Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Thúc đẩy đầu tư và thương mại Việt - Lào qua cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sa Vẳn


Ký kết biên bản hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Đen Sa Vẳn (Sa Vẳn Na Khệt).
Ngày 2-10, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp Ủy ban chính quyền tỉnh Sa Vẳn Na Khệt (Lào) và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) tổ chức Hội nghị thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Đen Sa Vẳn (Sa Vẳn Na Khệt).
Hội nghị là sự kiện quan trọng để lãnh đạo hai tỉnh cùng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, của AVIL về những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại để từ đó cùng tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền, cùng xem xét, thống nhất để đề xuất Chính phủ hai nước giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền…
Thời gian qua, hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Lào đã có những bước phát triển đáng kể, tăng bình quân 4%/năm giai đoạn 2011 - 2016. Trong chín tháng năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 640 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn giai đoạn 2011 - 2016 đạt gần 1,8 tỷ USD; tổng kim ngạch hai chiều qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ước đạt hơn 128 triệu USD trong tổng số 157 triệu USD kim ngạch hai chiều qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2016.
Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào và chính quyền hai tỉnh Quảng Trị - Sa Vẳn Na Khệt đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ của mỗi bên. Hai tỉnh cũng đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá đầu tư, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị có năm dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại Lào, với tổng số vốn đăng ký là 167 triệu USD, trong đó có một số dự án lớn. Mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn sau hơn hai năm hoạt động đã bước đầu hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, các thủ tục thông quan được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, rút ngắn được 40 - 50% thời gian... Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều hạn chế, tồn tại cần tháo gỡ, nhất là như sự thay đổi về chính sách liên quan đến thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, lao động, giao thông vận tải...
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, AVIL đã kiến nghị Chính phủ hai nước cần có ưu đãi đặc biệt về khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia tại Lào cũng như các thành phần kinh tế của Lào trực tiếp tham gia hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi đoàn cao cấp của hai nước dưới nhiều hình thức; tăng cường đào tạo lao động, cải cách thủ tục hành chính trong việc đăng ký lao động cho doanh nghiệp.
Về phía Chính phủ Lào cần quan tâm điều chỉnh lại mức phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động và lưu trú cho lao động nước ngoài để phù hợp với tình hình thực tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các hàng rào kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện hàng hóa qua các cửa khẩu; gia tăng dòng chảy hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)...
Dịp này, Công ty TNHH MTV Souk Houng Heang Sa Vẳn Na Khệt tặng huyện Mường Nòong (Sa Vẳn Na Khệt) 50 bộ máy tính; Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) hỗ trợ người dân huyện Vĩnh Linh bị ảnh hưởng bão lũ 150 triệu đồng.
Nguồn: Nhân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét