Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Chuyện về những sinh viên xứ “Triệu voi” học trên đất Việt

Để thực hiện ước mơ của mình, các bạn sinh viên Lào đã vượt hàng ngàn cây số, tìm đến các trường đại học Việt Nam học tập.
Hiện có hơn 600 lưu học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng.
Họ được xem là những chiếc cầu nối hòa bình giữa hai đất nước anh em, “núi liền núi, sông liền sông”.
Ước mơ làm thầy giáo của Thonglatsamy Sommay
Năm năm, kể từ ngày khăn gói rời quê hương xứ sở "Triệu voi" lặn lội sang tận Đà Nẵng để học Đại học, Thonglatsamy Sommay đã nói tiếng Việt sành sỏi như tiếng mẹ đẻ.
Nữ trung úy Phonexay Thongthavivong đang theo học nghề giáo tại trường đại học sư phạm Đà Nẵng. Ảnh: HN
Ngày ấy, Sommay là một trong ba học sinh của Lào được cử đi học lớp 14 SPCT của Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng.
“Quê hương của em nghèo lắm, nhiều đứa trẻ không được đến trường. Em muốn sang Việt Nam học để sau này trở về làm thầy giáo, dạy chữ cho lũ trẻ”, Sommay chia sẻ.

Chuyện về chàng sinh viên Lào học Báo chí tại Việt Nam

Ấp ủ ước mơ ấy, cậu sinh viên Lào đã nỗ lực vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa để sớm hòa nhập với bạn bè.
“Ban đầu, chưa nói được tiếng Việt nên mỗi lần đi chợ mua đồ ăn hay đồ dùng cá nhân, em đều phải nhờ người bên cạnh mua giúp”, Sommay tâm sự.
Càng vất vả, khó khăn, Sommay càng nỗ lực học tập. Ngoài thời gian học ở lớp, cậu tìm đến thư viện tìm sách viết về văn hóa, con người Việt Nam để đọc và hiểu hơn về “quê hương thứ hai” của mình.
Là người bạn cùng lớp, được phân công giúp đỡ Sommay từ những ngày đầu đến trường, bạn Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Sommay là một người bạn hiền lành, thật thà. Tụi em thường học cùng nhau, chỗ nào chưa hiểu thì bạn ấy hỏi ngay để được giải đáp”.
Sommay thường chia sẻ với những người bạn Việt Nam về mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn, về dòng sông Mê-kông giàu tôm cá, về những bộ tộc Lào hiếu khách…
“Những năm tháng học tập trên mảnh đất này đã để lại cho mình những kỷ niệm không bao giờ quên. Ở đây, mình nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của bạn bè, thầy cô. Họ đã luôn ở bên mình trong những ngày khó khăn nhất”.
Sommay cũng chia sẻ rằng, bạn cực kỳ ấn tượng về sự phát triển của thành phố Đà Nẵng và mong rằng, một ngày nào đó, đất nước Lào cũng xây dựng được những thành phố hiện đại, sầm uất như thế.
Nữ Trung úy đam mê nghề giáo
Cũng trong lớp 14SPCT của Sommay có một người bạn Lào khá đặc biệt là nữ trung úy Phonexay Thongthavivong.

Sinh viên VN - Lào chia sẻ kinh nghiệm học tập ở nước ngoài

Cô vốn là một y tá, công tác trong đơn vị quân đội ở Lào. Dù đã có chồng và hai con trai nhỏ nhưng Thongthavivong lại viết đơn xin sang Việt Nam học nghề giáo.
Cô chia sẻ, ngày “khăn gói” đi học, gia đình, bạn bè ai cũng can ngăn. Nhưng sau nhiều ngày thuyết phục, mọi người hiểu được đam mê và mong muốn của cô gái Lào nên đồng ý cho Thongthavivong đi học sư phạm.
Cũng như Sommay, Thongthavivong gặp nhiều khó khăn với vốn tiếng Việt ít ỏi và khí hậu khác biệt.
“Tiếng Việt có nhiều từ khó quá nên mình chưa thể thông thạo hết được, dù đã ở đây hơn năm năm”, Thongthavivong cho biết.
Xa chồng con, những lúc nhớ nhà, cô lại lấy hình gia đình ra ngắm. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi về nhà cũng không làm cô nguôi ngoai nỗi nhớ.
“Mình phải tạm quên đi nỗi buồn để hoàn thành chương trình học, trở về quê đi dạy.
Mỗi lần nghe mình kể chuyển học tập ở Việt Nam, gia đình vui lắm, cứ đòi qua thăm. Mình yêu đất nước của các bạn. Sau này, con mình lớn lên cũng muốn được sang Việt Nam học tập”, Thongthavivong tâm sự.
Mỗi lần đến tết Bunpimay (tết cổ truyền của dân tộc Lào), Thongthavivong, Sommay lại được dịp trình diễn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Những điệu múa, những trò chơi dân gian đã kết nối những sinh viên Lào – Việt thành một sợi dây gắn bó.
Tiến sĩ Phạm Quý Mười - Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế thuộc Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã biên soạn hai tập giáo trình “Tiếng việt thực hành” dùng riêng cho lưu học sinh Lào, bên cạnh bộ giáo trình về “Tiếng Việt cho người nước ngoài”, “Tiếng Việt nâng cao”…
“Lưu học sinh Lào được bố trí ở miễn phí trong ký túc xá của nhà trường với trang thiết bị đầy đủ.
Ở mỗi lớp có sinh viên Lào theo học đều cử một sinh viên người Việt Nam giúp đỡ một sinh viên người Lào để các bạn có thể dần quen và học tốt hơn”, Tiến sĩ Mười nói.
Nguồn: Giáo Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét