Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Bộ BCVT Lào đề nghị Bộ TT&TT giúp xây dựng chính sách quản lý chữ ký số

Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông Lào – ông Thansamay Kommasith đề nghị Bộ TT&TT hợp tác, hỗ trợ Bộ Bưu chính Viễn thông Lào trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng Trung tâm chứng thực chữ ký số của Lào.
Đoàn công tác của Bộ Bưu chính Viễn thông Lào sang làm việc tại Trung tâm NEAC vào chiều ngày 21/6/2017. Ảnh: Thái Anh.
Chiều ngày 21/6/2017, đoàn công tác của Bộ Bưu chính Viễn thông Lào do Bộ trưởng Thansamay Kommasith đã tới thăm và làm việc với Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) – đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT.
Sau khi nghe ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm NEAC báo cáo về quá trình hình thành, phát triển và ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ trưởng Thansamay Kommasith đã đánh giá rất cao kết quả đạt được của Bộ TT&TT trong việc xây dựng chính sách cũng như đưa vào ứng dụng chữ ký số vào thực tế tại Việt Nam. Tuy Trung tâm NEAC mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng nội dung về chính sách pháp luật, cũng như triển khai chính sách về chứng thực chữ ký số đi vào cuộc sống đã khá đầy đủ.
Bộ trưởng Thansamay Kommasith đề nghị Bộ TT&TT hợp tác, hỗ trợ Bộ Bưu chính Viễn thông Lào trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để phát triển thị trường chữ ký số, cũng như xây dựng Trung tâm chứng thực chữ ký số của Lào.
Theo đó, hiện nay Bộ Bưu chính Viễn thông Lào đang tập trung đẩy nhanh quá trình xây dựng Nghị định về quản lý chữ ký số, đây là một lĩnh vực rất mới mẻ đối với Lào. Bộ Bưu chính Viễn thông Lào đã giao cho các đơn vị liên quan sang trao đổi với Trung tâm NEAC để tư vấn, đóng góp vào xây dựng dự thảo Nghị định cho Lào.
Bộ trưởng mong muốn Trung tâm NEAC cử các chuyên giao giúp đỡ Bộ Bưu chính Viễn thông Lào sớm hoàn thành các công cụ pháp lý và xây dựng hoàn thiện bộ máy của Trung tâm Chứng thực chữ ký số đầu tiên của Lào. Trước mắt đề nghị NEAC đóng góp ý kiến để Nghị định về quản lý chữ ký số của Lào sớm được ban hành.
Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lào, ông Thansamay Kommasith (bên trái) tặng quà lưu niệm cho ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm NEAC (Bộ TT&TT)
Ông Lã Hoàng Trung cũng chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam khi xây dựng chính sách quản lý chữ ký số, những khó khăn về nhân lực, kinh nghiệm, cũng như kinh phí để triển khai.
Năm 2009, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đầu tiên được cấp phép và đi vào hoạt động là VNPT-CA. Đến năm 2011, thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã phát triển mạnh mẽ với 9 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép. Cho đến nay, có 8 đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chữ ký số.
Chữ ký số hiện được cung cấp gồm có 3 dịch vụ: Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, chữ ký số chuyên dùng trong các tổ chức, doanh nghiệp và chữ ký số cung cấp cho các đơn vị nước ngoài.
Chữ ký số được sử dụng trong các giao dịch điện tử góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật trong ứng dụng chính phủ điện tử, hoạt động thương mại điện tử…
Tính đến nay, đã có tổng cộng 1.782.341 chữ ký số công cộng được cấp, trong đó có 48% chữ ký số đã được dùng, khoảng 43% chữ ký số chưa hoạt động và 9% chữ ký đã bị thu hồi. Chữ ký số được dùng nhiều nhất trong việc khai và nộp thuế, khai báo thủ tục hải quan, khai và nộp bảo hiểm xã hội.
Chữ ký số chuyên dùng cấp cho các cơ quan nhà nước là 39.609, trong đó các bộ, ngành là 20.304 chữ ký số và các tỉnh là 19.305 chữ ký số. Hiện nay các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đang đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch văn bản giữa các cơ quan nhà nước.
Nguồn: ICT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét