Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Hội nghị Tương lai châu Á: Hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia

“Chúng ta vẫn thường nghe về “Giấc mơ Mỹ” hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng dường như trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Miến Điện, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam… còn ít được biết đến” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á.
ảnh 1Quang cảnh Hội nghị Tương lai châu Á
Sáng 5-6, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23. Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều quốc gia châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới.
Châu Á là động lực tăng trưởng chủ chốt
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thực tế lịch sử cho thấy, dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ toàn cầu hóa thì đó vẫn là xu thế tất yếu. Theo Thủ tướng, châu Á, châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng nghìn năm đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa. Với trên 150 Hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số Hiệp định của thế giới, châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đang đặt châu Á trước nhiều thách thức. Những diễn biến phức tạp về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố, các vụ thử tên lửa trên bán đảo Triều Tiên; những căng thẳng trên Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không của tuyến đường biển quốc tế.
Biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Mối lo ngại về sự đồng nhất và một nền văn hóa phổ quát sẽ làm phai nhạt tính độc đáo và các giá trị bản sắc châu Á.
ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại và trả lời nhiều câu hỏi nêu ra liên quan đến nhiều vấn đề quốc tế và chính sách của Việt Nam 
“Giấc mơ” cho mọi quốc gia châu Á 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Chúng ta vẫn thường nghe về “Giấc mơ Mỹ” hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng dường như trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Miến Điện, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam... còn ít được biết đến. Châu Á phải là một nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển.
Tất cả đều được đối xử trên nguyên tắc tự do, bình đẳng, không có sự phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc hay giới tính. Tất cả cùng hợp tác, đóng góp vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia, mọi người dân châu Á.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của Việt Nam, đang trở thành một thị trường hấp dẫn có sức mua ngày càng lớn với tầng lớp trung lưu chiếm trên 10% dân số và đang gia tăng nhanh chóng.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp, với những định hướng lớn như kiến tạo các cơ hội phát triển cho đất nước thông qua tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia vào các cấu trúc quản trị toàn cầu.
Kiến tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên năng suất lao động và năng lực sáng tạo của nền kinh tế.
Đối thoại cởi mở
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi nêu ra liên quan đến nhiều vấn đề như Hiệp định TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, chính sách về môi trường, kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Thủ tướng. 
Về Hiệp định TPP, Thủ tướng cho biết Việt Nam và Nhật Bản nằm trong 12 nước tham gia TPP và đang bàn với các đối tác một cách cụ thể để tìm ra một phương thức tốt nhất để chúng ta cùng phát triển, cùng có lợi.
Về ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Trên nguyên tắc đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được triển khai thời gian qua và bước đầu có kết quả tốt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng tôi đã đẩy mạnh giao lưu thương mại, tự do di chuyển thể nhân và pháp nhân. Khối lượng thương mại giữa 10 nước ASEAN không ngừng tăng lên”…  
 “Tuần trước, Ngài đã gặp Tổng thống Donald Trump. Xin Ngài cho biết kết quả sau cuộc hội đàm này, trong đó có nội dung về tự do hàng hải an ninh trên biển?” - Trước câu hỏi mà người điều hành Hội nghị nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là chuyến thăm thành công. Tham dự hội đàm, ngoài Tổng thống, có cả Phó Tổng thống và các Bộ trưởng các Bộ quan trọng của Hoa Kỳ.
Hai bên đã bàn những vấn đề về thương mại hết sức thú vị và có sự thống nhất cao rằng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là có lợi cho hai bên. Những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, người dân Hoa Kỳ ưa dùng và Việt Nam đã tăng cường nhập các thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên đã trao đổi về vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và thống nhất cần giải quyết vấn đề Biển Đông theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc 1982, xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, hữu nghị, tự do hàng không, hàng hải.
Việt Nam - Nhật Bản thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD
Chiều 5-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp (DN), trong đó có 200 đại biểu DN Việt Nam. Sau phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở với các doanh nghiệp Nhật Bản. Thủ tướng đánh giá cao những bình luận, đề xuất của các nhà đầu tư về các vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế song phương...
“Chính phủ Việt Nam ghi nhận và sẽ xem xét thỏa đáng, kịp thời đối với nhiều kiến nghị khách quan, chân thành của quý vị trong quá trình xây dựng chính sách trong thời gian tới”, Thủ tướng bày tỏ và cho rằng đây là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa và bày tỏ hy vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác để làm sao có thể tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại ngày càng phát triển hơn... Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương năm 2017. Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các Bộ, ngành, địa phương, DN Việt Nam với DN Nhật Bản.
Nguồn: ANTĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét