Khu di tích Sambor Prei Kuk mới được công nhận là di sản thế giới và trở thành một điểm đến thu hút du khách tại Campuchia, tiếp sau quần thể đền Angkor và Preah Vihear.
Cách Thủ đô Phnompenh khoảng 200km, Kinh đô cổ Sambor Prei Kuk của Vương triều Chân Lạp, thời kỳ tiền Angkor, nằm ở khu vực bờ phía Đông Tonle Sap, giữa những cánh rừng nhiệt đới.
Vào thế kỷ VII, Kinh đô Sambor Prei Kuk của đế chế Chen La có hơn 20.000 hộ dân sinh sống. Các công trình đền Sambor Prei Kuk đặc trưng của thời tiền Angkor với vật liệu xây dựng chính là gạch. Đây là thời đại đã để lại nhiều di tích về đền đài, tượng thần, văn bia khắc bằng chữ Sankris hay chữ Khmer cổ.
Ngày 8/7/2017, Chính phủ Campuchia đã tổ chức những buổi lễ rất long trọng để mừng quần thể đền Sambor Prei Kuk được công nhận di sản văn hóa thế giới.
Đền Sambor Prei Kuk bao phủ khoảng 30km2 với 54 cụm tháp đền. Hiện nay, khu di tích còn 7 cụm đền tương đối nguyên vẹn, trong đó có 3 cụm đền gồm Prasat Tao, Prasat Sambor và Prasat Trapeang Ropeak được mở cửa cho du khách tham quan sau khi đã được dọn sạch bom mìn.
Đến với 3 cụm đền này, du khách sẽ ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng những nét hoa văn được những người dân Khmer cổ tạo nên. Đền làm bằng gạch nung với chất kết dính đặc biệt. Những nét chạm trổ, điêu khắc cũng như hình dáng các ngôi đền ảnh hưởng văn hóa Hindu vốn đang mạnh ở Chân Lạp khoảng thời gian đó.
Ngôi đền Prasat Tao cao 19m, với cặp sư tử bằng đá đen oai nghiêm đứng trước đền từ hơn một thiên niên kỷ trước vẫn trường tồn qua bao thời gian.
Mặc dù đã 14 thế kỷ trôi qua nhưng còn rất nhiều ngôi đền trong khu quần thể đền Sambor Prei Kuk vẫn hầu như còn nguyên vẹn. Hiện nay sau khi được UNESCO công nhận di sản thế giới, đền Sambor Prei Kuk ở Campuchia đang thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan./.
Nguồn: Du lịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét