tế

Chính phủ Lào đang chú trọng phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ) với mục tiêu tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào vừa công bố một kế hoạch, theo đó các nhà máy tại các đặc khu kinh tế này được kỳ vọng sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm trong năm 2018. 

Đặc khu kinh tế Savan-Seno tại tỉnh Savannakhet của Lào có kế hoạch thu hút 20 nhà đầu tư mới trong năm nay, với hoạt động kinh doanh dự kiến sẽ tạo ra 3.000 việc làm cho người dân Lào. Trong khi đó, đặc khu kinh tế Boten tại tỉnh Luang Namtha dự kiến thu hút thêm hơn 40 công ty và tạo ra 700 việc làm. 

Hiện nay số lao động người Lào làm việc tại các SEZ ít hơn con số quy định trong Luật Lao động. Một trong những nguyên nhân là do các nhà đầu tư nước ngoài cần lao động có tay nghề, mà Lào không có những lao động này, do đó họ buộc phải tuyển lao động nước ngoài. 

Hiện có khoảng 352 công ty trong và ngoài nước đang hoạt động kinh doanh tại SEZ, với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD. Lượng việc làm được kiến tạo tại đây đạt 14.699, trong đó các công ty tuyển dụng 7.564 lao động người Lào, số còn lại là lao động nước ngoài. 

Trong một phát biểu mới đây, chuyên gia Leeber Leebouapao từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào nhận định rằng tăng trưởng kinh tế Lào có thể đạt 7% trong năm 2018, song “đất nước triệu voi” cần thúc đẩy các dự án lớn.
Lào đang tiến hành xây dựng các dự án lớn như tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, dự án thủy điện Xayaboury, phát triển các đặc khu kinh tế và các dự án khác liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng.
Nguồn: Bnew

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị cấp cao Mê Công - Lan Thương lần thứ 2

Tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Mê Công - Lan Thương 2018 (lần thứ 2) tổ chức tại Campuchia vào ngày 10/1/2018.
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương Quốc Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công – Lan Thương lần thứ hai được tổ chức ngày 10/1/2018 tại Phnôm-pênh, Cam-pu-chia.
Ngày 23/3/2016, tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất.
Cũng giống như Cộng đồng ASEAN, Hợp tác Mê Công – Lan Thương cũng tập trung vào ba trụ cột chính gồm chính trị, an ninh, kinh tế và các vấn đề văn hóa, xã hội. Năm lĩnh vực hợp tác gồm kết nối, thúc đẩy năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế, quản lý nguồn nước và nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương tuân thủ theo tinh thần “mở” và “bao trùm”, bổ sung cho các cơ chế hợp tác tiểu khu vực hiện hành như Tiểu vùng Mê Công, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và Ủy hội sông Mê Công quốc tế; đồng thời cũng góp phần vào việc thực hiện sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Các quốc gia Mê Công chia sẻ một tầm nhìn, đó là xây dựng một cộng đồng tương lai hòa bình và thịnh vượng chung.
Tuy nhiên, vẫn còn có sự thiếu hiểu biết giữa các chủ thể khu vực về những điều cần làm để thực hiện tầm nhìn này. Vì vậy, việc xây dựng một lộ trình rõ ràng để cụ thể hóa các dự án hợp tác Mê Công – Lan Thương là một bước đi quan trọng tiếp theo. Việc xây dựng năng lực thể chế, tiếp tục các cải cách và phát triển nguồn nhân lực là các động lực chính. Chủ đề sẽ được bàn thảo đến tại hội nghị tới sẽ liên quan đến những thành tựu và thách thức của việc thực hiện hợp tác Mê Công – Lan Thương, tính bổ sung giữa hợp tác Mê Công – Lan Thương với các cơ chế hợp tác khác của khu vực và vai trò của Ban thư ký quốc gia về hợp tác Mê Công – Lan Thương.
Bốn vấn đề nên được xem xét trong hợp tác Mê Công – Lan Thương: (i) Các nước thành viên Mê Công – Lan Thương cần bổ sung thêm lĩnh vực quản lý tốt vào trọng tâm điều phối chính sách và xây dựng thể chế; (ii) Hợp tác hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm cần phải được thúc đẩy hơn nữa, điều đó sẽ giúp thu hẹp sự bất bình đẳng về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo hòa bình và phát triển bền vững lâu dài; (iii) Khái niệm kết nối cần được mở rộng hơn bao gồm cả lĩnh vực an ninh, chẳng hạn an ninh nguồn nước, năng lượng, lượng thực, biến đổi khí hậu; (iv) Cần có chiến lược kết nối hợp tác Mê Công – Lan Thương với các sáng kiến hợp tác khu vực khác. Ví dụ, liên quan đến quản lý nguồn nước bền vững, hợp tác Mê Công – Lan Thương cần phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mê Công quốc tế để đề ra tiêu chuẩn, nguyên tắc chung về quản lý nguồn nước hợp nhất. Liên quan đến cơ sở hạ tầng, cần phối hợp với hợp tác GMS, Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN và sáng kiến Vành đai, Con đường.
Nguồn: INFONET

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Quốc vương Campuchia chào đón tân Đại sứ Việt Nam

Sáng 4/1, tại thủ đô Phnom Penh, tân Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vũ Quang Minh đã trình Quốc thư lên Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, tại cuộc yết kiến sau khi trình Quốc thư, Đại sứ Vũ Quang Minh đã chuyển lời thăm hỏi, lời chào và chúc sức khỏe của các lãnh đạo Việt Nam tới Quốc vương và Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk; đồng thời cảm ơn về sự quan tâm và tình cảm của Quốc vương dành cho nhân dân và đất nước Việt Nam cũng như quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Đại sứ Vũ Quang Minh nhắc lại lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Quốc vương và Hoàng Thái hậu sang thăm chính thức Việt Nam. Hai bên cũng nhắc lại kỷ niệm về chuyến thăm nghỉ dưỡng Việt Nam của Quốc vương vào tháng 10/2015 mà Đại sứ đã có dịp tháp tùng.
  
Quốc vương Norodom Sihamoni cảm ơn và gửi lời thăm hỏi các lãnh đạo Việt Nam; cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mời thăm chính thức và cho biết sẽ cố gắng thăm Việt Nam sớm, thời gian cụ thể sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.

Quốc vương chúc mừng Đại sứ Vũ Quang Minh được chỉ định làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia; bày tỏ tin tưởng Đại sứ sẽ có một nhiệm kỳ thành công, có nhiều đóng góp cho sự phát triển quan hệ song phương Việt Nam – Campuchia.
  
Nhân dịp này, Đại sứ Vũ Quang Minh cũng đã báo cáo Quốc vương Norodom Sihamoni về những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực như trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, an ninh – quốc phòng, thương mại – đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch,…; bày tỏ mong muốn Quốc vương sẽ tiếp tục quan tâm tới những thần dân Campuchia gốc Việt, sớm tạo điều kiện để những người dân này có vị thế hợp pháp và có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của xã hội Campuchia.

Đại sứ cũng bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo và trị vì sáng suốt của Quốc vương, nhân dân và đất nước Campuchia sẽ tiếp tục phát triển phồn vinh, đất nước hòa bình, ổn định; quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia tiếp tục được củng cố và phát triển mạnh mẽ.

Đại sứ đã chia sẻ những ưu tiên hoạt động trong nhiệm kỳ đại sứ của mình, bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của Quốc vương.
   
Đại sứ Vũ Quang Minh từng là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland từ năm 2011 – 2014. Đại sứ Vũ Quang Minh được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền tại Vương quốc Campuchia từ tháng 5/2017 và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 11/2017.
Nguồn: Tin tức

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chuẩn bị thăm Campuchia

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo Tân hoa xã, ngày 4/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thông báo Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường sẽ tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Sông Lan Thương-Mekong (LMC) lần thứ 2, và có chuyến thăm chính thức tới Campuchia từ ngày 10-11/1. 

Theo ông Cảnh, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đồng chủ tọa hội nghị trên với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. 

Trong cuộc họp này, các lãnh đạo đến từ Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam sẽ xem xét tiến triển đạt được trong cơ chế hợp tác tiểu vùng này, và thảo luận hợp tác trong tương lai. 

Về chuyến thăm chính thức, ông Lý sẽ hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, và hội đàm với ông Hun Sen nhằm thúc đẩy hợp tác song phương./. 
Nguồn: VN plus

Campuchia cấm nhập khẩu và bán sản phẩm sữa trẻ em do Lactalis của Pháp sản xuất

Cơ quan phòng chống gian lận và thanh tra xuất - nhập khẩu Campuchia, hay còn gọi là Camcontrol, ngày 3/1 ra thông báo cấm nhập khẩu và bán sản phẩm sữa trẻ em do Lactalis của Pháp sản xuất.
Cơ quan phòng chống gian lận và thanh tra xuất - nhập khẩu Campuchia, hay còn gọi là Camcontrol, ngày 3/1 ra thông báo cấm nhập khẩu và bán sản phẩm sữa trẻ em do Lactalis của Pháp sản xuất, sau đợt thu hồi sản phẩm trên toàn cầu của tập đoàn này hồi tháng trước do những lo ngại về nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella. 

Camcontrol cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh của các thương hiệu Milumel và Picot.
Bên cạnh đó, Camcontrol cũng đã thông báo với các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ về các sản phẩm bị cấm và theo dõi sát thị trường nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm này không được bày bán. 

Tập đoàn Lactalis đứng thứ hai trong ngành công nghiệp sữa thế giới, đứng đầu châu Âu về các sản phẩm sữa và phô mai.
Ngày 10/12, Lactalis ban đầu đưa ra thông báo thu hồi trên toàn thế giới với lượng sản phẩm lên tới gần 7.000 tấn sữa do lo ngại sản phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Tiếp theo, ngày 21/12 vừa qua, tập đoàn này tiếp tục mở rộng diện thu hồi, nâng số sản phẩm bị thu hồi lên hơn gấp đôi.
Quyết định thu hồi của Lactalis được đưa ra sau khi xảy ra 26 trường hợp trẻ nhiễm bệnh tại Pháp đầu tháng 12/2017. 

Các triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm tiêu chảy nặng, đau bụng, buồn nôn và đau sốt, gây ra bởi một loại vi khuẩn đường ruột truyền từ gia súc. Khuẩn Salmonella gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và người già vì nguy cơ mất nước. 

Với nhiều nhãn hiệu sữa nổi tiếng như sữa Celia, Picot, bơ President, ... Lactalis có doanh thu lên tới 17 tỷ euro (tương đương 20 tỷ USD) trong năm 2015./.
Nguồn: Bnew

Lượng gạo xuất khẩu năm 2017 của Campuchia tăng hơn 17%


Kiểm tra chất lượng gạo tại một nhà máy xay xát ở thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: Báo Bưu điện Phnom Penh).
Theo số liệu mới công bố của Ban Thư ký Dịch vụ xuất khẩu gạo một cửa Campuchia, nước này đã xuất khẩu hơn 635 nghìn tấn gạo trong cả năm 2017, tăng 17,3% so năm 2016.
Gạo Campuchia được xuất khẩu sang 63 quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất vẫn là sang thị trường Trung Quốc với gần 200 nghìn tấn, tăng 31,4% so năm 2016, tiếp đến là tới Pháp với hơn 77 nghìn tấn, tăng 12%, Ba Lan với hơn 44 nghìn tấn, tăng gần 7% và Malaysia hơn 38 nghìn tấn.
Như vậy, Campuchia đã xuất khẩu gần đạt hết mức hạn ngạch 200 nghìn tấn sang thị trường Trung Quốc trong năm 2017. Năm nay, mức hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc dành cho Campuchia là 300 nghìn tấn.
Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, việc thiếu các cơ sở dự trữ lúa gạo và máy sấy lúa là thách thức chủ yếu đối với Campuchia trong việc mua lúa của nông dân với khối lượng lớn, do vậy cần tăng cường đầu tư để khắc phục hạn chế này, góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu gạo.
Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) Sok Puthyvuth cho biết, ngành lúa gạo Campuchia cũng đang phải đối mặt với những khó khăn khác như giá điện và chi phí sản xuất cao, hệ thống tưới tiêu, cơ sở hạ tầng vận tải và dịch vụ hậu cần còn yếu kém.
Campuchia có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Diện tích canh tác lúa mùa mưa của nước này chiếm hơn 80% tổng diện tích trồng lúa, do hệ thống thủy lợi kém phát triển. Những năm gần đây, tổng diện tích trồng lúa của nước này đạt khoảng ba triệu ha, chiếm gần 85% diện tích đất canh tác nông nghiệp, cho sản lượng thóc khoảng chín triệu tấn. Gần 70% trong tổng số 15 triệu dân nước này là nông dân, trong đó có khoảng hai triệu nông dân trồng lúa.
Nguồn: Nhân Dân

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào

Chiều 4/1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp đồng chí Khamphanh Sit Thi Dampha, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân tối cao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đang ở thăm Việt Nam theo lời mời của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Chánh án Khamphanh Sit Thi Dampha sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng, gìn giữ và phát triển mối quan hệ đồng chí, anh em đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Tòa án nhân dân tối cao hai nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, hệ thống tòa án có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người ở mỗi quốc gia.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào Khamphanh Sit Thi Dampha đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, mối quan hệ đồng chí, anh em giữa Việt Nam và Lào đã hình thành và phát triển từ lâu đời. Trong suốt thời kỳ hai dân tộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất, mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa hai dân tộc Việt - Lào đã có những chuyển biến mới về chất và ngày càng phát triển.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vui mừng khi thấy, trên tinh thần Thỏa thuận hợp tác đã ký vào năm 2008, Tòa án nhân dân tối cao hai nước thường xuyên trao đổi đoàn công tác các cấp, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp, xét xử, đẩy mạnh hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, hợp tác đào tạo cán bộ... Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu mà hệ thống Tòa án nhân dân Lào đã đạt được trong quá trình cải cách và phát triển trong thời gian qua.

Nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam và Lào đang triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội lần thứ X Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam và Lào tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác nhằm mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực cho cả hai hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam và Lào, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mỗi nước cũng như thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Để Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam và Lào hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Tòa án hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp theo hướng ngày càng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Trên tinh thần này, Chủ tịch nước cho rằng sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giữa Tòa án nhân dân tối cao hai nước có vai trò rất quan trọng.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Tòa án nhân dân tối cao Lào được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam; đồng chí Chánh án, các đồng chí lãnh đạo, các đơn vị của Tòa án nhân dân tối cao Lào được trao tặng các phần thưởng cao quý khác.

Qua đồng chí Chánh án Khamphanh Sit Thi Dampha, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chuyển lời thăm hỏi, chúc sức khỏe đến đồng chí Bounnhang Vorachith, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào anh em.

Đồng chí Chánh án Khamphanh Sit Thi Dampha trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành thời gian tiếp đoàn và có những đánh giá tốt đẹp về kết quả các lĩnh vực hợp tác Lào - Việt thời gian qua nói chung, giữa Tòa án nhân dân tối cao hai nước nói riêng.

Báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nội dung chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân tối cao Lào, đồng chí Chánh án Khamphanh Sit Thi Dampha cho biết, thời gian qua, hệ thống Tòa án hai nước thường xuyên triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp, qua đó hai bên chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công tác tư pháp, xét xử của tòa án, tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác khác. Tại cuộc hội đàm vào sáng 4/1, hai bên đã tổng kết những kết quả hợp tác thời gian qua, thống nhất kế hoạch triển khai hợp tác năm 2018 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2017 đã kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều hoạt động hợp tác phong phú. Hòa chung bầu không khí của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, ngành Tòa án Lào và Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhận thức về mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo tiền bối gây dựng, vun đắp và phát huy, truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Đồng chí Chánh án Khamphanh Sit Thi Dampha trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quyết định trao tặng những phần thưởng cao quý cho Tòa án nhân dân tối cao Lào; khẳng định đây là phần thưởng vô giá đối với ngành Tòa án Lào đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Tòa án nhân dân tối cao Lào.

Chiều 4/1, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào Khamphanh Sit Thi Dampha. Nhân dịp năm mới 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc Chánh án Khamphanh Sit Thi Dampha và các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân tối cao Lào lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công; khẳng định Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ngành Tòa án hai nước.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào Khamphanh Sit Thi cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp đoàn, chuyển lời hỏi thăm và lời chúc tốt đẹp của Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào Kham Phanh Sit Thi Dam Pha. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Tại cuộc tiếp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào đã thông báo kết quả hội đàm diễn ra sáng cùng ngày giữa hai ngành Tòa án hai nước và phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Tại hội đàm, hai bên đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2017 vừa qua. Chánh án Khamphanh Sit Thi Dampha bày tỏ sự cảm ơn chân thành và sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trong đó có Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã luôn dành cho Toà án nhân dân tối cao Lào sự giúp đỡ chí tình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác giữa ngành Tòa án hai nước; đồng thời cho rằng, kết quả đó sẽ góp phần tô thắm thêm quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào. Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hệ thống Tòa án hai nước tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác nhằm mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực cho cả hai hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam và Lào, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia.

Cụ thể, hai bên cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong bối cảnh nền tư pháp và pháp luật Việt Nam đang có những cải cách sâu rộng; tiếp tục trao đổi đoàn và trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn song song với việc đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó là thúc đẩy quan hệ giữa các tòa án chuyên trách và các tòa án địa phương giữa hai nước.

Điểm qua những kết quả nổi bật trong quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời thăm hỏi và mong sớm đón Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou sang tham dự Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 1/2018 tại Hà Nội.
Nguồn: Tin Tức

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Khai giảng lớp nghiệp vụ Khoá 2- 2017 cho cán bộ y tế Bộ Nội vụ Campuchia

Sáng 3-1, Bệnh viện 30-4, Bộ Công an đã tổ chức lễ Khai giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ y tế ( Khoá 2-2017) cho đoàn cán bộ Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia.
Tham dự lớp Khai giảng có Trung tướng Ksor Nham, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật- Bộ công an, Đại tướng Chea Nareth, Cục trưởng Cục Y tế Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia cùng toàn thể ban lãnh đạo và tập thể giảng viên, bác sĩ tham gia khoá tập huấn của Bệnh viện 30-4.
 Tại buổi lễ, Trung tướng Ksor Nham đã gửi lời chúc sức khoẻ tới các vị lãnh đạo của Cục Y tế- Bộ nội vụ Vương quốc Campuchia, các bác sĩ, điều dưỡng nước bạn được cử đi học tập đợt này; đồng thời gửi gắm niềm tin tưởng tới đội ngũ giảng viên, bác sĩ của Bệnh viện 30-4 với kinh nghiệm nhiều năm trong Chuyên môn và tâm huyết sẽ tổ chức được đợt tập huấn nghiệp vụ cho các bác sĩ nước bạn một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt là sẽ có những chương trình thực hành chu đáo, giúp các học viên nắm bắt được hiệu quả để kết thúc khoá học về lại quê nhà sẽ ứng dụng tự tin chuyên môn vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân Campuchia.        
Trung tướng Kso Nham đón nhận quà lưu niệm từ Đại tướng Chea Nareth.
Tập thể lãnh đạo Bệnh viện và giảng viên tham gia khoá tập huấn chụp hình lưu niệm với đoàn cán bộ Y tế Campuchia

Thiếu tướng Tống Mạnh Chinh - Giám đốc Bệnh viện 30-4 cho biết, trong đợt này sẽ tập trung chuyên sâu về kinh nghiệm khám, tầm soát cũng như kĩ thuật điều trị trong Chuyên khoa Mắt. Đợt này có 10 cán bộ, y bác sĩ và điều dưỡng nước bạn tham gia. Thời gian trong 3 tháng sẽ cố gắng truyền đạt cho các học viên nắm bắt một cách dễ hiểu nhất để có thể tự tin khi về nước thực hiện được chuyên môn cơ bản trong chuyên khoa Mắt.
Thiếu tướng Tống Mạnh Chinh đón nhận quà lưu niệm từ đại tướng Chea Nareth 
Trung tướng Kso Nham phát biểu tại buổi lễ khai giảng.
 Thay mặt cho Cục Y tế-Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, Đại tướng Chea Nareth đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Trung tướng Kso Nham, đồng thời đã đánh giá, trong các đợt học trước đều có kết quả rất tốt. Vừa qua, Bệnh viện 30-4 cũng đã hỗ trợ cả tiền và kèm theo nhiều trang thiết bị quan trọng trang bị cho Phòng Cấp cứu của Bệnh viện 16-5-Bộ Nội vụ Campuchia. 
Đại tướng Chea Nareth nhận định, đây là những sự giúp đỡ vô cùng to lớn  với Bệnh viện 16-5-Bộ nội vụ Campuchia, xây dựng và củng cố thêm tình cảm hữu nghị anh em giữa 2 nước Việt Nam-Campuchia thêm bền chặt.
Đại tướng Chea Nareth cũng đã gửi những lời cám ơn chân thành nhất tới Chính phủ, Đảng, Nhà nước, và Bộ Công an Việt Nam, Ban Giám đốc Bệnh viện 30-4 đã tạo mọi điều kiện cho đoàn được học tập, bồi dưỡng chuyên môn trong Y khoa, để ngày càng phục vụ tốt hơn trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ y tế Bộ Nội vụ và người dân campuchia.
Nguồn: CAND

Lào và Trung Quốc ký Hiệp định hợp tác Dự án nguồn vốn đặc biệt

Tờ Pathetlao của Thông tấn xã Lào số ra ngày 3/1 cho biết Chính phủ Lào và Chính phủ Trung Quốc đã ký Hiệp định hợp tác Dự án nguồn vốn đặc biệt.

Ngày 2/1, tại thủ đô V​ientiane diễn ra Lễ ký Hiệp định hợp tác Dự án nguồn vốn đặc biệt giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Khamphau Onthavan và Đại sứ Trung Quốc tại Lào, ông Wang Wentian.

Tham dự và chứng kiến lễ ký kết có đại diện các bộ, ban, ngành của Lào và các bên liên quan.

Hiệp định hợp tác Dự án nguồn vốn đặc biệt giữa chính phủ Lào và chính phủ Trung Quốc nằm trong khuôn khổ Hợp tác sông Mekong-Lan Thương có tổng trị giá 3​,5 triệu USD, với tổng cộng 13 dự án thuộc các bộ ngành của Lào.

Hiệp định hợp tác Dự án nguồn vốn đặc biệt giữa chính phủ Lào và chính phủ Trung Quốc được triển khai theo kết quả Hội nghị lãnh đạo các quốc gia Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, cũng như tuyên bố hiệp định của khuôn khổ hợp tác sông Mekong-Lan Thương.

​Việc ký Hiệp định hợp tác Dự án nguồn vốn đặc biệt Lào-Trung Quốc để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện 13 dự án của năm bộ/ban, ngành của Lào gồm: dự án đối phó với việc rò rỉ dầu trong khu vực bến cảng của Bộ Công chính và Vận tải Lào; dự án xây dựng năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến của Bộ Công Thương Lào; dự án kiểm tra chất lượng nguồn nước quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào.

Bên cạnh đó còn có dự án diễn đàn hợp tác sông Mekong-Lan Thương vì sự phát triển bền vững đối với công việc thuộc lĩnh vực ICT của Bộ Bưu chính, Viễn thông và Thông tin Lào; dự án tập huấn về công tác đăng ký hộ khẩu và hệ thống thống kê của sáu nước trong khu vực sông Mekong của Bộ Nội vụ Lào và một số dự án khác.

Lễ ký Hiệp định hợp tác Dự án nguồn vốn đặc biệt Lào-Trung Quốc lần này diễn ra trước khi Hội nghị lãnh đạo các nước sông Mekong-Lan Thương lần thứ hai sẽ được tổ chức từ 10-11/1 tới, tại Phnom Penh của Campuchia./.
Nguồn: VN plus

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Campuchia thu hơn 100 triệu USD từ bán vé tham quan đền Angkor

Năm 2017 vừa qua, thu nhập Campuchia từ bán vé cho du khách tham quan Ngôi đền Angkor đạt hơn 100 triệu USD, tăng tới 72% so với năm 2016.
Báo cáo của Ban quản lý Ngôi đền cho biết, Đền Angkor là di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1992. Từ đó đến nay, ngôi đền luôn được Chính phủ Campuchia quan tâm đầu tư trùng tu ngày càng hoàn thiện hơn.
campuchia thu hon 100 trieu usd tu ban ve tham quan den angkor hinh 1
Quần thể ngôi đền Angkor ở tỉnh Siem Reap.
Năm 2017 mặc dù Ban quản lý ngôi đền đã tăng giá vé bán cho du khách nước ngoài nhưng lượng khách vẫn tăng lên; trung bình hàng năm quần thể ngôi đền đón được khoảng 2,5 triệu khách du lịch nước ngoài, đó là chưa kể khách trong nước, mang lại ngoại tệ hàng trăm triệu USD. Đây là nguồn thu nhập lớn cho Campuchia.
Hiện nay Ngôi đền Angkor ở tỉnh Siem Reap là cố đô của Campuchia vẫn đang được Chính phủ Campuchia đầu tư trùng tu để phục hồi lại nguyên vẹn bản gốc của ngôi đền, phục vụ ngày càng tốt hơn du khách và các nhà khoa học đến tham quan và nghiên cứu khoa học./.
Nguồn: VOV

Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat

Thành phố Xiêm Riệp, Campuchia là vùng đất của các di tích, đền đài cổ kính, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Khơ-me. Nếu bạn và gia đình có dự định đi du lịch vào dịp Tết Dương lịch này thì đây sẽ là một sự lựa chọn thú vị.
Quần thể Angkor là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Campuchia và cũng là niềm tự hào của người dân đất nước Chùa Tháp. Được xây dựng vào thời gian đầu của thế kỉ 12 (giữa những năm 1113 và năm 1150) Angkor Wat là tượng đài tôn giáo lớn nhất trên thế giới.
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
Quang cảnh ngôi đền Angkor Wat ở tỉnh Xiêm Riệp, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 314 km về phía tây bắc
Trong thời điểm xây dựng, đền Angkor là để tưởng nhớ thần Vishnu - một vị thần Hindu, chứ không phải dành cho vị vua hiện tại. Vào khoảng cuối thế kỉ 13, Angkor Wat được chuyển từ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) sang đạo Phật. Ngày nay, đền thờ vẫn còn được các Phật tử sử dụng.
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
Tượng Phật được thờ trong khu vực đền
Angkor Wat được dịch ra nghĩa là “Thành phố của những đền thờ” hay nói ngắn gọn là “Thành phố đền”. Đó là lý do tại sao người ta thấy vô vàn ngôi đền thờ trong quần thể này.
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
Mỗi ô trong quần thể lại là một đền nhỏ
Di tích đền Angkor kéo dài hơn 248 dặm vuông (400 km2), trong đó Đá sa thạch - loại đá được dùng để xây dựng Angkor, có trọng lượng ít nhất là 5 tấn, được vận chuyển từ một mỏ đá cách đó 25 dặm.
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
Gạch Khmer được kết dính với nhau bằng một hỗn hợp không màu, được làm từ thực vật nhưng không phải là vữa
Angkor Wat được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1992. Nơi này trong cả thập kỉ không được ngành du lịch kiểm soát, cũng là nơi bị nạn cướp cổ vật xảy ra. Nhiều pho tượng cổ đã bị chặt đầu để đem bán.
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
 Việc hợp tác quốc tế đã khôi phục lại ngôi đền cũng như ngăn chặn việc phá hủy do cấu trúc công trình không ổn định.
Angkor Wat là lý do chính để hơn 50% lượng khách du lịch quốc tế đến thăm Campuchia, trong đó phần đông là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Người dân Campuchia rất tự hào về công trình kiến trúc của họ và nó đã được đặt lên trên lá cờ của đất nước Campuchia năm 1850.
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
 Hàng năm lượng lớn du khách đến Campuchia chỉ để tham quan Angkor Wat
Ngoài việc tham quan Angkor Wat, các bạn có thể đến chiêm ngưỡng kỳ quan Angkor Thom, cách đó không xa.
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
 Angkor Thom được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 12 dưới triều đại vua Jayavarman VII.
Trung tâm của Angkor Thom là khu đền có tên là Bayon. Nơi đây trông như một rừng đá với hơn 54 ngọn tháp lô nhô, mỗi ngọn tháp đều có gắn bốn mặt tượng Phật quay sang bốn hướng khác nhau với nụ cười trầm tư bí hiểm.
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
Nụ cười Phật tại Bayon vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp
Tuy từng là trung tâm Phật giáo nhưng giờ đây, cả Angkor Wat và Angkor Thom chỉ còn là những khối đá vô tri vô giác, lạnh lẽo, không còn hơi ấm của đạo Phật, của hương hoa, thờ tự..
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
 Sự lạnh lẽo bao trùm toàn bộ khu vực đền Bayon
Bên cạnh đó, bạn nên ghé thăm đền Ta Prohm– nơi nổi tiếng với cây leo khổng lồ đè sập một phần ngôi đền, đã từng được sử dụng để làm bối cảnh quay bộ phim bom tấn “Bí mật ngôi mộ cổ” .
Đầu năm dắt cả gia đình tới Campuchia chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của quần thể Angkor Wat
Trong 7 ngày quay phim ở đó, mỗi ngày đoàn làm phim phải chi trả 10.000 đô la
 - Một chuyến đi tham quan Angkor Wat 3 ngày sẽ tiêu tốn khoảng 60 đô la. Còn một chuyến đi chỉ kéo dài 1 ngày tốn 37 đô la. Bạn có thể thanh toán bằng tiền mặt và thẻ tại quầy vé.
- Ngoài ra, việc di chuyển bằng xe tuk tuk tại Campuchia cũng giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền nhờ vào mặc cả và đi chung với các du khách khác.
- Bạn nên ở tại các hostel hoặc khách sạn gần khu Night Market, từ đó dễ dàng cho việc tìm đồ ăn hoặc nơi giải trí mỗi buổi tối.
Nguồn: Em Đẹp

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào

PGS-TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo  /// Lê Thanh
PGS-TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảoLÊ THANH
Ngày 29.12, tại TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp ĐH Quốc gia Lào tổ chức hội thảo 'Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào trong quá trình hội nhập quốc tế'. 
Hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện dịp kỷ niệm 55 năm hai nước Việt - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2017); 40 năm Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác song phương (1977 - 2017).
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Trong những thập niên gần đây, sự tác động ngày càng mạnh mẽ của toàn cầu hóa và sự phát triển vũ bão của cách mạng khoa học - công nghệ với những thành tựu kỳ diệu của công nghệ thông tin, sinh học, vũ trụ, nano... đã làm biến đổi đời sống của con người, nhất là đời sống văn hóa tinh thần. Vì vậy, cần có nhận thức đúng về biến đổi văn hóa trong thế giới đương đại, từ đó có định hướng đúng cho việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào”.
Nguồn: Thanh Niên