Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị kỹ trước khi đầu tư ra nước ngoài, như Lào và Campuchia, thì có thể sẽ gặp rủi ro về pháp lý, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh cũng như phát sinh những tranh chấp không đáng có.
Rủi ro tiềm ẩn
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) hiện đầu tư 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia với tổng diện tích đăng ký gần 140.000 héc ta, trong đó diện tích đầu tư tại Campuchia chiếm hơn 80%. Đến nay, tập đoàn này đã trồng được khoảng gần 117.000 héc ta cao su với số vốn thực hiện gần 19.000 tỉ đồng, diện tích cao su đưa vào khai thác gần 13.000 héc ta.
VRG là một trong những công ty đầu tiên của Việt Nam sang đầu tư tại Lào, Campuchia trong lĩnh vực cao su và do là người tiên phong nên tập đoàn này cũng nếm đủ khó khăn và thậm chí là phải trả giá bằng những khoản tiền lớn. Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư nông nghiệp tại hai quốc gia láng giềng, ông Phạm Văn Thành, Trưởng ban Kế hoạch đầu tư của VRG, cho hay Lào và Campuchia đang trong quá trình hoàn thiện chính sách nên có nhiều chính sách thay đổi và không rõ ràng với doanh nghiệp. Ví dụ, Camphuchia đã thay đổi thời gian tô nhượng từ 90 năm xuống còn 50 năm; hay trong quá trình thực hiện dự án, có những văn bản hợp thức hóa đất của người dân nằm trên phần đất của doanh nghiệp hoặc chính quyền đã giao đất cho doanh nghiệp này nhưng nhiều phần đất lại nằm trên diện tích của doanh nghiệp khác...
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, có những trường hợp mà doanh nghiệp không lường tới. Ví dụ trong quá trình khai hoang có thể phát hiện ra nghĩa trang của người bản xứ, khu rừng thiêng hoặc khu di tích mà trước khi khai hoang doanh nghiệp không hề biết. Điều này có thể làm chậm tiến trình sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư so với kế hoạch ban đầu.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), cho hay PanNature và Oxfam đã thực hiện một cuộc điều tra về hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài và gặp nhiều trường hợp khi doanh nghiệp khai hoang và bồi thường đất cho dân thì có nhiều người dân lại cắm cọc làm hàng rào và nhận là đất của mình do đã mua từ người khác. Để nhanh chóng triển khai dự án, nhiều công ty đã phải bồi thường thêm lần nữa cho mảnh đất đó.
Theo VRG, khó khăn còn ở chỗ lực lượng lao động của Campuchia tại vùng dự án thiếu về số lượng và yếu về chất lượng trong khi theo quy định của Campuchia, nhà đầu tư Việt Nam chỉ được sử dụng 10% lao động Việt Nam để triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, tại Lào và Campuchia, số ngày nghỉ của lao động bản xứ nhiều, một phần vì tính cộng đồng cao. Ví dụ, nếu trong làng có sự kiện gì đó, có thể có hàng trăm lao động nghỉ cùng một lúc trong vài ngày. Việc tuyển lao động chất lượng cao biết được cả tiếng bản xứ và tiếng Việt là vô cùng khó khăn, cho nên, doanh nghiệp muốn đầu tư sang đây phải có một kế hoạch nhân sự thật bài bản mới có thể ứng phó được những khó khăn liên quan tới nguồn lao động.
Bên cạnh những lý do khách quan, còn có nhiều rủi ro do doanh nghiệp gây ra. Thực tế, theo điều tra trên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư nhưng không báo cáo với các cơ quan quản lý, tham tán thương mại, chỉ đến khi phát hiện bị lừa đảo mới liên lạc với các nhà chức trách để kêu cứu, thì lúc đó rất khó hỗ trợ.
Việc lừa đảo thường rất tinh vi và phần lớn thông qua quan hệ cá nhân. Các “cò” dự án thậm chí còn photocopy đầy đủ cả bộ hồ sơ, bản đồ đất đai của dự án để bán lại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều chủ doanh nghiệp nhẹ dạ bỏ ra hàng triệu đô la Mỹ để mua dự án nhưng khi sang tới nơi mới biết dự án không có thật hoặc thuộc sở hữu của đơn vị khác.
Kinh nghiệm và kiến nghị
Ông Thành chia sẻ: ngoài khoản kinh phí dự phòng phải có để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng và thực hiện đánh giá tác động môi trường, các doanh nghiệp khi muốn đầu tư ở Lào, Campuchia cần phải quan tâm tới việc đào tạo người lao động phù hợp, tiếp cận ngôn ngữ nước sở tại. Cần tạo cơ hội cho lao động sở tại thăng tiến để họ gắn bó lâu dài với công ty.
Đối với dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa, không tuyển được lao động tại chỗ thì nên tuyển dụng và xây dựng tốt mối quan hệ với vùng lân cận để tránh phải tuyển lao động quá xa nơi làm việc. Nếu tuyển dụng lao động quá xa sẽ phát sinh các chi phí như xây nhà cho công nhân, xây chùa, chợ, điểm sinh hoạt cộng đồng, cấp gạo hàng tháng...
Theo các doanh nghiệp đã đầu tư tại Lào, Campuchia, việc tiếp cận vốn vay tại Lào, Campuchia gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp, lãi suất cao. Do đó, các doanh nghiệp này kiến nghị nên có cơ chế để doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn trong nước và đem ra nước ngoài đầu tư, có thể thông qua hình thức cho công ty mẹ vay sau đó cho công ty con vay lại.
Bên cạnh đó, khi đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là Lào, Campuchia, nơi đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông tin không minh bạch, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan nhà nước nên có cơ sở dữ liệu về nước sở tại để giúp doanh nghiệp Việt dễ dàng đầu tư hơn.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị hai phía cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định.
Đồng thời, đề nghị phía Campuchia khi xây dựng chính sách mới không được áp dụng hồi tố đối với các dự án đã cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư, phía Campuchia dễ bị các nhà đầu tư kiện ra tòa quốc tế.
Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng và xem xét việc miễn thị thực cho lao động nước ngoài sang làm việc cho các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia.
Tính đến nay, có gần 1.200 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 21,4 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, thị trường tiếp nhận chủ yếu là Lào (hơn 5 tỉ đô la Mỹ); Campuchia (gần 3 tỉ đô la Mỹ) và một số quốc gia khác như Nga, châu Phi...
Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông - lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh... Đây là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, có thể hợp tác với Lào, Campuchia...
Trong các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp tại Lào và Campuchia, chủ yếu là các dự án đầu tư trồng cao su. Hiện Việt Nam có 72 dự án đầu tư trồng cao su, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỉ đô la Mỹ.
Nguồn: Sài Gòn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét