Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Dấu mốc quan trọng của tình hữu nghị và quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia

Sau 10 năm, Đắk Lắk là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên hoàn thành việc phân giới, cắm mốc trên đất liền với nước bạn Campuchia.

Việc hoàn thành việc phân giới cắm mốc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia giữa hai nước.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri kéo băng khánh thành cột mốc số 41. Ảnh: Dương Giang/ TTXVN
Vượt hơn 100 km xuyên qua rừng quốc gia Yók Đôn, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Ea H’leo, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp, nơi cột mốc số 41, mốc cuối cùng trên tuyến biên giới giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri vừa được hoàn thành. Mốc số 41 nằm ngay cạnh suối Ô Liêu, thân mốc được làm bằng đá hoa cương nguyên khối, in số và quốc kỳ của hai nước, từ sân mốc đến vị trí đặt cột mốc là 6 bậc lên, xuống được ốp đá. Bờ kè bao quanh sân cột mốc được kết cấu bằng bê tông, sân cột mốc được lu, lèn cẩn thận để tránh sụt, lún và sạt lở vào mùa mưa.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tiên, Đội trưởng Đội phân giới cắm mốc tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những ngày đầu thực hiện việc khảo sát, phân giới cắm mốc, có rất nhiều khó khăn do địa hình rừng núi, bị chia cắt bởi các dòng sông, suối lớn. Để bảo đảm an ninh, an toàn cho người và phương tiện thi công các cột mốc, Đội đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ea H’leo tăng cường tuần tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào khu vực biên giới; đồng thời phối hợp với các đồn, chốt của Campuchia, đảm bảo an toàn cho các đoàn công tác của hai tỉnh kiểm tra tiến độ thi công cột mốc. Cán bộ, chiến sĩ của hai đơn vị được giao nhiệm vụ tại các tổ chốt đã không quản mưa, nắng, ngày đêm trực chốt tại các vị trí cột mốc. Sau hơn 2 tháng thi công với sự nỗ lực, đoàn kết khắc phục khó khăn, cột mốc 41 - mốc cuối cùng trên tuyến biên giới giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri đã hoàn thành trong niềm vui của cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi biên cương Tổ quốc.

Từ năm 2007 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban biên giới Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia, Đội phân giới cắm mốc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk và lực lượng Bảo vệ biên giới Campuchia đã khảo sát, cắm mốc đoạn biên giới đất liền hai tỉnh gồm 11 vị trí, 7 mốc.

Theo Đại úy Nguyễn Trọng Hiếu, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Yók M’bre, trước đây công tác tuần tra biên giới giữa hai tỉnh gặp nhiều khó khăn do chưa phân định được mốc chủ quyền biên giới. Sau khi hai tỉnh đã hoàn thành việc phân giới, cắm mốc, đây là cơ sở để cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Yók M’bre nâng cao hơn nữa nhận thức về chủ quyền biên giới quốc gia, cũng như giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đơn vị.

Cùng với việc thực hiện tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới những năm qua, lực lượng Bộ đội biên phòng Đắk Lắk luôn phối hợp tốt với lực lượng bảo vệ biên giới Mundulkiri, hỗ trợ các đồn biên phòng Mundulkiri nhiều vật dụng, phương tiện như ca nô tuần tra, xây dựng lắp đặt các đường điện dân dụng, thuốc y tế và các nhu yếu phẩm…Việc hoàn thành phân giới căm mốc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lực lượng bảo vệ biên giới hai tỉnh thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới.

Ông Ching So Chan Tha, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Mundulkiri khẳng định sự hỗ trợ của tỉnh Đắk Lắk, cũng như công tác phối hợp phân giới cắm mốc, giúp lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Mundulkiri sớm hoàn thành việc phân giới căm mốc. Đồng thời, đây là cơ sở để hai nước cùng nhau xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển trên tất cả các lĩnh vực giữa Mundulkiri và Đắk Lắk.

Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đánh giá, Đắk Lắk có 73 km đường biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri, Campuchia. Trong quá trình triển khai xác định vị trí và cắm mốc, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng chức năng hai bên luôn cùng nhau khảo sát và đàm phán trên tinh thần thẳng thắn, đoàn kết, hữu nghị.

Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên tuyến đất liền giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, cũng như nhân dân các dân tộc hai bên biên giới. Đây là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang hai nước thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ an ninh biên giới, đồng thời thúc đẩy giao lưu hợp tác phát triển kinh tế-xã hội hai bên biên giới.
Nguồn: Tin tức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét