Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Campuchia: Luật mở đường giải thể đảng CNRP chính thức có hiệu lực

Ngày 25/10, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã ký sắc chỉ cho phép 4 luật bầu cử sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, 4 luật bầu cử sửa đổi, bổ sung gồm: Luật Bầu cử quốc hội, Luật Bầu cử thượng viện, Luật Bầu cử hội đồng xã - phường và Luật Bầu cử hội đồng tỉnh - thành - quận - huyện. Nội dung các điều khoản sửa đổi, bổ sung cho phép Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) chia lại số ghế của đảng tuyên bố từ bỏ hoặc không chịu nhận ghế, bị xóa tên, hoặc bị giải thể, cho các đảng khác đã tham gia tranh cử vào những cơ quan trên. Luật sửa đổi, bổ sung cũng đưa ra công thức, cách thức chia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NEC triển khai thực hiện.

Trước đó một ngày, Hội đồng Hiến pháp Campuchia đã tuyên bố công nhận tính hợp hiến của 4 luật bầu cử sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội và Thượng viện nước này lần lượt thông qua vào ngày 16 và 20/10.
  
Hôm 6/10, Bộ Nội vụ Campuchia đã gửi đơn kiện đến Tòa án Tối cao nước này đề nghị giải thể đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) trên cơ sở đề nghị của đảng Thanh niên Campuchia và đảng Funcinpec, vì Chủ tịch CNRP Kem Sokha bị cáo buộc tội phản quốc. Ngày 9/10, Tòa án tối cao Campuchia đã thụ lý vụ kiện này. Sau khi 4 luật trên chính thức có hiệu lực và khi Chủ tịch Kem Sokha bị tòa án kết tội, đảng CNRP sẽ bị giải thể.
 
Truyền thông Campuchia đã nhiều lần đề cập kịch bản giải thể CNRP, bao gồm cách thức phân chia 55 ghế của đảng này tại Quốc hội. Theo đó, trong trường hợp CNRP bị giải thể, số ghế của đảng này được chia cụ thể như sau: đảng Funcinpec (FP) nhận 41 ghế, đảng Liên minh vì Dân chủ (LDP) 6 ghế, đảng Khmer hết nghèo (KAPP) 5 ghế, đảng Dân tộc Campuchia (CNP) được 2 ghế và 1 ghế còn lại dành cho đảng Khmer Phát triển Kinh tế (KEDP).
Nguồn: Tin Tức

Phát huy tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào

Sau hơn 2 tháng phát động, ngày 25-10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng phối hợp với Tỉnh đoàn Sóc Trăng tổ chức tổng kết cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 / 5-9-2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 / 18-7-2017).

Theo Ban tổ chức, cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào” được phát động từ tháng 7-2017, đến nay, tại tỉnh Sóc Trăng đã có 12.535 bài dự thi. Các bài dự thi đã thể hiện sâu sắc được mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, quá trình xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết, hội nhập qua từng giai đoạn lịch sử; nêu bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trong 55 năm qua. Nhiều bài viết của các cựu chiến binh gửi về dự thi  đã thể hiện những kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa bộ đội Việt Nam với nhân dân Lào, giữa hai dân tộc Việt - Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau hợp tác, hữu nghị xây dựng mối quan hệ đặc biệt  giữa nhân dân hai nước… 
Ban tổ chức tặng Giấy khen kèm tiền thưởng và chọn gửi các bài dự thi vào vòng chung khảo toàn quốc.
Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào”  tỉnh Sóc Trăng đã trao giải nhất tập thể cho Đoàn thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng; giải nhì tập thể thuộc về Ban Tuyên giáo Thành ủy Sóc Trăng và giải ba tập thể được trao cho Công đoàn ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng.  Hai giải khuyến khích tập thể được trao cho trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu và Huyện Đoàn Cù Lao Dung. Về cá nhân, có 35 bài dự thi có chất lượng, tiêu biểu được Ban tổ chức tặng Giấy khen, phần thưởng và được gửi dự thi vòng chung khảo toàn quốc.
Nguồn: QĐND

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Campuchia giải tán đảng đối lập

Ngày 23/10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết sẽ giải tán đảng đối lập CNRP, sau khi thủ lĩnh đảng này, Kem Sokha bị bắt với cáo buộc phản quốc.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sẽ giải tán đảng đối lập CNRP.
“Do họ không tôn trọng Thỏa thuận Hòa bình Paris, đảng chính trị đó sẽ bị giải tán, đây là sự thật", Reuters dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại một lễ khởi công xây cầu ở thủ đô Phnom Penh, nhắc đến thỏa thuận được ký năm 1991 nhằm thiết lập nền dân chủ đa đảng tại Campuchia.
Trước đó, chính phủ Campuchia đã đề nghị tòa án tối cao giải tán đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), sau khi thủ lĩnh Kem Sokha bị bắt hôm 3/9 và bị cáo buộc "phản quốc".

Khai trương Báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Lào, tiếng Khmer

Sáng 20/10, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng) tổ chức khai trương phiên bản Báo điện tử tiếng Lào, tiếng Khmer.

Một tiết mục nghệ thuật chào mừng lễ khai trương. Ảnh: qdnd.vn
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn; Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Vũ Mão; Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào Tạ Minh Châu; đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.

Việc khai trương Báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Lào và tiếng Khmer xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cần tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thông tin về tình hình mọi mặt của Việt Nam với bạn đọc Lào, Campuchia cũng như những người biết tiếng Lào, tiếng Khmer ở trong nước, khu vực và trên thế giới; góp phần thực hiện Đề án hiện đại hóa Báo Quân đội nhân dân giai đoạn 2014 – 2018.

Báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Lào, tiếng Khmer ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên (20/10/1950 – 20/10/2017). Trước mắt, Báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Lào có 11 trang gồm: Chính trị, Quốc phòng - An ninh, Quan hệ Việt Nam - Lào, Kinh tế - Xã hội, Văn hóa - Giáo dục - Thể Thao, Đất nước - Con người, Quốc tế, Lịch sử - Truyền thống, Chương trình Video, Chương trình Audio, Phóng sự ảnh. Báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Khmer gồm 11 trang: Chính trị, Quốc phòng - An ninh, Quan hệ Việt Nam - Campuchia, Quốc tế, Kinh tế - Xã hội, Văn hóa - Giáo dục - Du lịch, Thể thao - Giải trí, Lịch sử - Truyền thống, Phóng sự ảnh, Chương trình Video, Chương trình Audio.

Tại Lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao giấy phép Báo Quân đội nhân điện tử tiếng Lào, tiếng Khmer cho đại diện Báo Quân đội nhân dân. Đánh giá cao những thành tích mà cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Sự ra đời của phiên bản Báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Lào, tiếng Khmer đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Báo Quân đội nhân dân, đặc biệt là các phiên bản báo điện tử tiếng nước ngoài; đưa Báo Quân đội nhân dân thực sự trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa ngôn ngữ của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Đây sẽ là những kênh thông tin quan trọng, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực đối nội, đối ngoại; quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, về mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; giáo dục, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và người dân về trách nhiệm gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp, vun đắp tình hữu nghị giữa ba nước Đông Dương; tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phá hoại quan hệ truyền thống, đoàn kết, hợp tác phát triển giữa quân đội, nhân dân ba nước.

Ngoài hai phiên bản Báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Lào, tiếng Khmer, Báo Quân đội nhân dân điện tử đã ra mắt phiên bản tiếng Anh từ năm 2005 và phiên bản tiếng Trung Quốc từ tháng 6/2012.
Nguồn: Tin Tức

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Cánh đồng hoa điên điển - Điểm đến ưa thích của người dân Campuchia

Vốn được trồng luân canh với cây mía để cải tạo đất, cánh đồng hoa điên điển đã trở thành điểm tham quan ưa thích của người dân Campuchia.

Cánh đồng hoa điên điển rộng gần 2.000 ha, ở huyện Tha Pong, tỉnh Kampong Speu, Campuchia, cách thủ đô Phnom Penh hơn 100km, nằm ở phía Tây Nam.
Để cải tạo đất cho màu mỡ, tơi xốp sau vụ mía, chủ nhân của trang trại hàng chục ngàn hecta mía này đã gieo cây điên điển vài ngàn hecta mỗi năm. Cánh đồng hoa điên điển đã thu hút hàng ngàn du khách tham quan mỗi ngày trong suốt gần 3 tháng mùa mưa, đặc biệt là vào những ngày nghỉ lễ.
Cây điên điển hay điền thanh thân tía hoặc điền thanh bụi là một loại cây họ đậu, có vi khuẩn nốt sần cố định đạm. Ngoài tác dụng cải tạo đất, bông điên điển còn được sử dụng làm thức ăn như làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi… Điên điển là cây hoang dã, thích nghi và phát triển mạnh với nhiều môi trường khác nhau nên rất dẽ trồng.
Không quyến rũ, lung linh như những loài hoa khác, nhưng cánh đồng hoa điên điển gần 2.000 ha ở Kampong Speu, Campuchia mang đến cảm giác bình dị và thơ mộng dành cho du khách đến tham quan.
Nguồn: VTV

Nét riêng trong trang phục truyền thống của người Campuchia

Sampot của người Campuchia khá độc đáo. Họ chỉ dùng một mảnh vải dài quấn quanh thắt lưng và sắp xếp khéo léo để tạo ra chiếc váy đặc biệt.
Người phụ nữ Campuchia mặc Sampot
Sampot có từ thời xa xưa dưới triều đại vua Funan và từ triều đại này ngành công nghiệp dệt lụa đã phát triển biến nó thành một phần quan trọng không thể thiếu trong văn hóa lâu đời tại Campuchia. 

Sampot thường là một miếng vải dài khoảng 3 mét, rộng một mét, được quấn xung quanh thắt lưng. Người mặc sẽ khéo léo sắp xếp lại và kết bằng một nút thắt, sau đó được kéo lên giữa hai chân rồi cố định bởi một thắt lưng bằng kim loại. Sampot gần giống với một chiếc quần hơn là váy.

Sampot thường được làm từ lụa mềm mại kết hợp kỹ thuật dệt tinh xảo tạo ra mảnh vải nhiều hoa văn tinh tế. Khi mặc người ta sẽ kết hợp với những kiểu áo họa tiết nhấn nhá thêm chút phụ kiện cho bắt mắt.
Người phụ nữ Campuchia mặc Sampot vào những dịp lễ đặc biệt như đón chào năm mới, cưới hỏi, ma chay.
Nguồn: Infonet

Xuất khẩu dược chất đồng vị phóng xạ qua Campuchia

Ngày 18.10, lãnh đạo Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện) cho biết đơn vị này vừa ký kết xuất khẩu qua Campuchia một số dược chất đồng vị phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh.
Cụ thể, sau khi Công ty Dynamic Pharma (Công ty xuất nhập khẩu dược phẩm, vật tư, thiết bị y tế Campuchia) và đại diện một số bệnh viện của Campuchia tham quan các phòng thí nghiệm, dây chuyền sản xuất, điều chế đồng vị phóng xạ tại Viện đã ký kết mua các sản phẩm Tc-99m Generator, I-131 viên nang và dung dịch để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.
Bước đầu, Viện cung cấp các dược chất đồng vị phóng xạ trên cho Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TW Calmette (Campuchia).
Nguồn: Thanh niên

Campuchia chuẩn bị giải thể đảng Cứu quốc

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: Overpasses for America)

Trong ngày 16/10, Quốc hội Campuchia đã thông qua 4 luật sửa đổi, cho phép phân bổ các ghế của một đảng khi bị giải thể cho các đảng khác, trừ đảng nắm đa số.

Đây được coi là bước chuẩn bị cho việc phân chia số ghế của đảng Cứu quốc đối lập khi đảng này bị giải thể.
Nội dung được sửa đổi, bổ sung là trong trường hợp một chính đảng có ghế trong các cơ quan Quốc hội, Thượng viện, Hội đồng các cấp bị xóa tên khỏi danh sách đảng chính trị, số ghế của đảng này sẽ được chia cho các đảng khác đã tham gia tranh cử vào cơ quan trước đó, ngoại trừ đảng chiếm đa số.
Như vậy, nếu Toà tối cao Campuchia phán quyết giải thể đảng Cứu quốc đối lập, các ghế Quốc hội và Hội đồng các cấp của đảng này sẽ được chuyển giao cho các đảng khác, trong đó đảng bảo hoàng FUN-CIPEC sẽ nhận được nhiều nhất.
Nguồn: VTV

Chuyện về những sinh viên xứ “Triệu voi” học trên đất Việt

Để thực hiện ước mơ của mình, các bạn sinh viên Lào đã vượt hàng ngàn cây số, tìm đến các trường đại học Việt Nam học tập.
Hiện có hơn 600 lưu học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng.
Họ được xem là những chiếc cầu nối hòa bình giữa hai đất nước anh em, “núi liền núi, sông liền sông”.
Ước mơ làm thầy giáo của Thonglatsamy Sommay
Năm năm, kể từ ngày khăn gói rời quê hương xứ sở "Triệu voi" lặn lội sang tận Đà Nẵng để học Đại học, Thonglatsamy Sommay đã nói tiếng Việt sành sỏi như tiếng mẹ đẻ.
Nữ trung úy Phonexay Thongthavivong đang theo học nghề giáo tại trường đại học sư phạm Đà Nẵng. Ảnh: HN
Ngày ấy, Sommay là một trong ba học sinh của Lào được cử đi học lớp 14 SPCT của Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng.
“Quê hương của em nghèo lắm, nhiều đứa trẻ không được đến trường. Em muốn sang Việt Nam học để sau này trở về làm thầy giáo, dạy chữ cho lũ trẻ”, Sommay chia sẻ.

Chuyện về chàng sinh viên Lào học Báo chí tại Việt Nam

Ấp ủ ước mơ ấy, cậu sinh viên Lào đã nỗ lực vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa để sớm hòa nhập với bạn bè.
“Ban đầu, chưa nói được tiếng Việt nên mỗi lần đi chợ mua đồ ăn hay đồ dùng cá nhân, em đều phải nhờ người bên cạnh mua giúp”, Sommay tâm sự.
Càng vất vả, khó khăn, Sommay càng nỗ lực học tập. Ngoài thời gian học ở lớp, cậu tìm đến thư viện tìm sách viết về văn hóa, con người Việt Nam để đọc và hiểu hơn về “quê hương thứ hai” của mình.
Là người bạn cùng lớp, được phân công giúp đỡ Sommay từ những ngày đầu đến trường, bạn Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Sommay là một người bạn hiền lành, thật thà. Tụi em thường học cùng nhau, chỗ nào chưa hiểu thì bạn ấy hỏi ngay để được giải đáp”.
Sommay thường chia sẻ với những người bạn Việt Nam về mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn, về dòng sông Mê-kông giàu tôm cá, về những bộ tộc Lào hiếu khách…
“Những năm tháng học tập trên mảnh đất này đã để lại cho mình những kỷ niệm không bao giờ quên. Ở đây, mình nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của bạn bè, thầy cô. Họ đã luôn ở bên mình trong những ngày khó khăn nhất”.
Sommay cũng chia sẻ rằng, bạn cực kỳ ấn tượng về sự phát triển của thành phố Đà Nẵng và mong rằng, một ngày nào đó, đất nước Lào cũng xây dựng được những thành phố hiện đại, sầm uất như thế.
Nữ Trung úy đam mê nghề giáo
Cũng trong lớp 14SPCT của Sommay có một người bạn Lào khá đặc biệt là nữ trung úy Phonexay Thongthavivong.

Sinh viên VN - Lào chia sẻ kinh nghiệm học tập ở nước ngoài

Cô vốn là một y tá, công tác trong đơn vị quân đội ở Lào. Dù đã có chồng và hai con trai nhỏ nhưng Thongthavivong lại viết đơn xin sang Việt Nam học nghề giáo.
Cô chia sẻ, ngày “khăn gói” đi học, gia đình, bạn bè ai cũng can ngăn. Nhưng sau nhiều ngày thuyết phục, mọi người hiểu được đam mê và mong muốn của cô gái Lào nên đồng ý cho Thongthavivong đi học sư phạm.
Cũng như Sommay, Thongthavivong gặp nhiều khó khăn với vốn tiếng Việt ít ỏi và khí hậu khác biệt.
“Tiếng Việt có nhiều từ khó quá nên mình chưa thể thông thạo hết được, dù đã ở đây hơn năm năm”, Thongthavivong cho biết.
Xa chồng con, những lúc nhớ nhà, cô lại lấy hình gia đình ra ngắm. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi về nhà cũng không làm cô nguôi ngoai nỗi nhớ.
“Mình phải tạm quên đi nỗi buồn để hoàn thành chương trình học, trở về quê đi dạy.
Mỗi lần nghe mình kể chuyển học tập ở Việt Nam, gia đình vui lắm, cứ đòi qua thăm. Mình yêu đất nước của các bạn. Sau này, con mình lớn lên cũng muốn được sang Việt Nam học tập”, Thongthavivong tâm sự.
Mỗi lần đến tết Bunpimay (tết cổ truyền của dân tộc Lào), Thongthavivong, Sommay lại được dịp trình diễn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Những điệu múa, những trò chơi dân gian đã kết nối những sinh viên Lào – Việt thành một sợi dây gắn bó.
Tiến sĩ Phạm Quý Mười - Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế thuộc Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã biên soạn hai tập giáo trình “Tiếng việt thực hành” dùng riêng cho lưu học sinh Lào, bên cạnh bộ giáo trình về “Tiếng Việt cho người nước ngoài”, “Tiếng Việt nâng cao”…
“Lưu học sinh Lào được bố trí ở miễn phí trong ký túc xá của nhà trường với trang thiết bị đầy đủ.
Ở mỗi lớp có sinh viên Lào theo học đều cử một sinh viên người Việt Nam giúp đỡ một sinh viên người Lào để các bạn có thể dần quen và học tốt hơn”, Tiến sĩ Mười nói.
Nguồn: Giáo Dục

Trang phục truyền thống của người Lào có gì đặc biệt?

May váy áo là một công việc truyền thống lâu đời ở Lào. Hầu hết phụ nữ Lào nào cũng biết dệt ở độ tuổi rất nhỏ.
Khi du lịch ở Lào bạn sẽ ngạc nhiên trước kỹ thuật dệt phức tạp của người phụ nữ Lào. 

Trang phục truyền thống của Lào rất đặc biệt, phản ánh phong tục của người Lào, có tên gọi là Sinh (dành cho nữ giới) và Salong (dành cho nam giới).
Cô dâu chú rể Lào mặc trang phục truyền thống Sinh và Salong màu vàng trong này cưới
Người phụ nữ Lào biết dệt vải từ rất sớm, đó là nét đẹp truyền thống khẳng định sự thanh lịch của họ. Họ quan niệm một người vợ tốt là người dệt vải đẹp.
Sinh là một chiếc váy ống được làm bằng lụa, bông dệt họa tiết tinh tế và thêu ren tinh xảo. Một chiếc váy Sinh thường được dệt công phu ở chân.
Sinh gồm ba phần chính là Hua sinh - phần thắt lưng thường che kín khi mặc, Phuen sinh-phần chính chiếc váy thường có một hoặc hai màu, và Thiếc sinh-đường viền dưới chân được dệt công phu có khi được trang trí bằng vàng.
 Sinh sẽ có nhiều màu khác nhau phụ thuộc vào dịp họ mặc trang phục.
Khi người phụ nữ mặc Sinh người ta sẽ quấn chiếc khăn cùng màu ngang qua phần trên cơ thể họ tăng thêm phần duyên dáng.
Trang phục truyền thống của Lào thường mặc trong dịp lễ quan trọng như tết, đám cưới, lễ hội. Sinh và Salong sẽ có nhiều màu khác nhau phụ thuộc vào dịp họ mặc trang phục.
Cô gái Lào trong trang phục truyền thống
Trong lễ cưới, cô dâu chú rể sẽ mặc màu vàng tươi sáng, chi tiết bằng vàng. Trong các lễ hội mọi người sẽ mặc trang phục nhiều màu sắc tươi sáng.
Ở nhiều vùng nông thôn, trẻ em gái thương mặc Sinh đến trường nhưng sẽ được cách tân để thuận tiện hơn cho công việc hàng ngày.
Nguồn: Infonet

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Việt Nam giúp Campuchia đào tạo phi công



Trường Phi công Bay Việt của Việt Nam và Angkor Air đã phối hợp tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận 4 phi công người Campuchia được Việt Nam hỗ trợ đào tạo.

Hôm qua (13/10), tại thủ đô Phnom Penh, Trường Phi công Bay Việt của Việt Nam và Hãng hàng không quốc gia Campuchia Angkor Air đã phối hợp tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận 4 phi công người Campuchia được Việt Nam hỗ trợ đào tạo. Đây là những phi công Campuchia đầu tiên được bổ sung cho ngành hàng không dân dụng Campuchia sau hơn 30 năm.
Các học viên phi công Campuchia đã phải trải qua những thử thách hết sức khó khăn, từ quá trình tuyển chọn cho đến giai đoạn huấn luyện cả về lý thuyết và thực hành. Các học viên Campuchia cũng được gửi đến Trường bay đối tác của Bay Việt tại Mỹ, sau đó lấy các bằng phi công cơ bản như bằng phi công tư nhân, chứng chỉ bay theo thiết bị trên máy bay nhiều động cơ và chứng chỉ phi công thương mại theo đúng chuẩn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ.
Hiện nay, Angkor Air đang có 7 chiếc máy bay, đội bay phần lớn là người nước ngoài. Hãng hàng không quốc gia Campuchia đang thực hiện bay thương mại nội địa và một số nước trong khu vực như Việt Nam, Trung Quốc…
Nguồn: VTV

Quốc hội Campuchia dọn đường cho kịch bản giải thể đảng đối lập

Các nghị sỹ dự một phiên họp tại Phnom Penh. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Sáng 16/10, Quốc hội Campuchia đã thông qua bốn luật bầu cử sửa đổi, bổ sung, dọn đường cho việc phân chia số ghế trống của đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập tại Quốc hội và Hội đồng các cấp cho các đảng tham gia tranh cử vào các cơ quan này trong trường hợp CNRP bị giải thể.

Với sự đồng ý của 67/123 nghị sỹ có mặt tại phiên họp (55 nghị sỹ của đảng CNRP tẩy chay phiên họp này), Quốc hội Campuchia đã thông qua bốn luật bầu cử sửa đổi, bổ sung do nhóm nghị sỹ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đề xuất gồm Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử Thượng viện, Luật Bầu cử Hội đồng tỉnh-thành-quận-huyện và Luật Bầu cử Hội đồng xã-phường. 

[Campuchia: Thường vụ Quốc hội xúc tiến sửa đổi luật bầu cử]
Nội dung được sửa đổi, bổ sung là trong trường hợp, một chính đảng có ghế tại một trong các cơ quan như Quốc hội, Thượng viện, Hội đồng các cấp tự tuyên bố từ bỏ số ghế của mình hoặc bị xóa tên khỏi danh sách đảng chính trị hoặc bị giải thể theo Luật Chính đảng mới được sửa đổi, bổ sung, thì số ghế của đảng này sẽ được chia cho các đảng khác đã tham gia tranh cử vào cơ quan đó. 

Thời gian để Quốc hội Campuchia thông qua bốn luật bầu cử sửa đổi, bổ sung trên là rất ngắn, khi chỉ bốn ngày trước đó, ngày 12/10, sau khi nhận được đề nghị của nhóm nghị sỹ CPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Campuchia đã yêu cầu Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu, xem xét đề nghị này. Đến sáng 16/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội Campuchia đã chuyển đề nghị trên cho phiên họp toàn thể Quốc hội Campuchia thông qua ngay trong sáng cùng ngày.

Trước đó, Thủ tướng Hun Sen và các cơ quan truyền thông tại Campuchia liên tục phát đi thông điệp về kịch bản giải thể CNRP, trong đó có kịch bản đưa ra công thức phân chia 55 ghế của CNRP tại Quốc hội hiện nay trong trường hợp đảng này bị giải thể cho đảng Funcinpec (FP) 41 ghế, đảng Liên minh vì Dân chủ (LDP) 6 ghế, đảng Khmer hết nghèo (KAPP) 5 ghế, đảng Dân tộc Campuchia 2 ghế và đảng Khmer Phát triển Kinh tế (KEDP) được 1 ghế. 
Nguồn: VN plus

Khánh thành Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại Koh Kong

Sáng 16/10, Campuchia đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại tỉnh Koh Kong.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2017.
khanh thanh dai huu nghi viet nam campuchia tai koh kong hinh 1
Cắt băng hoàn thành trùng tu Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại tỉnh Koh Kong.
Tham dự lễ khánh thành có lãnh đạo tỉnh Koh Kong, lãnh đạo Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, lực lượng vũ trang và đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương. Về phía Việt Nam, Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam đã tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Tỉnh trưởng tỉnh Koh Kong, bà Mithona Phuthong bày tỏ, nhân dân tỉnh Koh Kong cũng như nhân dân Campuchia luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc trước đây, đặc biệt là đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Bà Mithona Phuthong nói: “Tượng đài này là biểu tượng để nhân dân Campuchia biết ơn nhân dân Việt Nam đã hy sinh để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot vào ngày 7/1/1979. Đây cũng là biểu tượng của tình hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia. Chúng tôi phải có trách nhiệm giáo dục các thế hệ sau hiểu được về ý nghĩa lịch sử này trong thời gian tới”.
khanh thanh dai huu nghi viet nam campuchia tai koh kong hinh 2
Đại tá Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại buổi lễ.
Về phần mình, Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Campuchia bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, chính quyền tỉnh, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Koh Kong đã tham gia xây dựng, tôn tạo và gìn giữ Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia, một công trình có giá trị lịch sử sâu sắc, đồng thời tin tưởng quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa hai nước sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển.
Koh Kong là một trong những địa phương mà nhiều chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam và những người Campuchia yêu nước đã ngã xuống để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại Koh Kong là đài hữu nghị thứ 9 được hoàn thành trùng tu theo Dự án tôn tạo, trùng tu 17 đài hữu nghị trên cả nước Campuchia do Bộ Quốc phòng Việt Nam hỗ trợ kinh phí./.
Nguồn: VOV

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Xuất khẩu sang Lào, mặt hàng than đá tiếp tục tăng mạnh

Xuất khẩu sang Lào, mặt hàng than đá tiếp tục tăng mạnh
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Lào tăng so với cùng kỳ, đặc biệt nhóm hàng than đá tuy không phải là mặt hàng chủ lực nhưng vẫn tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng 9/2017 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Lào đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,01% so với tháng 8 nâng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2017 lên 386,1 triệu USD, tăng 27,51% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam xuất khẩu sang Lào chủ yếu nhóm hàng xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị…. trong đó nhóm hàng xăng dầu đạt kim ngạch cao nhất 64,5 triệu USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch đạt 119,3 nghìn tấn tăng 32,5% về lượng và tăng 70,19% về trị giá so với cùng kỳ, giá xuất cũng tăng 28,45% lên 541,07 USD/tấn.
Đứng thứ hai sau mặt hàng xăng dầu là sắt thép, với 82,4 nghìn tấn, trị giá 56 triệu USD, giảm 19,71% về lượng nhưng tăng 0,66% về kim ngạch, kế đến là phương tiện vận tải và phụ tùng, đạt 38,7 triệu USD, tăng 21,97% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt đối với nhóm hàng than đá, tiếp tục tăng trưởng từ tháng 8, sang tháng 9 xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Lào tiếp tục tăng. Cụ thể, tháng 9 đã xuất khẩu 2,4 nghìn tấn than đá, trị giá 197 nghìn USD, tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9 đã xuất 52,8 nghìn tấn trị giá 4,5 triệu USD, tăng gấp hơn 17 lần về lượng và 16,5 lần về trị giá so với cùng kỳ.
Nhìn chung, 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu sang Lào các mặt hàng đều có kim ngạch tăng trưởng chiếm trên 70% và ngược lại nhóm hàng với mức độ suy giảm chỉ chiếm dưới 30%, trong đó nhóm hàng clanke và xi măng giảm mạnh, giảm 28,22%.
Ngoài nhóm hàng than đá có mức độ tăng mạnh, thì xuất khẩu phân bón, sản phẩm từ chất dẻo và hàng rau quả cũng tăng trưởng khá. Cụ thể, sản phẩm từ chất dẻo tăng 103,2% đạt 12 triệu USD; phân bón tăng 94,35% đạt 13,6 triệu USD và hàng rau quả tăng 58,3% đạt 6,2 triệu USD.
Xuất khẩu sang thị trường Lào 9 tháng 2017
Mặt hàng
Tháng 9/2017 (USD)
So với T8/2017 (%)
9 tháng 2017 (USD)

So sánh cùng kỳ 2016 (%)
Tổng
41.345.259
11,01
386.100.415
27,51
Xăng dầu các loại
4.396.854
12,51
64.585.324
70,19
Sắt thép các loại
6.087.174
-12,75
56.099.563
0,66
Phương tiện vận tải và phụ tùng
4.910.505
4,98
38.722.462
21,97
Sản phẩm từ sắt thép
3.690.106
49,01
27.137.381
45,44
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác
4.162.108
129,12
21.460.803
32,78
Phân bón các loại
632.195
-31,53
13.615.064
94,35
Sản phẩm từ chất dẻo
1.331.326
27,05
12.018.881
103,2
Clanhke và xi măng
631.217
-27,58
8.583.536
-28,22
Dây điện và dây cáp điện
570.920
-37,03
6.777.222
24,04
Hàng rau quả
795.378
128,9
6.210.029
58,3
Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc
769.908
-8,99
6.113.182
7,25
Sản phẩm gốm, sứ
743.853
20,3
4.800.321
34,78
Than đá
197.024

4.518.679
1.559,03
Hàng dệt, may
299.225
4,65
4.516.511
-17,63
Kim loại thường khác và sản phẩm
521.608
97,29
3.612.728
-16,82
Giấy và các sản phẩm từ giấy
321.683
-23,39
3.460.398
-0,58
Sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ
49.389
-44,46
607.390
-14,55
(tính toán số liệu từ TCHQ)
Nguồn: Vinanet