Trước tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa ngày càng tăng tại Campuchia, ngôi trường là sáng kiến của chàng trai 31 tuổi nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Nằm giữa những căn nhà truyền thống và thảm thực vật tươi tốt của hòn đảo nhỏ ở Campuchia, trường Dừa nổi bật với tông màu tươi sáng và đầy cảm hứng. Bên cạnh những kết cấu cần thiết giúp định hình khu phòng học và chống mưa dột, hầu hết mọi phần của ngôi trường đều làm từ rác thải, chủ yếu là nhựa.
Mái che làm từ ly cà phê cũ bao phủ gần hết khoảng sân và vô số chai nhựa màu cắt tỉa cẩn thận thành hình những bông hoa ghép nên lá cờ Campuchia. Vỏ chai bia đem đến ánh sáng lung linh dọc theo các bức tường, giúp ghép thành chậu cây nhỏ hay bồn hoa.
Đây là dự án sáng tạo đầy đam mê của Ouk Vanday, một cựu quản lý khách sạn. Anh từ bỏ cuộc sống làm việc bình thường để bắt đầu dự án giáo dục trẻ em, truyền cảm hứng cho sự thay đổi của đất nước mình.Choáng ngợp trước lượng chất thải nhựa quanh các con sông và đường phố tại Phnom Penh, anh tìm thấy cảm hứng tại đảo Koh Dach, hay còn gọi là đảo Silk, nơi cách không xa thủ đô.
Anh Ouk cho biết: “Ở Campuchia, thậm chí những người có trình độ vẫn vứt rác nhựa mỗi ngày bởi vì họ tiếp thu thói quen này từ cha mẹ. Ngăn chặn điều đó thật không dễ dàng, vậy nên chúng tôi muốn cho mọi người thấy lợi ích khác của nhựa”.
Anh Ouk Vanday dạy trẻ em trên đảo cách sử dụng máy vi tính |
Vào tháng 1/2013, ngôi trường bắt đầu mở cửa chào đón trẻ em sống trên hòn đảo, giúp các bé không phải băng qua sông Mê Kông để đến học thêm tại thành phố.
Tuy không thay thế hoàn toàn hệ thống trường công lập bắt buộc, nhưng trường Dừa vẫn hỗ trợ bổ sung kiến thức cho lũ trẻ, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Với sự giúp đỡ của bảy giáo viên tình nguyện, trường Dừa dạy ba môn học: tiếng Anh, nghiên cứu máy tính và tái chế.
Anh Ouk còn trao “quyền sở hữu” cho 230 học sinh bằng cách cho phép các em góp phần xây dựng những bức tường và giữ ngôi trường luôn sạch sẽ. Trường dừa hoàn toàn đào tạo miễn phí. Các học sinh chỉ cần mang rác thải nhựa từ nhà hoặc cộng đồng đến giúp xây dựng trường, hay đồ chơi để bán quyên tiền cho các hoạt động khác.
Ouk Vanday ước tính chi phí hoạt động của trường chỉ tầm 150 USD mỗi tháng nên không cần tìm nguồn tài trợ từ chính phủ hoặc tổ chức từ thiện khác. Số máy tính đều do mạnh thường quân tặng và anh đang tìm cách lắp đặt những tấm năng lượng mặt trời, nhằm giảm chi phí điện năng.
Anh Ouk thừa nhận dự án này còn quá nhỏ để mang lại kết quả ngay lập tức trên quy mô quốc gia; nhưng không nản lòng, anh quyết tâm mở rộng mô hình này nếu có thể.
Một nhánh nhỏ của Trường dừa sẽ mở ngay tại Vườn quốc gia Kirirom, nơi chưa có ngôi trường công cộng nào hoạt động, trong khi cơ sở tương tự, “trường Cọ” cũng đang thi công ở tỉnh Kampong Speu.
Nguồn: Phụ Nữ online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét