Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Cần đánh giá lại tác động của dự án thủy điện Pắc - Beng

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo tham vấn dự án thủy điện Pắc - Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Công, diễn ra vào ngày 12/5.

    Cần đánh giá lại tác động của dự án thủy điện Pắc - Beng
    Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TH
    Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, kế hoạch xây dựng công trình đập thủy điện Pắc - Beng trên lãnh thổ Lào là công trình thủy điện thứ 3 sau 2 đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực sông Mê Công (Xayabury và DonSahong). Trong khi ở thượng nguồn Trung Quốc đã hoàn thành bậc thang thủy điện trên sông Lan Thương và Thái Lan đang gấp rút nghiên cứu triển khai các công trình chuyển nước sông Mê Công ở vùng Đông Bắc nước này. Chuỗi đập thủy điện này đã và đang có sự tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái lưu vực, đặc biệt đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam nằm ở cuối nguồn với những ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún, khiến sinh kế của người dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ đe dọa rất đáng quan ngại.

    Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo các địa vùng ĐBSCL có nhiều ý kiến nhận xét về báo cáo đánh tác động của dự án còn thiếu dữ liệu, số liệu. Chưa tính đến tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn của Trung Quốc, chưa đánh giá rõ về động đất, chưa tính đến tác động lũy tích theo không gian và thời gian, cụ thể cần phải làm rõ đánh giá tác động xuyên biên giới và biến đổi khí hậu liên quan, đặc biệt là vùng ĐBSCL hình thành từ trầm tích lâu đời, tác động của thủy điện Pắc - Beng sẽ gia tăng thêm ảnh hưởng tiêu cực đến ĐBSCL.
    Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, số liệu là vấn đề sống còn, đầu vào thế nào thì đầu ra thế đó, nếu số liệu đầu vào không có chất lượng thì đầu ra không có chất lượng và không thể có những giải pháp giảm thiểu tác động cũng như các biện pháp ứng phó cho ĐBSCL một cách phù hợp. Vậy nên đề nghị nước bạn Lào kéo dài thêm thời gian tham vấn, để chủ đầu tư bổ sung đầy đủ các thiếu sót về số liệu, dữ liệu trong báo cáo đánh giá tác động để tính toán những giải pháp giảm thiểu tác động một cách chính xác, đầy đủ, khả thi hơn.
    Toàn cảnh Hội thảo
    Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng trên cơ sở tôn trọng lợi ích giữa các quốc gia, tôn trọng môi trường và sinh kế người dân trong lưu vực chủ đầu tư dự án thủy điện Pắc - Beng cần phải chứng minh đánh giá tác động môi trường trên toàn lưu vực, nhất là cơ chế vận hành của đập Pắc - Beng, tích lũy từ đập này sang đập kia, tích lũy theo thời gian dây chuyền… và các tác động tiêu cực để quản lý tốt nguồn nước sông Mê Công để có giải pháp ứng phó giảm thiểu thiệt hại từ sự tác động của chuỗi đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cho ĐBSCL của Việt Nam.
    Phát biểu kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến của  các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL về  kiến nghị chủ đầu tư dự án thủy điện Pắc - Beng và nước bạn kéo dài thời gian tham vấn để bổ sung thêm các dữ liệu, số liệu đánh giá rõ hơn các tác động trên 7 lĩnh vực cơ bản, như: Thủy văn - thủy lực; phù sa bùn cát; thủy sản, hệ sinh thái; chất lượng nước; kinh tế - xã hội; giao thông thủy; an toàn đập… nhằm quản lý tốt nguồn nước trên sông Mê Công, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái của dòng sông Mê Công vì lợi ích chung của các quốc gia trong lưu vực, đồng thời có giải pháp giảm thiểu tác hại cho ĐBSCL cũng như các quốc gia trong lưu vực và giảm thiểu thiệt hại về hiệu quả kinh tế cho chính chủ đầu tư, là xác đáng.
    “Đây là vấn đề không chỉ riêng của Việt Nam mà của cộng đồng quốc tế, cần có tiếng nói chung. Các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học sẽ được tổng hợp đến Ủy hội sông Mê Công quốc tế để có tiếng nói chung” - Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.
    Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng qua hội thảo này cũng đã đề ra kiến nghị cần đi đến việc xây dựng một kịch bản ứng phó cho ĐBSCL về tác động của chuỗi đập thủy điện đã và sẽ hình thành trên dòng chính sông Mê Công.
    Nguồn: Thanh tra

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét