Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC TẬP TẠI VIỆT NAM CỦA SINH VIÊN LÀO

Hầu hết các bạn sinh viên Lào khi sang Việt Nam học tập đều mong muốn có một kết quả học tập tốt để khi hoàn thành khóa học, trở về nước sẽ trở thành những công dân có ích, là  niềm tự hào của quê hương, tạo hình ảnh tốt đẹp hơn về tình hữu nghị Việt Lào.

Tuy nhiên, do rào cản về ngôn ngữ, cộng với sự  bỡ ngỡ trước phương pháp học tập mới, hơn nữa  một số bạn do tinh thần học tập chưa cao nên kết quả học tập đã không được như mong muốn.

Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của một lưu học sinh Lào hiện đang học tập tại Việt Nam để luôn có một kết quả học tập thật tốt nhé!

Với em, sau gần 3 năm học tập tại trường, được sự quan tâm, nhiệt tình giảng dạy của các thầy cô giáo và nỗ lực của bản thân, em đã đạt được một số thành tích trong học tập. Em muốn chia sẻ một số kinh nghiệm học tập của bản thân để từ đó góp phần giúp các bạn sinh viên Lào đạt kết quả học tập tốt hơn nữa.
Theo em, chăm chỉ là yếu tố không thể thiếu đối với cả sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào. Chăm chỉ và quyết tâm học thật, làm thật là cơ sở quan trọng để bạn có thể học tốt.
sinhvienlao
1.    Kinh nghiệm học tập tiếngViệt
Em sang học tại Việt Nam từ năm 2010. Lần đầu sang Việt Nam, em hoàn toàn chưa biết tiếng Việ  và tất nhiên là chưa biết nói tiếng Việt. Lúc mới bắt đầu học tiếng Việt, em thấy tiếng Việt rất khó nhưng em rất cố gắng, chăm chỉ học tiếng Việt để sau này em học tiếp chuyên ngành sẽ thuận lợi hơn.
Em bắt đầu học tiếng Việt từ chữ cái, nguyên âm, phụ âm, phát âm, tập đọc, tập viết… Em học tiếng Việt trên lớp học, tự học ở phòng, nghe nhạc, xem Ti vi và thường xuyên giao tiếp với các bạn Việt Nam ở trong Ký túc xá và ngoài nhà trọ. Các môn học về tiếng Việt gồm: đọc hiểu, nghe hiểu, khẩu ngữ, kỹ năng viết, ngữ pháp tiếng Việt… Những môn học trên so với sinh viên Lào bắt đầu học tiếng thì rất khó, tuy nhiên các môn này lại là nền tảng cho em học tiếp sau này.
2.    Kinh nghiệm học tập chuyên ngành
Em vào học chuyên ngành tại Khoa Kỹ thuật Công nghệ, lớp K4-CNTT từ năm 2011 đến nay. Công nghệ – Thông tin là một ngành học rất khó, chủ yếu là toán học, các môn lập trình trên máy và những từ tiếng Việt chuyên ngành Công nghệ -  Thông tin cũng rất khó.
Đầu mỗi học kỳ, em thường đưa ra mục tiêu cho cả học kỳ, từ đó có hướng phấn đấu. Để đưa ra mục tiêu chính xác, em thường phải dựa vào sức học của mình, đồng thời hỏi các anh chị khóa trước về các môn học của kỳ đó. Vì là khóa học thứ 2 của ngành Công nghệ – Thông tin được đào tạo theo hệ thống tín chỉ nên em có rất nhiều khó khăn, thời gian lên lớp rất ít, em tự học là chủ yếu, do vậy em luôn đặt ra các nhiệm vụ cụ thể trong suốt quá trình học tập:
  • Đối với giờ lên lớp: Cần đọc trước bài sẽ học, chuẩn bị những câu hỏi liên quan đến bài học đó. Trong giờ học lý thuyết trên lớp, em không chỉ chép những lời thầy cô giảng một cách thụ động mà phải nghe, suy ngẫm và nắm được những nội dung cốt lõi của vấn đề thầy cô giảng và tự mình đặt câu hỏi: Thầy cô đặt vấn đề như thế nào? Tại sao lại đặt vấn đề như vậy? Nguyên tắc và cách giải quyết vấn đề? Phương pháp và con đường cụ thể để giải quyết vấn đề đó là gì mà chưa cần nắm rõ những chi tiết cụ thể.
  • Đối với thảo luận trên lớp: Nếu như giờ lý thuyết chủ yếu là tích cực đặt thật nhiều câu hỏi thì giờ thảo luận là giờ để làm rõ những vấn đề của giờ lý thuyết áp dụng vào những bài tập tình huống cụ thể. Không nên nôn nóng hiểu sâu mà hãy hiểu những vấn đề cơ bản trước.
  • Thời gian em tự học ở phòng là thời gian quan trọng nhất. Học ở sách vở, tài liệu để hiểu rõ ràng, hiểu sâu rộng các vấn đề. Em thường tự học theo phương pháp “Tự hỏi tự trả lời” nghĩa là tự đưa ra các câu hỏi từ dễ đến khó và tự trả lời, tham khảo thêm sách, tài liệu trên mạng và có thể nhờ các bạn Việt Nam và thầy cô giúp đỡ.
  • Em thường đi học với một bạn Việt Nam, bạn đó học cùng lớp em. Bạn đó cũng là một trong những sinh viên Việt Nam học rất giỏi trong lớp và luôn giúp đỡ em về việc học tập. Chúng em luôn giúp đỡ nhau về việc học tập, trong mỗi học kỳ chúng em trao đổi, thảo luận, chia sẻ với nhau.
  • Các môn cơ bản bao gồm Toán cao cấp và Vật lý đại cương… đều quen thuộc với em bởi vì em đã được làm quen ở trung học phổ thông, vì khi em học trung học phổ thông ở bên Lào cũng đã được học, chỉ khác là ở đại học em được học nâng cao mở rộng hơn để phục vụ cho chuyên ngành sau này. Nhưng không nên coi chúng là những môn phụ vì đó chính là “những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên ngôi nhà” và còn nhiều môn học khác: Tin học, SQL Server, Lập trình… là những môn học em chưa học nhưng em cũng rất cố gắng học.
  • Các môn học chuyên ngành là những môn em rất thích học, nhưng thực sự em thấy khó, cần không những thuộc mà còn phải hiểu và hiểu đúng. Em còn học thêm từ bạn Việt Nam, em thường trao đổi nội dung môn học với bạn Việt Nam. Em thường học ngay từ đầu kỳ học, chứ không phải đến lúc thi hay kiểm tra mới học.
  • Hình thức thi và kiểm tra trắc nghiệm đang được áp dụng rộng rãi trong các môn học, em còn gặp nhiều khó khăn và chưa tìm ra phương pháp học tốt nhất với hình thức này. Nhưng em cũng thấy hình thức này rất hay, nó đòi hỏi sinh viên phải nhớ nhiều, nhớ chính xác từng ý nhỏ không chỉ thuộc đơn thuần mà còn phải hiểu nữa.
Trên đây, là những kinh nghiệm học tập rút của chính bản thân em. Theo em, mỗi người có một phương pháp học tập riêng phù hợp với hoàn cảnh, năng lực của mình. Phương pháp học tập có thể hay với người này nhưng không hay với người khác, có thể bổ ích với người này nhưng cũng có thể không giúp ích gì cho người khác. Và nếu chỉ nói thôi thì chúng cũng chỉ là những lý thuyết suông, quan trọng là chúng ta làm thế nào, biến cái của người khác thành của mình như thế nào và kết quả đạt được ra sao.
Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét