Sau hai ngày diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác lao động Campuchia, Lào, Myanmar, Thái-lan và Việt Nam (gọi tắt là CLMTV) lần thứ 2 với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư”, trưa 2-8, các Bộ trưởng đã cùng thống nhất ra Tuyên bố chung năm nước về lao động di cư an toàn. Trong đó, nhấn mạnh bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho lao động di cư trong xu thế phát triển chung của thế giới.
|
Sáng 2-8, tại Đà Nẵng diễn ra khai mạc Hội nghị CLMTV lần thứ 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại hội nghị. Tham dự còn có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và các đoàn đại biểu Campuchia, Lào, Myanmar, Thái-lan, các Tổ chức IOM, ILO…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển (1967-2017), ASEAN đã trở thành tổ chức năng động, phát triển toàn diện. Trong ASEAN, hợp tác năm nước không ngừng mở rộng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường tình hữu nghị giữa các nước.
Với quy mô dân số khoảng 230 triệu người, năm quốc gia CLMTV không chỉ là thành viên của Cộng đồng ASEAN mà còn được kết nối bởi dòng sông Mê Kông nên có sự gần gũi về địa lý và có nhiều nét tương đồng về văn hóa, đặc biệt có kết nối đường bộ với các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, đây là điều kiện quan trọng góp phần cùng ASEAN, là động lực mới trong thời gian tới.
Lãnh đạo các nước CLMTV thống nhất ra Tuyên bố chung về lao động di cư an toàn.
Để kiểm soát và bảo vệ lao động di cư, đồng thời hạn chế được những tiêu cực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị năm nước CLMTV tập trung giải quyết năm vấn đề, cụ thể: Một là, cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong giáo dục đào tạo, trong phát triển kinh tế nói chung, giao lưu thương mại, đầu tư khoa học công nghệ của năm nước; Hai là, tăng cường chia sẻ thông tin về lao động, tình hình lao động, thay đổi về chính sách lao động; Ba là, tăng cường hơn các kênh thường xuyên giải quyết ngay và kịp thời những vướng mắc về tình hình lao động; Bốn là, bảo đảm ngày càng tốt hơn tình hình an sinh xã hội cho những lao động di cư, tiến tới từng bước người lao động di cư luôn được bảo đảm an sinh như những người lao động bình thường và Năm là, di cư lao động đã và đang là vấn đề nóng do đó năm nước cần trao đổi để có tiếng nói chung trong các diễn đàn của khu vực.
Trong phiên trao đổi và chia sẻ về kinh nghiệm quốc gia, các Bộ trưởng năm nước CLMTV nhấn mạnh rằng, giải quyết các thách thức và cơ hội trong vấn đề quản lý di cư lao động đòi hỏi những cách tiếp cận nhất quán cùng với nỗ lực chung không chỉ ở cấp quốc gia mà cả cấp khu vực và quốc tế, đặc biệt giữa các nước công nghệ kém, đang phát triển và các nước công nghệ cao phát triển hơn. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của các bên liên quan, bao gồm cả quan chức nhà nước, các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, người thực hiện pháp luật, các trường đại học, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và khu vực, nhằm giải quyết các thách thức đó.
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng năm nước CLMTV đã thông qua bản Tuyên bố chung về Di cư lao động an toàn do Hội nghị Quan chức Cấp cao CLMVT về Hợp tác lao động ngày 1-8-2017 đệ trình. Tuyên bố chung khẳng định rằng, hợp tác giữa các nước CLMTV để thúc đẩy di cư an toàn được thực hiện tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật pháp quốc gia của mỗi nước thông qua các hoạt động cụ thể về di cư an toàn, bảo vệ quyền của lao động di cư và quy định rõ trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận.
Với Tuyên bố này, các Bộ trưởng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm quản lý di cư lao động tốt hơn thông qua một số các lĩnh vực ưu tiên cho giai đoạn 2018 – 2020 bao gồm: Khả năng dịch chuyển của an sinh xã hội; Đào tạo trước khi đi và khả năng dịch chuyển của công nhận kỹ năng; Tuyển dụng công bằng và hướng dẫn của ILO; Hợp đồng lao động chuẩn; và quỹ phúc lợi.
Nguồn: Nhân Dân
|
Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017
Ra Tuyên bố chung năm nước về lao động di cư an toàn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét