Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Đem niềm vui đến cho bà con nông dân Lào

Nhóm tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân của Đoàn tình nguyện tuổi trẻ Thủ đô tại Vientiane (Lào) đã hoạt động rất đa dạng và nhiệt tình, qua đó giúp bà con nước bạn có thêm kiến thức về nông nghiệp để phát triển kinh tế một cách hiệu quả.
Trang trại nhà ông Bun Khăm sỏn ở làng Na son, huyện Naxaythong, Vientiane(Lào) nuôi 700 con vịt. Ba ngày nay có một số con bị bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. Lần đầu tiên nuôi đàn vịt với số lượng lớn nên ông Bun Khăm đã rất lo lắng vì nếu không điều trị kịp thời thì sẽ lây lan cho cả đàn. Sau khi được kỹ sư của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong Đoàn tình nguyện tuổi trẻ Thủ đô đến trang trại tìm hiểu nguyên nhân, hướng dẫn cách xử trí, ông đã biết cách chữa bệnh cho đàn vịt. Ông Bun Khăm chia sẻ: “May mắn cho tôi có kỹ sư chăn nuôi của Đoàn tình nguyện tuổi trẻ Thủ đô về tận nơi xem bệnh cho đàn vịt. Chưa có ai mổ, khám cho vịt và tận tình hướng dẫn tôi cách chữa bệnh cho đàn vịt như thế, rồi còn tặng thuốc để phòng dịch cho cả trang trại. Tôi rất vui mừng, cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều”.
Gặp bà Khan Chăn người làng Chansavang, huyện Sikhottabong đến từ rất sớm ở điểm Hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của Đoàn tình nguyện của Tuổi trẻ Thủ đô. Bà kể, gia đình bà có ruộng lúa thường bị ốc sên phá hoại, bà rất băn khoăn vì ốc sên làm hạn chế năng suất lúa, mà không có cách nào loại bỏ được. Bà Khan Chăn nhận các loại thuốc bảo vệ thực vật do Việt Nam sản xuất được tặng miễn phí ra về trong niềm phấn khởi, bà nói: Tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm sau khi nghe tập huấn các kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Các bạn trẻ của Thủ đô Hà Nội thật giỏi và nhiệt tình. Tôi mong muốn các kỹ sư trẻ của Thủ đô Hà Nội sẽ nhiều lần sang đây giúp đỡ chúng tôi hơn nữa.”. Còn cô gái Lạt xa mi vừa tốt nghiệp trung học, khi được hỏi tại sao quan tâm đến chương trình, Lạt xa mi chia sẻ, cô rất thích đi nghe các chuyên gia tư vấn về kiến thức sản xuất nông nghiệp để về truyền đạt lại cho người thân và hàng xóm. Cô cũng bày tỏ mong muốn được theo học chuyên ngành nông học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Một trong hai kỹ sư nông nghiệp của Nhóm tư vấn là Nguyễn Văn Minh, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tham gia Đoàn tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô lần này. Đã nhiều lần tham gia Đoàn, thầy giáo Minh hiểu được phần nào cuộc sống của người dân nơi đây. Họ còn nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn phương tiện, vật chất, nhất là nông nghiệp còn manh mún. Thầy Minh cho biết: “Tôi sẵn sàng đến với từng hộ nông dân, tư vấn cho họ cách chăm sóc, phòng chống bệnh hay gặp ở đàn vật nuôi. Ngoài ra, với kiến thức của mình, chúng tôi còn tư vấn cho người dân nước bạn cách sử dụng một số loại thuốc bảo vệ và trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, để họ có thể phát triển chăn nuôi một cách bền vững”. Còn kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Đức Ninh thì mới tham gia Đoàn tình nguyện lần đầu tiên. Ninh cho biết: Qua tìm hiểu một số hộ gia đình người dân ở đây, tôi thấy họ cũng trồng trọt rau củ quả như nước mình, nhưng khác là cây không cho năng suất cao. Thấy bà con đến nghe tư vấn ghi chép cẩn thận, tiếp thu những điều mình trao đổi một cách trân trọng, tôi rất xúc động. Lần tới, tôi sẽ mang nhiều giống cây mới cho năng suất cao của Việt Nam sang tặng bà con.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn Phụ trách thành viên Đoàn tình nguyện Vũ Hùng Quân cho biết: 10 năm qua, các hoạt động tình nguyện hỗ trợ bà con Lào được Đoàn thanh niên tuổi trẻ Thủ đô thực hiện, trong đó Nhóm tư vấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ chăn nuôi, trồng trọt đã hỗ trợ, tư vấn cho hàng nghìn lượt nông dân. Bên cạnh đó, Nhóm thay mặt Thành đoàn còn  tặng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều vật dụng sản xuất nông nghiệp với giá trị gần 1 tỷ đồng. Trong những năm tới, Đoàn sẽ tuyển chọn thêm tình nguyện viên sang hỗ trợ bà con Lào về nông nghiệp nhiều hơn nữa, để giúp người dân phát triển nông nghiệp chất lượng cao và thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét