Bao sự sống đã thoát thai từ tuyệt vọng lẫn khao khát tưởng chừng không thể có. Những tiếng chào, cái chắp tay cảm tạ ân nghĩa thay cho ngôn ngữ bất đồng.
Lớn dần theo năm tháng, mang trong mình dòng máu nghĩa tình chất ngất, 42 tuổi, cái tuổi của người đủ lớn để thấy yêu thương chính là bệ phóng làm nên tầm vóc, đó là Sài Gòn - TP.HCM.
Cũng chừng ấy năm, tấm lòng của người dân TP.HCM sẻ chia, tận tụy và truyền lửa cho bao nhiêu người, bao nhiêu vùng đất, vượt ra khỏi cột mốc biên giới…
Bác sĩ Việt Nam khám cho bệnh nhân Campuchia tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh |
Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người bệnh được khám và điều trị bởi Bác sĩ (BS) Việt Nam ngay trên quê nhà, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy-Phnom Penh còn là nơi để thầy thuốc hai nước trao đổi chuyên môn, để nhân dân hai đất nước vốn rất gần gũi và ân tình san sẻ những nỗi niềm.
Chợ Rẫy tại “nhà”
Cách đây khoảng 10 năm, khi tham gia các khóa học thuộc chương trình Imaging Our Mekong dành cho các nhà báo tiểu vùng sông Mê Kông, chúng tôi đã nghe các đồng nghiệp Campuchia tỏ ý thán phục trình độ y tế của Việt Nam.
Đặc biệt, Lach Chantha - biên tập viên một đài phát thanh truyền hình ở Phnom Penh, còn cho biết một thông tin khá thú vị, hễ mắc bệnh là y như rằng người dân Campuchia nghĩ ngay đến hai chữ “Chợ Rẫy”, cứ như “Chợ Rẫy” có nghĩa là “bệnh viện”.
10 năm sau, đề cập lại câu chuyện của Lach Chantha, BS Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy TP.HCM, nửa đùa, nửa thật: “Họ tín nhiệm mình như một tín ngưỡng”. Theo thống kê của BV, từ năm 2003 số bệnh nhân (BN) Campuchia đến Chợ Rẫy chữa bệnh tăng đều hằng năm; trung bình năm sau gấp đôi năm trước.
Công bằng mà nói, nhiều BV khác tại TP.HCM cũng có sức thu hút BN Campuchia vì viện phí nhìn chung rẻ hơn so với các nước lân cận; việc đi lại cũng dễ dàng, người Việt thân thiện, dễ tiếp xúc hơn.
Tuy nhiên, bám vào các BV lớn ở TP.HCM là nhiều đường dây móc BN từ Phnom Penh sang Việt Nam chữa bệnh, với chi phí cho một chuyến đi tối thiểu 2 ngày 1 đêm lên đến khoảng 250-300 USD/người, bao gồm xe đưa đón, ăn uống, khách sạn, thông dịch.
Tình trạng này ít nhiều đã gây bất lợi cho người bệnh. Năm 2014, BV Chợ Rẫy có khoảng 2.000 BN nước ngoài đến khám và điều trị, trong đó người Campuchia chiếm đến hơn 55%. Con số thực tế, theo BS Việt, còn cao hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này, đã có một đổi thay lớn. Ngày 13/1/2014, ngay tại thủ đô Phnom Penh, một BV Chợ Rẫy thực thụ chính thức vận hành, giúp người bệnh Campuchia chỉ cần “bước một bước” là tới…
Việt Nam chữa bệnh. Trước đó, căn cứ nhu cầu của người dân Campuchia, lãnh đạo hai nước đã đưa ra chủ trương xây dựng một BV Việt Nam tại thủ đô của xứ Chùa Tháp. Dự án BV Chợ Rẫy - Phnom Penh được khởi công tháng 5/2010, là công trình hợp tác đầu tư đầu tiên trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Campuchia. Dự án được giao cho TP.HCM thực hiện, cùng với “thương hiệu” Chợ Rẫy của TP.HCM.
Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh |
Thành quả của tình nghĩa anh em
Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã dự lễ khánh thành BV, ghi nhận những thành quả trong hợp tác, đầu tư giữa hai nước, đặc biệt giữa hai TP kết nghĩa TP.HCM - Phnom Penh.
BS Việt cho biết, khi được Trung ương giao, lãnh đạo TP.HCM đã thành lập Công ty Đầu tư y tế Sài Gòn, là đơn vị hình thành từ tám doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP, phối hợp cùng BV Chợ Rẫy thực hiện dự án. Phía bạn, Tập đoàn Sokimex là đơn vị tham gia góp vốn, hình thành Liên danh Chợ Rẫy - Phnom Penh để xây dựng BV.
Giai đoạn 1 có tổng đầu tư khoảng 40 triệu USD cho 200 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn II sẽ mở rộng thêm 300 giường. BV Chợ Rẫy - Phnom Penh có đầy đủ các chuyên khoa gồm nội, ngoại, sản, nhi, cấp cứu, khu khám bệnh điều trị ngoại trú, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm v.v...
Hơn ba năm đi vào hoạt động, BV đã dần đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị cho BN Campuchia với chất lượng cao, trực tiếp bởi đội ngũ y BS uy tín từ BV Chợ Rẫy sang. BV còn có khoảng 100 BS, điều dưỡng người Campuchia được đào tạo tại BV Chợ Rẫy trước khi dự án hình thành.
Cùng với việc đáp ứng nhu cầu được khám và điều trị bởi BS Việt Nam ngay trên quê nhà của người bệnh, BV còn là nơi để thầy thuốc hai nước chia sẻ chuyên môn, cập nhật những kiến thức y khoa mới nhất; nơi người dân hai nước cùng nhau sẻ chia những nỗi niềm và ân tình.
Chào nhau kiểu nhà Phật
Trong một lần trở lại Phnom Penh, chúng tôi may mắn gặp được BS Phạm Xuân Lãnh - chuyên khoa nội thần kinh - đang khám cho BN tại BV Chợ Rẫy - Phnom Penh. BS Lãnh tốt nghiệp y khoa năm 2008 và đậu ngay vào nội trú, phục vụ tại BV Chợ Rẫy TP.HCM. Anh là một trong những người đầu tiên có mặt tại Campuchia khi Chợ Rẫy - Phnom Penh chính thức vận hành.
Theo BS Lãnh, lượng BN khám ngoại trú tại Chợ Rẫy - Phnom Penh ở mức 250-300 BN/ngày. Lượng bệnh nội trú trung bình 100 BN/ngày. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, vị BS trẻ vừa chắp tay chào một BN mới vào bàn khám theo kiểu nhà Phật. BN Campuchia này cũng chắp tay đáp lại. “Ở đây phong tục là như thế, rất hay. Lúc đầu còn quên, giờ quen rồi, có khi về Việt Nam cũng làm vậy”, Lãnh lại cười.
Trước đây người bệnh có tâm lý phải đi Việt Nam chữa bệnh, giờ thì đã không cần đi nữa, vì ngày càng tin tưởng vào BV, bởi những ca phải can thiệp phẫu thuật đều do chuyên gia Việt Nam làm. “Lúc mình mới qua, nhìn mặt BS non choẹt, có những trường hợp cần làm kỹ thuật chuyên sâu lại phải yêu cầu TP.HCM thực hiện, nên có BN đã… nghi ngờ khả năng chuyên môn của mình.
Nhưng, thật bất ngờ, khi BN đó qua Chợ Rẫy TP.HCM, lại gặp đúng lúc tôi về bên đó khám bệnh, chuyển lên khoa lại gặp tôi. Chưa hết, khi tái khám tại Phnom Penh, ông BN ấy cũng “rơi vào tay” tôi.
Từ đó ông ấy không nghi ngờ nữa, lại còn “quảng cáo” với nhiều người bệnh khác là khỏi cần qua Việt Nam, cứ đến gặp BS Lãnh Phnom Penh. Lúc khỏi bệnh, ổng mang bao nhiêu là trái cây ở quê lên tặng BS”, Lãnh kể.
Xa nhà, nhớ gia đình ghê gớm nhưng bù lại, các nhân viên y tế Việt Nam phục vụ tại Campuchia có được những trải nghiệm về tình đồng đội, nghĩa quốc gia nhiều hơn. Trong giai đoạn nhiều nhóm quá khích nổi lên biểu tình chống Việt Nam, dữ dội nhất vào năm 2015, nhờ BV được bảo vệ an ninh rất tốt, nên các BS, điều dưỡng Việt Nam cứ ở trong BV mà nghe ngóng tình hình. Chính các đồng nghiệp và BN Campuchia làm họ an lòng. Người dân thì bảo “đừng quan tâm”, đồng nghiệp giải thích “chỉ là thiểu số cực đoan kích động”.
Cũng không thiếu những trận cười ra trò vì bất đồng ngôn ngữ khi giao tiếp, khám bệnh. Theo Lãnh, BS Việt Nam rất thích “biểu diễn” vài câu tiếng Khmer với người dân để thân thiện hơn. Ví dụ “sư khờ-pa” là đau đầu, sư có nghĩa là đau. Một lần thấy BN tỏ vẻ đau ở lưng nên Lãnh buột miệng hỏi nửa nạc, nửa mỡ “sư lưng?”.
Thế là cả BN lẫn BS, điều dưỡng Campuchia bò lăn ra cười vì “lưng” trong tiếng Khmer nghĩa là bộ phận sinh dục nam, trong khi BN đó lại là nữ! Lãnh kể lại mà vẫn không nhịn được cười về kỷ niệm đó.
Nhưng, nét mặt chàng BS trẻ thoáng cái đã chùng hẳn lại khi nhìn những BN nghèo đang chờ đợi đến lượt khám. Anh trầm ngâm nhắc lại câu nói của Marcus Tullius Cicero - triết gia, chính trị gia La Mã: “Không gì khiến con người tiến gần thần linh hơn việc trao sức khỏe cho con người”.
Anh chàng BS trẻ Việt Nam còn nghĩ: “Và những con người, như các BS Việt Nam và người dân Khmer, khi trao sức khỏe thể chất và tâm hồn cho nhau là để hai dân tộc tiến lại gần nhau hơn”.
Rồi BS Lãnh đứng dậy đi về hướng một BN quen đang ngồi. Lúc này, tôi mới nhận ra chàng BS trẻ có dáng đi khập khiễng. “Tôi bị sốt bại liệt hồi nhỏ”, anh nhẹ nhàng giải thích và tiếp tục tiến về phía người bệnh.
Đầu óc tôi bỗng “tua” lại những sự kiện liên quan đến người thanh niên Sài Gòn này. Từ những ngày đầu anh sang Campuchia phục vụ, sau đó thường xuyên trở lại với BN Campuchia… tất cả là trên một đôi chân khiếm khuyết. Đúng là anh đã trao cả sức khỏe thể chất và tâm hồn cho BN, để hai bên xích lại gần nhau hơn.
Nằm cách trung tâm thủ đô Phnom Penh 5km về hướng Nam, BV Chợ Rẫy - Phnom Penh đang phải cạnh tranh gắt gao với các cơ sở y tế của Pháp, Singapore, Thái Lan, Nga, Hàn Quốc…
Lợi thế của BV Việt Nam là viện phí thấp nhất so với các đối thủ. Tuy nhiên, theo BS Việt, điều đó không mang ý nghĩa của lợi thế cạnh tranh thu hút BN.
Khi xây dựng khung giá thấp, mục đích của BV là muốn giúp nhiều người Campuchia khó khăn có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tại chỗ với chất lượng điều trị cao. Hạt nhân để xây dựng BV Chợ Rẫy vẫn là danh hiệu “BV tình thương”.
Nguồn: Phụ nữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét